+Aa-
    Zalo

    NSƯT Sĩ Tiến: Tôi không tham việc và hành xử chuyên quyền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - NSƯT Sĩ Tiến là diễn viên trưởng thành từ nhà hát Tuổi trẻ. Anh được khán giả biết đến qua các vở diễn: Trò đời, Nhà búp bê,...

    NSƯT Sĩ Tiến là diễn viên trưởng thành từ nhà hát Tuổi trẻ. Anh được khán giả biết đến qua các vở diễn: Trò đời, Nhà búp bê,... Bên cạnh sân khấu, Sĩ Tiến cũng là cái tên để lại dấu ấn sâu sắc trên màn ảnh nhỏ.

    Nghệ sĩ Sĩ Tiến đang giữ vai trò Phó giám đốc chuyên trách về dự án nước ngoài của nhà hát Tuổi trẻ.

    Thế hệ vàng của một thời chưa xa

    Anh là một trong những người gắn bó nhiều năm với nhà hát Tuổi trẻ. Nghệ sĩ trẻ Sĩ Tiến đã trưởng thành thế nào thưa anh?

    Tôi là một trong những người may mắn được coi là "con đẻ" của nhà hát Tuổi trẻ, niềm đam mê sân khấu được sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Nhà hát có 4 lớp diễn viên từng được đào tạo từ năm 1978 đến nay. Tôi là lớp khóa IV, là khóa lớp cuối cùng của nhà hát. Sau đó 2004 -2008, tôi học đạo diễn ở trường Sân khấu - Điện ảnh.

    Ngay từ rất sớm, diễn viên khóa I đã được làm những vở diễn do các chuyên gia Liên Xô vào đầu những năm 80 dàn dựng. Đến thế hệ như tôi cũng được đào tạo chính tại nhà hát chứ không phải trường Sân khấu - Điện ảnh. Khi học xong, tôi chỉ được diễn những vai quần chúng, vai phụ vì những diễn viên thế hệ đầu đang ở giai đoạn chín. Thời điểm tôi được làm nghề nhiều nhất chính là quãng thời gian làm loạt kịch 10 số về Đời cười. Lúc đó, tôi vừa đảm nhận vai trò diễn viên vừa làm trợ lý đạo diễn. Trong thời gian đó, tôi còn nhận thêm vai trò là làm phó đoàn cho anh Chí Trung.

    Người ta nói, Sĩ Tiến khó tính lắm, làm việc với anh rất áp lực. Điều này đúng không, thưa anh?

    Tôi khá kỹ tính và luôn chỉn chu về chuyên môn. Tôi luôn đặt câu hỏi với bản thân với đồng nghiệp rằng: "Làm thế đã hay chưa? Có cần thêm gì không?". Khi níu mọi người bằng những câu hỏi thì lập tức phải suy nghĩ, liên tục thúc đẩy nhau, giúp nhau phải suy nghĩ về mục tiêu chung. Tôi không tạo môi trường áp đặt mình là người quản lý. Tôi cũng không hành xử chuyên quyền. Tôi hiểu, nhiệm vụ của người quản lý chính là giúp mọi người trở nên tốt hơn, đặc biệt là diễn viên trẻ trở nên tốt hơn.

    Khá lâu rồi khán giả không thấy anh trên màn ảnh nhỏ, anh có ý định quay trở lại với truyền hình?

    Tôi có nhận được một số lời mời đóng phim truyền hình nhưng vì không có thời gian nên bắt buộc phải từ chối. Tôi muốn dành toàn tâm cho sân khấu. Phim truyền hình sẽ dài tập, mỗi lần tham gia phải mất vài tháng, trong khi tôi còn việc của Nhà hát. Nếu có duyên và có thời gian, tôi nhất định sẽ quay trở lại màn ảnh.

    Tôi không tham việc, tôi nghĩ khi không có thời gian thì không phải việc gì mình cũng làm được. Tôi không thích bản thân ôm đồm rồi làm gì cũng không đến nơi đến chốn.

    NSUT Sĩ Tiến gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ hơn 30 năm.

    Hào quang rất khác

    Gắn bó với sân khấu kịch gần 30 năm, điều gì khiến anh có tình yêu bền bỉ đến vậy?

    Sân khấu là loại hình nghệ thuật tốn rất nhiều thời gian và thậm chí cực kỳ mệt mỏi. Nếu bạn muốn đứng diễn được 1 tiếng trên sân khấu thì phải tập luyện hăng say mấy tháng trời. Thu nhập cũng bị hạn chế vì phải phụ thuộc vào từng đêm biểu diễn. Tuy không có nguồn lợi về mặt tài chính nhưng tôi luôn cảm nhận được niềm say mê đối với sân khấu.

    Đối với tôi, sân khấu còn mang lại một cảm xúc rất đặc biệt. Việc đứng trên sân khấu sẽ liên tục nuôi dưỡng cảm xúc của diễn viên. Và, phản ứng của khán giả trong khán phòng là điều quan trọng đối với mỗi diễn viên đứng trên sân khấu. Vì vậy, hào quang trên sân khấu cũng được cảm nhận theo kiểu rất khác.

    Anh là NSƯT và Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ ở cái tuổi còn khá trẻ. Sự nghiệp của anh dường như chẳng gặp trở ngại?

    Đối với tôi, danh hiệu hay chức vụ không phải mục tiêu phấn đấu. Tôi làm nghề một cách hồn nhiên, hoàn toàn không bao giờ phấn đấu để đạt được một danh hiệu nào đó bằng được. Tôi luôn nghĩ, tôi dâng hiến nghiệp diễn của mình và muốn để đồng nghiệp, khán giả tự đánh giá điều đó.

    Đương nhiên, khi được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Đối với nhiều người, điều đó thật sự xúc động. Đối với tôi cũng vậy, cảm giác những cống hiến của mình cuối cùng cũng được ghi nhận quả thật rất hạnh phúc. Tôi hoàn toàn không có tư tưởng, phấn đấu để được ghi nhận.

    Không quay lưng với sân khấu

    Thế hệ trẻ hiện nay có vẻ không mặn mà với nghệ thuật sân khấu. Anh nghĩ sao về điều này?

    Gần đây YouTube, rạp chiếu phim đang phát triển, các bạn trẻ cũng đi theo những xu hướng đó. Nghệ thuật sân khấu cũng có tính giải trí nhưng đôi khi khiến người xem phải suy nghĩ. Nhiều bạn trẻ trước kia không có khái niệm đến nhà hát xem sân khấu. Nhưng, khi được xem kịch sân khấu, họ phải chú ý đến từng hơi thở, giọt nước mắt nụ cười rồi vỡ òa cảm xúc.

    Nhà hát Tuổi trẻ thành lập với chức năng và nhiệm vụ diễn cho thanh thiếu nhi. Nhà hát Tuổi trẻ là nơi có phong cách biểu diễn đời thường, gần gũi, cách tiếp cận với khán giả cũng dung dị, nhẹ nhàng. Điều đó không tạo nên khoảng cách giữa khán giả và các nghệ sĩ trên sân khấu.

    Nhà hát đang định vị lại phân khúc khán giả của mình hướng đến giới trẻ nên đến thời điểm hiện nay, nhiều người trẻ bắt đầu đến với Nhà hát nhiều hơn. Bên cạnh đó, Nhà hát luôn tăng cường tiếp cận những trường đại học. Công tác thu hút khán giả trẻ từ các bé từ mẫu giáo đến các cấp đều được Nhà hát quan tâm.

    Nhà hát Tuổi trẻ đã hoạt động như thế nào trong tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng?

    Theo tôi, chúng ta phải sống chung với dịch bệnh. Trong thời gian giãn cách, một mình tôi vẫn đến Nhà hát thường xuyên. Hàng ngày, anh em diễn viên vẫn luôn âm thầm tập luyện để duy trì đời sống sân khấu. Trong thời điểm đó, có nhiều nghệ sĩ nhớ nghề, cảm giác chân tay ngứa ngáy, thỉnh thoảng vẫn ghé qua Nhà hát ngắm sân khấu rồi lại đi về.

    Tuy nhiên, rất may mắn, mọi chuyện đi qua rất nhanh. Khi được mở cửa trở lại, trong vòng 1 tháng, Nhà hát ngay lập tức tổ chức diễn mấy chục suất diễn. Khi đó Nhà hát lại như được sống lại.

    Trước dịch, lịch làm việc của Nhà hát kín hầu như hết cả tuần. Nhà hát luôn đông vui tiếng người, xe cộ ra vào tấp nập. Ví dụ như dịp 1/6 năm ngoái, trong 20 ngày, Nhà hát tổ chức diễn khoảng 50 suất, có ngày diễn đến 5-6 suất suốt từ sáng đến đêm. Sân khấu luôn "đỏ đèn", diễn viên mệt đến mức kiệt sức nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc.

    Đợt dịch đầu tiên, Nhà hát phải đóng cửa 2 tháng do không được tập trung đông người. Điều đặc biệt là Nhà hát dành cho thiếu nhi, mỗi buổi diễn có 600-700 cháu của các trường nên chúng tôi phải thận trọng hơn tất cả chỗ khác.

    Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

    Thành thật mà nói, doanh thu của Nhà hát Tuổi trẻ thời gian dịch Covid-19 căng thẳng sụt giảm có thể đến 50% nên thu nhập của anh em cũng giảm đáng kể. Nhưng, đó là những khó khăn chung do dịch bệnh chứ không phải của riêng Nhà hát Tuổi trẻ.

    Thái Phương

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (185)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nsut-si-tien-toi-khong-tham-viec-va-hanh-xu-chuyen-quyen-a346414.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan