+Aa-
    Zalo

    Nước Mỹ một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống 2016

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Chỉ còn một ngày nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra với ưu thế nghiêng về ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

    Ngày 8/11 (giờ Mỹ) tức 9/11 (giờ Việt Nam), kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sẽ xướng tên tân chủ nhân của Nhà Trắng. Người Mỹ có thể ăn mừng chào đón nữ Tổng thống đầu tiên hoặc bất ngờ trước chiến thắng của một nhà tỷ phú.

    Nước Mỹ nín thở chờ đón tân Tổng thống

    Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ trở thành Tổng thống Mỹ?

    Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã có một chặng đường dài với những thăng trầm đáng nhớ. Ông Trump và bà Clinton luôn nỗ lực hết mình để giành chiến thắng cuối cùng, song điều khiến nhiều người nhớ nhất lại là các bê bối cá nhân của họ.

    Về chính sách, 2 ứng viên dường như luôn đưa ra những quan điểm trái ngược. Ông Trump bị chỉ trích nhiều vì chính sách kiểm soát người nhập cư Hồi giáo, xây dựng bức tường ngăn cách với Mexico, ủng hộ công dân sở hữu vũ khí. Donald Trump cũng đề xuất đánh thuế nhiều hơn với người giàu để đảm bảo an sinh xã hội cho tầng lớp dưới, yêu cầu nhiều lợi ích hơn từ các đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc…và đẩy mạnh quan hệ hòa hảo với Nga – quốc gia Mỹ luôn coi là đối trọng.

    Ông Trump được ủng hộ vì "sự sáng tạo".

    Trong khi đó, Hillary Clinton đề xuất tiếp tục các chính sách từ thời Tổng thống Barack Obama, thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với đồng minh, không kiểm soát quá gắt gao với người di cư, hứa hẹn đem lại nhiều việc làm hơn cho người lao động từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp…

    Về bê bối cá nhân, nhà tỷ phú New York bị cáo buộc coi thường phụ nữ như chê cựu hoa hậu Mỹ năm 1996 là "hoa hậu lợn", quỵt tiền của công nhân, né thuế hay tấn công tình dục, còn vị cựu Ngoại trưởng khốn đốn, lao đao vì bê bối email cá nhân mà FBI tiến hành điều tra đến hôm 6/11, chỉ 2 ngày trước bầu cử.

    Bên cạnh đó, sức khỏe của bà Clinton cũng là một trong những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm. Trong thời gian vận động tranh cử, bà từng ngã quỵ và được xác định mắc bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, có thuyết âm mưu cho rằng bà mắc bệnh nan y, chỉ có thể sống thêm được hơn 1 năm. Quản lý chiến dịch và bản thân Clinton luôn phủ nhận song rõ ràng thông tin chưa xác thực này cũng đã gây ảnh hưởng tới sự ủng hộ của cử tri.

    Hillary Clinton giành được sự ủng hộ của cử tri nhờ sự chắc chắn, kinh nghiệm và phong thái của một nhà chính trị đã hoạt động hơn 30 năm.

    Một số nhà phân tích cho rằng, trong điều kiện mà người Mỹ dần mất lòng tin vào chính trị, những chính sách và thế mạnh của Hillary Clinton có thể bị coi là quá nhàm chán và sự bốc đồng của ông Trump lại được coi là sáng tạo. Nhiều người Mỹ cũng không hài lòng với cả 2 ứng viên Tổng thống, vì vậy nên ai là người chiến thắng cuối cùng vẫn rất khó để dự đoán.

    Kết quả thăm dò cuối cùng trước bầu cử

    Những cuộc thăm dò trên phạm vi tất cả các tiểu bang đã được tiến hành trong ngày cuối trước bầu cử. Các tin tức mới nhất chủ yếu thuận lợi cho ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton – người vừa được giám đốc FBI bảo lưu kết quả điều tra bê bối email (không buộc tội).

    Kết quả cuộc thăm dò của NBC/WSJ cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump 4 điểm (44% – 40%). Ứng cử viên Đảng Tự do Gary Johnson giành được 6% và ứng viên Đảng Xanh Jill Stein đã nhận được 2% sự hỗ trợ.

    Các kết quả mới nhất từ ​​ABC/Washington bình chọn qua các bài theo dõi cho thấy bà Clinton dẫn 5 điểm trước ông Trump. Kết quả này rất ý nghĩa, bởi vì trong cuộc bình chọn tương tự trước đó, khi FBI tuyên bố mở lại điều tra với Clinton, Donald Trump đã từng vượt lên dẫn trước.

    Clinton dẫn trước Trump từ 2 - 5 điểm ủng hộ.

    Nhiều người tham gia cuộc thăm dò nói rằng, sở dĩ họ bầu cho ông Trump chỉ vì họ phản đối/không thích bà Hillary.

    Trong khi đó, thăm dò của CBS/NYT cho kết quả bà Clinton chỉ dẫn trước đối thủ 3 điểm (45% – 42%). The New York Times lưu ý rằng sau một "chiến dịch Tổng thống xấu xí nhất lịch sử ", 8/10 cử tri nói rằng cuộc bầu cử lần này để lại cho họ sự chán ghét hơn là vui mừng bởi nền chính trị Mỹ.

    Trong số các cử tri Đảng Cộng hòa, hơn 41% cảm thấy Donald Trump đã mang tiếng xấu cho Đảng, 39% lại nghĩ rằng ông đã làm tốt. Có đến 85% nói rằng việc nhà tỷ phú đại diện cho Đảng chỉ gây ra chia rẽ chứ không phải là sự thống nhất.

    Lo lắng và bất an, nhiều người Mỹ vội vã mua súng

    Nhiều người Mỹ thấy bất an đã đi mua súng, tránh tranh luận với người lạ.

    Trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người dùng Twitter cho rằng thực chất, đến giờ phút này thực sự rất khó dự đoán ai sẽ là người chiến thắng. Thế nhưng, cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy sự chia rẽ của nước Mỹ cũng như hàng loạt các vấn đề tiêu cực tồn tại trong nền chính trị nước này.

    Trước thềm bầu cử, nhiều người Mỹ lo ngại về tình hình an ninh. Họ muốn mua súng để bảo vệ bản thân nếu gặp rắc rối, bàn xem nên tránh xa chỗ nào và không nên nói chuyện với người nào. Những cuộc trò chuyện thường ngày bỗng trở nên nhạy cảm, dễ gây mất hòa khí, theo Washington Post.

    Cử tri Mỹ cũng bày tỏ sự lo lắng cho tương lai đất nước. Theo họ, dù ai lên làm Tổng thống thì có vẻ như tình hình đất nước họ cũng sẽ rất khó được cải thiện.

    Cách thức bầu chọn Tổng thống Mỹ

    Tổng thống và Phó Tổng thống là những quan chức đứng đầu cơ quan hành pháp của Chính phủ Liên bang, với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu theo thể thức sau:

    Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu bởi các Đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do dân bầu trực tiếp. Mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của bang, tuy nhiên sẽ không có một Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri.

    Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang và bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân của cùng một bang.

    Có hai lá phiếu khác nhau: phiếu bầu Tổng thống và phiếu bầu Phó Tổng thống. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được chuyển lên chính phủ và trình lên Chủ tịch Thượng viện bằng hai bản - một bản là danh sách các ứng cử viên được bầu chọn vào chức vụ Tổng thống, với số phiếu bầu tương ứng; bản khác là danh sách ứng cử viên được bầu chọn chức Phó Tổng thống cùng số phiếu bầu tương ứng.

    Chủ tịch Thượng viện trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và đem phiếu ra đếm. Người có số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống và vượt quá 50% số phiếu của đại cử tri sẽ đắc cử Tổng thống.

    NHẤT DUY(Theo Independent)

    Video tin tức được xem nhiều:

    [mecloud]RwEet6Ogyi[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoc-my-mot-ngay-truoc-cuoc-bau-cu-tong-thong-2016-a169529.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan