+Aa-
    Zalo

    Nỗi đau số phận không bao giờ cần giật gân câu khách

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nội dung của vở kịch “Ba trong một” hướng đến những người bị nhiễm HIV/AIDS. Nghe có vẻ là khô cứng, nhưng vở kịch này đã “lấy” khá nhiều nước mắt của người xem.

    (ĐSPL) - Cuối năm thường là thời điểm các nhà hát, rạp chiếu phim rộn ràng chuẩn bị những vở kịch, bộ phim bom tấn để ra mắt khán giả và chào đón năm mới. Khác với các nhà hát hay rạp chiếu phim, nhà hát Kịch Việt Nam lại chọn cách tiếp cận khán giả bằng việc công diễn một vở kịch đặc biệt có tên “Ba trong một”.

    Nội dung của vở kịch hướng đến những người bị nhiễm HIV/AIDS. Nghe có vẻ là khô cứng, nhưng vở kịch này đã “lấy” khá nhiều nước mắt của người xem. “Nghệ thuật là nơi xoa dịu nỗi đau của nhiều người, vở kịch “Ba trong một” ra đời với thông điệp: Hãy cảm thông và xoa dịu nỗi đau mà những người bị nhiễm HIV/AIDS mắc phải...”, tác giả kịch bản Nam Phương chia sẻ.

    Nghệ thuật đi vào tận cùng nỗi cô đơn

    Đạo diễn vở kịch, NSƯT Anh Tú – Phó Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Sau một số đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và nhà hát Âu Cơ, chúng tôi muốn đưa vở kịch nhân văn này đến gần khán giả hơn. Vì thế, đoàn đã tập luyện thêm và chia thành hai đoàn nhỏ để đi diễn phục vụ công chúng ở một số tỉnh quanh Hà Nội. Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng, kịch tuyên truyền như này sẽ không nhiều khán giả tới xem, nhưng không ngờ, nhiều khán giả quan tâm và thậm chí có người đi xem cả hai đêm diễn ở Hà Nội vào cuối tháng 11 vừa qua...”.

    Một cảnh trong vở “Ba trong một” của nhà hát Kịch Việt Nam.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, vở diễn nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa nhà hát Kịch Việt Nam và Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (chương trình PEPFAR) thuộc Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Vở kịch “Ba trong một” kể về ba con người với ba cuộc đời khác nhau nhưng cùng chung một số phận: Họ là ba nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Dũng – một nam thanh niên đồng tính phải bỏ nhà ra đi vì gia đình không chấp nhận. Hoa làm gái mại dâm để lấy tiền nuôi mẹ già, con nhỏ ở quê. Công – một người tiêm chích ma túy lâu năm và gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Diễn viên Lâm Tùng vào vai Công trong vở kịch cho biết, với vở kịch “Ba trong một”, những người làm nghệ thuật muốn gửi gắm tới khán giả một thông điệp giản đơn và bình dị: Tình yêu thương, sự bao dung và sẻ chia của những người thân yêu luôn là động lực để những số phận, những con người lầm đường lạc lối có cơ hội được sửa sai và trở về với cuộc sống. Và hơn tất cả, tình yêu thương, sự bao dung của người thân luôn là nơi bình yên nhất của cuộc đời, là nơi những cánh chim lạc lối giữa trời giông bão luôn tìm hướng quay trở về...”.

    Trò chuyện với PV, đạo diễn, NSƯT Anh Tú cho biết: “Xuyên suốt vở kịch “Ba trong một” là những câu chuyện, những tình huống xoay quanh số phận của ba nhân vật bị nhiễm HIV/AIDS. Gia đình đối với nhiều người đó là nơi hạnh phúc, nhưng với không ít người gia đình đôi khi là áp lực mà họ không dễ gì đối diện, nhiều người bị kỳ thị, xa lánh ngay chính trong ngôi nhà của mình. Vở kịch nói về một căn bệnh đặc biệt của xã hội, vì thế từ lúc đoàn bắt đầu tập, một số người thân của diễn viên cũng đến xem để thỏa chí... tò mò. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, lúc tập cũng có khán giả xem thế này thì quá “hot”, vở diễn sẽ có sức lan tỏa rất lớn...”.

    Đạo diễn, NSƯT Anh Tú – Phó Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam.

    Cùng chung quan điểm, nhà biên kịch Chu Hồng nói: “Vở kịch “Ba trong một” là tác phẩm mang tính nhân văn cao, lần đầu tiên nhà hát Kịch Việt Nam có một vở diễn nói lên thân phận của những con người đang bị coi là “nhóm yếu thế” trong xã hội, bởi họ bị kỳ thị, bị xa lánh và khó hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Vở kịch chính là nỗi sẻ chia của các nghệ sỹ nhà hát Kịch Việt Nam với những người không may bị mắc căn bệnh HIV/AIDS. Nghệ thuật chân chính là đi vào tận cùng nỗi cô đơn của con người”.

    Vẫn phải sống dù “mang bản án tử”

    Tác giả kịch bản Nam Phương tâm sự: “Chọn đề tài xã hội, nhưng các tình tiết kịch được xây dựng từ góc nhìn gia đình. Những con người trong vở kịch “Ba trong một” là những người như vậy. Thông qua câu chuyện của Dũng, Hoa, Công, vở kịch gửi thông điệp giản dị: Tình thương yêu giữa những thành viên trong gia đình là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để những con người lạc lối trở về và sự bao dung là món quà đặc biệt, là sự thức tỉnh nhân văn đối với những người chẳng may bị lầm lỗi”.

    Chúng tôi hỏi đạo diễn, NSƯT Anh Tú, hiện nay, trên một số sân khấu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đạo diễn đã “táo bạo” đưa thêm “cảnh nóng” vào kịch để thu hút khán giả, bán được vé, vậy với những vở kịch như “Ba trong một”, anh có suy nghĩ đến việc đưa một cảnh “hot” vào không? NSưT Anh Tú cho biết, sân khấu kịch rất khác với showbiz, không phải cứ “nóng”, “hot” là khán giả tới mua vé, đây là một vở kịch nói về một căn bệnh, hiện tượng xã hội, vì thế, chúng tôi không đặt sự giật gân, câu khách lên hàng đầu. Hơn nữa, sân khấu kịch có lượng khán giả rất riêng và không phải ai cũng thích xem những cảnh nhảm ngoài nội dung vở kịch ấy.

    Với thời lượng là gần hai tiếng đồng hồ trên sân khấu, vở kịch “Ba trong một” đã đưa khán giả đến ba câu chuyện đời của ba nhân vật. Nhìn những diễn viên tập luyện miệt mài trên sân khấu, chúng tôi mới biết rằng, để có những lời thoại, hình ảnh lung linh ấy, họ đã phải tập luyện miệt mài, kiên trì, thậm chí có những buổi phải thức cả đêm để học lời thoại, học diễn xuất. Diễn viên Phương Nga tâm sự: “Từ trước đến nay, tôi hay diễn những vai về đề tài tình yêu, gia đình, bè bạn, đây là lần đầu tiên được diễn vai trong một vở diễn nói về những người bị nhiễm HIV/AIDS. Chúng tôi đã đi diễn vở này ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà hát âu Cơ và nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả. Tôi nghĩ, sau vai diễn này, tôi sẽ có thêm trải nghiệm, hiểu và thông cảm, chia sẻ với những người bị HIV/AIDS hơn nữa...”.

    Đạo diễn Hoàng Nam cho biết: “Tôi có nhận được vé mời xem buổi diễn “Ba trong một” ở Nhà hát Lớn vừa qua, tôi thấy rằng, nghe qua, vở kịch có vẻ khô cứng nhưng không, qua sự diễn xuất của các diễn viên, vở kịch đã được “mềm hóa” để chạm vào trái tim người xem. Đây là lần đầu tiên, trên sân khấu kịch Việt Nam có vở diễn ý nghĩa này. Những tác phẩm, kịch bản nhân văn như thế cần được nhân rộng để nhiều khán giả biết tới. Thông điệp nhân văn mà vở kịch “Ba trong một” hướng tới là: Cộng đồng, xã hội hãy cởi mở, hãy hỗ trợ và coi người nhiễm HIV như những con người bình thường mắc bệnh và cần được chăm sóc, hỗ trợ, điều trị”.

    Họ đã vươn lên, không còn tự kỷ với bản thân mình và mong muốn gia đình, cộng đồng và xã hội không còn kỳ thị, phân biệt đối xử để những người bệnh có thể sống khỏe mạnh, có ích.

    Công chiếu vở kịch là nhân rộng tình cảm nhân văn

    Nhà biên kịch Chu Hồng cho biết: “Vở kịch “Ba trong một” có tiết tấu nhanh, lời thoại ngắn, vì thế khán giả xem và bị cuốn vào giọng kể, lời diễn của nhân vật. Sân khấu kịch hiện nay rất cần những kịch bản có đề tài xã hội như vậy, bởi hiểu và thông cảm cho những người kém may mắn hơn mình là sự văn minh. Nhà hát Kịch Việt Nam đưa vở diễn đi công diễn ở nhiều tỉnh, ngoài hai đêm diễn ở Hà Nội là việc làm đáng hoan nghênh, bởi nhân rộng tình cảm nhân văn là điều mà nghệ thuật nên làm...”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-so-phan-khong-bao-gio-can-giat-gan-cau-khach-a76356.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan