+Aa-
    Zalo

    Nối thành công cẳng chân đứt rời cho người đàn ông bị máy cắt cây cắt phải

    (ĐS&PL) - Trong lúc vận hành máy cắt cây trên đồi trồng keo, do bất cẩn, người đàn ông bị máy văng vào và cắt đứt lìa đầu dưới cẳng chân phải.

    Theo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vừa thực hiện ca phẫu thuật xuyên đêm nối thành công cẳng chân bị đứt rời cho nam bệnh nhân bị tai nạn lao động.

    Được biết, bệnh nhân là ông L.V.T (58 tuổi, trú tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hoá). Trong lúc vận hành máy cắt cây trên đồi trồng keo, do bất cẩn, anh L.V.T bị máy văng vào và cắt đứt lìa đầu dưới cẳng chân phải. 

    Sau đó, ông T. được đưa vào bệnh viện tuyến huyện sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá lúc 23h ngày 18/5/2023.

    noi thanh cong cang chan dut roi cho nguoi dan ong bi may cat cay cat phai1
    Bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện và được chuyển lên cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá sau đó. Ảnh: Vnexpress

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, ý thức lơ mơ, chân phải có vết đứt sắc gọn, đứt xương chày, xương mác và toàn bộ mạch máu, lộ cơ và xương dập nát, bàn chân phải lạnh, mất cảm giác, mất vận động, mạch mu chân không bắt được.

    Đánh giá đây là ca bệnh tổn thương rất phức tạp có nguy cơ cắt cụt chân phải cao, ê kíp phẫu thuật nhanh chóng hội chẩn các chuyên khoa liên quan. Sau 1 giờ vào viện, bệnh nhân nhanh chóng được làm đầy đủ các loại xét nghiệm cần thiết và chuyển về phòng phẫu thuật lúc 00h. 

    Toàn bộ các bác sĩ của ê kíp nối chi thể khoa Chấn thương và Gây mê hồi sức được điều động khẩn cấp ngay trong đêm để phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

    Ê kíp các bác sĩ tiến hành truyền máu, cắt lọc, làm sạch vết thương, phẫu thuật xuyên đinh cố định xương, khâu nối động mạch chày trước, động mạch chày sau, tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch chày trước; nối gân gót, gân chày trước, các gân gấp, gân duỗi chung các ngón, nối dây thần kinh... bằng kính vi phẫu.

    Sau hơn 6 giờ phẫu thuật căng thẳng xuyên đêm, đến 6h00 phút sáng, ê kíp các bác sĩ đã phục hồi toàn bộ giải phẫu, khâu nối gân cơ, các mạch máu và thần kinh cho cằng chân đứt lìa của bệnh nhân.

    Một tuần sau mổ, chân nối của bệnh nhân phục hồi tốt, cẳng bàn chân phải hồng ấm có cảm giác, ngón chân cử động nhẹ nhàng và hồi lưu tốt. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thực hiện thêm ca phẫu thuật vá da với diện tích 10 cm2 tại phần chân nối bị khuyết da cho bệnh nhân.

    Hiện tại, sau ba tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn các bài tập luyện phục hồi chức năng để đảm bảo phần chân nối có thể phục hồi chức năng vận động.

    noi thanh cong cang chan dut roi cho nguoi dan ong bi may cat cay cat phai2
    Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã sử dụng kính vi phẫu trong phẫu thuật chi thể đứt rời. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Vnexpress dẫn lời bác sĩ Hoàng Tuấn Long, Phó trưởng Khoa Chấn thương, Trưởng kíp phẫu thuật, cho biết khu vực bệnh nhân xảy ra tai nạn ở trên đồi cao, vắng người, địa hình hiểm trở. Việc di chuyển xuống dưới mặt đất khó khăn nên sau 6 tiếng đồng hồ, bệnh nhân mới được chuyển đến bệnh viện.

    Trong khi di chuyển bệnh nhân, Trung tâm Cấp cứu đã báo bệnh viện sẵn sàng chuẩn bị phẫu thuật. Nhờ vậy, bệnh nhân được kịp thời cầm máu cấp cứu và tận dụng thời gian vàng trong nối chi thể, may mắn nối thành công phần đứt rời.

    Đứt rời tay hoặc chân là tổn thương nặng đe dọa tính mạng người bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này.

    Đây là ca nối chi thể đứt rời thứ 4 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, giúp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời ngay tại địa phương mà không cần chuyển tuyến trên.

    Qua trường hợp trên các bác sĩ cũng khuyến cáo thời gian vàng lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục cho phần chi thể đứt rời, nếu chi thể được bảo quản đúng cách.

    Với phần chi đứt lìa, người sơ cứu cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất.

    Sau đó, bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.

    Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.

    Trong trường hợp bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

    Chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vòng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-thanh-cong-cang-chan-dut-roi-cho-nguoi-dan-ong-bi-may-cat-cay-cat-phai-a578536.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan