+Aa-
    Zalo

    OTT: Cuộc chơi không dành cho "kẻ yếu"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thị trường OTT tại Việt Nam luôn có chỗ cho các tên tuổi mới tham gia nhưng cơ hội để thành công lại rất nhỏ.


    (ĐSPL) - Thị trường OTT tại Việt Nam luôn có chỗ cho các tên tuổi mới tham gia nhưng cơ hội để thành công lại rất nhỏ, đặc biệt là đối với các đơn vị có tiềm lực tài chính và tập khách hàng thấp.

    Trong lĩnh vực OTT tại Việt Nam, có khá nhiều tên tuổi đến từ nước ngoài cũng như trong nước, có thể kể đến như Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, Wechat ... Tuy nhiên sau khi các đối thủ lần lượt rớt lại phía sau, hiện tại, cuộc cạnh tranh chủ yếu chỉ còn là câu chuyện giữa Viber và Zalo, sản phẩm quốc tế đối đầu với sản phẩm nội địa.

    Theo số liệu đến từ Viber, ngay trong tháng 3/2014, ứng dụng này đã đạt tới cột mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam, tăng hơn 4 triệu so với thời điểm tháng 11/2013. Cũng vào cuối năm 2013 vừa qua, Viber đã chính thức mở văn phòng đại diện tại nước ta, điều này đồng nghĩa với việc hãng sẽ tấn công người dùng Việt mạnh mẽ hơn nhiều trong thời gian tới.

    OTT: Cuộc chơi không dành cho
    OTT tại Việt Nam có sự góp mặt của nhiều ứng dụng trong và ngoài nước

    Còn với Zalo, ứng dụng OTT thuần Việt của VNG, chỉ số tăng trưởng cũng ấn tượng không kém. Nếu như vào đầu năm 2013, ứng dụng này chỉ có khoảng 1 triệu người dùng thì khoảng 1 năm sau con số này đã là 10 triệu cùng 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày.

    Để có được thành công này, trong năm 2013 vừa qua, VNG đã không tiếc tiền chi cho các chiến dịch quảng cáo và marketing nhằm nâng cánh sản phẩm của mình. Chính vì vậy tới thời điểm này, Zalo hoàn toàn có thể tự tin khi tuyên bố ứng dụng này đã có mặt trên 50\% số smartphone ở Việt Nam.

    Được đánh giá là thị trường rất tiềm năng, chính vì vậy OTT vẫn được rất nhiều doanh nghiệp mới nhóm ngó nhằm chia phần. Có thể liệt kê ra những tên tuổi mới đã và sẽ tham gia trong thời gian tới như BeeTalk đến từ Singapore hay Btalk của Bkav, một công ty chuyên về bảo mật và an ninh mạng của Việt Nam.

    Ttheo một chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù thị trường OTT vẫn có chỗ dành cho các ứng dụng mới nhưng muốn thành công sẽ cực kỳ khó khăn và cơ hội này là khá nhỏ, bởi ngay ở các thương hiệu mới cũng sẽ có không ít đối thủ sừng sỏ sắp tham chiến trong thời gian tới.

    Trong số này đáng gờm nhất phải kể đến sự góp mặt của các nhà mạng khi cả Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đã bộc lộ rõ ý định sẽ tham gia OTT trong thời gian tới. Với họ, nhắn tin và gọi điện miễn phí qua kết nối mạng 3G được xem là dịch vụ sẽ mang lại doanh thu lớn trong tương lai.

    Với những lợi thế vốn có như tập khách hàng từ dịch vụ viễn thông lớn, tiềm năng tài chính mạnh, nhà mạng không chỉ là đối thủ "đáng sợ" đối với các doanh nghiệp mới tham gia OTT mà ngay cả những ứng dụng đã khẳng định được tên tuổi và thị phần cũng sẽ phải hết sức dè chừng.

    Trong đó việc sở hữu kết nối mạng 3G, một trong những kết nối chính bên cạnh WiFi để giúp cho ứng dụng OTT có thể hoạt động sẽ là lợi thế cực lớn của nhà mạng nhằm cạnh tranh. Khi đó, nhà mạng chỉ cần tung ra các gói kết nối internet miễn phí dung lượng với cước phí thấp đi kèm với ứng dụng OTT của mình, điều này sẽ giúp thu hút được một lượng rất lớn người dùng, thậm chí không ít trong số đó là khách hàng hiện có của các đối thủ.

    OTT: Cuộc chơi không dành cho
    Để có được thành công Zalo từng đổ không ít tiền cho các hoạt động quảng bá

    Bên cạnh đó, với doanh thu lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đến từ các dịch vụ viễn thông truyền thống, nhà mạng có thể thoải mái vung tiền cho các chiến dịch truyền thông nhằm tái hiện lại sự thành công tương tự như VNG đã từng làm được với ứng dụng Zalo của mình.

    Ngoài ra chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ là lợi thế không nhỏ của các nhà mạng. Điều này rất dễ nhận thấy qua chính quá trình hoạt động của OTT trong quá khứ.

    Khi các nhà mạng chưa chú ý, OTT được thoải mái hoạt động, khi những ứng dụng này đe dọa đến doanh thu của họ, ngay lập tức OTT bị đưa vào diện bị quản lý về mặt chính sách. Được biết, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chính sách quản lý đối với OTT, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.

    Như vậy có thể thấy, "sân chơi" OTT hiện vẫn mở cửa cho các doanh nghiệp mới tham gia nhưng nếu tiềm lực tài chính hoặc tập khách hàng vốn có ít hoặc không đủ, sự thành công sẽ khá xa vời. Tuy nhiên vẫn còn một khe hẹp dành cho "kẻ yếu" nếu họ đủ sức sáng tạo ra các dịch vụ đi kèm độc đáo nhằm thu hút người dùng nhưng xem ra điều này rất khó có thể xảy ra.

    Nguyễn Lê

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ott-cuoc-choi-khong-danh-cho-ke-yeu-a28780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan