+Aa-
    Zalo

    PCI: Vì sao Hà Nội vẫn “lẹt đẹt” so với các thành phố lớn khác?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bảng xếp hạng PCI năm nay cho thấy, Hà Nội tăng bậc rất nhanh về mặt xếp hạng nhưng ở nhiều chỉ số, thành phần, Hà Nội vẫn xếp loại thấp so với nhiều địa phương khác.

    (ĐSPL) - Bảng xếp hạng PCI năm nay cho thấy, Hà Nội tăng bậc rất nhanh về mặt xếp hạng nhưng ở nhiều chỉ số, thành phần, Hà Nội vẫn xếp loại thấp so với nhiều địa phương khác.

    Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, Hà Nội đã tăng gần 20 bậc so với năm trước lên vị trí 33 trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, vị trí này vẫn khiến Hà Nội nằm ở tốp cuối so với những tỉnh có mức cạnh tranh khá và kém nhiều so với những thành phố lớn khác như: Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...

    Vì sao Thủ đô Hà Nội vẫn “lẹt đẹt” so với các thành phố lớn khác?
    Chỉ số PCI Hà Nội thăng hạng nhưng vẫn ở mức thấp so với các thành phố lớn khác.

    Vị trí thấp là do sáp nhập Hà Tây?

    Bảng xếp hạng PCI năm nay đánh dấu sự quay trở lại một cách ấn tượng của các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Sự trở lại mạnh mẽ của hàng loạt các trung tâm kinh tế lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ... cho thấy chính quyền nơi đây đã có những cải cách, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, làm ăn. Hà Nội cũng tăng bậc rất nhanh về mặt xếp hạng nhưng ở nhiều chỉ số thành phần, Hà Nội vẫn xếp loại thấp so với nhiều địa phương khác. Chính lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong báo cáo nhanh về chỉ số PCI 2013 mới đây thừa nhận, thành phố có tới năm chỉ số thành phần xếp loại thấp so với cả nước, dù đã có cải thiện so với trước.

    Cụ thể, ở chỉ số “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” (dùng đo lường thời gian làm các thủ tục hành chính), Hà Nội đứng gần cuối bảng. Trong khi, các chỉ số khác như “chi phí không chính thức”, “thiết chế pháp lý”, “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương”... đều đứng gần cuối hoặc cuối bảng.

    Theo khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Hà Nội đã có những cải thiện về tính minh bạch nhưng điều đó chưa đáng kể và chưa đủ mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bị nhũng nhiễu và phải trả tới 10\% doanh thu cho những khoản chi phí không chính thức. Các doanh nghiệp tham gia điều tra PCI cũng cho rằng, công ty thuộc khối tư nhân trong nước vẫn chưa được đối xử công bằng so với công ty thuộc khối Nhà nước hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Không những vậy, mối quan hệ “nhất thân, nhì quen” vẫn chi phối cách đối xử của chính quyền với các doanh nghiệp. Đây là một trở lực rất lớn để đưa Thủ đô trở thành một điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp.

    Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trong lễ công bố chỉ số cạnh tranh 2013 đã phát biểu: “Năm nay PCI biến động không nhiều, nhưng ghi nhận sự thăng hạng của các trung tâm kinh tế lớn, đặc biệt sự quay trở lại đầy ấn tượng của Đà Nẵng. Trong bối cảnh khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, PCI phản ánh chất lượng điều hành nền kinh tế, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều dù vẫn chưa như kỳ vọng”.

    Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội vẫn chưa thể trở thành một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp là vì sáp nhập Hà Tây. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, từ khi sáp nhập Hà Tây chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội thấp. Bởi lẽ, việc tiếp cận đất đai bị đình hoãn vì thành phố phải làm lại quy hoạch. Không những thế, Hà Nội rất khó trong việc kiểm soát, kiềm chế các chi phí bôi trơn khi sáp nhập.

    Dù vậy, không thể cứ dùng nguyên nhân này giải thích cho việc năng lực cạnh tranh của Hà Nội thấp. Tính từ khi sáp nhập Hà Tây năm 2008, đến nay đã gần 6 năm nhưng những chỉ số quan trọng của Hà Nội vẫn không có nhiều thay đổi. Phải chăng, lãnh đạo thành phố “bất lực” trong việc cải thiện chỉ số cạnh tranh hay là vì một nguyên nhân nào khác?

    Doanh nghiệp phải chịu nhiều “phí bôi trơn”!?

    Xung quanh chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội thấp, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Kiêm cho biết: “Chỉ số năng lực cạnh tranh không phản ánh được tất cả tình hình đầu tư, hiệu quả đầu tư... của các doanh nghiệp khi đầu tư vào một tỉnh, thành phố mà nó chỉ thể hiện một vài mặt nào đó mà thôi.

    Tuy nhiên, riêng về mặt thủ tục hành chính cũng như tính minh bạch trong các việc xin và cấp phép đầu tư thì chỉ số này phản ánh đúng. Mặc dù việc khảo sát mang tính chủ quan và không thật sự phản ánh đúng bản chất của vấn đề nhưng tôi cho rằng, đây vẫn là số liệu đáng tham khảo. Những tỉnh, thành mà chỉ số cạnh tranh thấp, chứng tỏ thủ tục hành chính, thái độ hợp tác của chính quyền nơi đó còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Quan trọng hơn, doanh nghiệp thực tế đang phải mất rất nhiều tiền vào chi phí bôi trơn để có thể hoạt động trên địa bàn. Đây cũng là yếu tố chính khiến cho nhiều tỉnh tụt hạng PCI”.

    Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho hay, việc Hà Nội vẫn “lẹt đẹt” ở vị trí thấp so với những thành phố lớn khác chứng tỏ việc quản lý kinh tế của thành phố vẫn còn rất yếu, ít nhất là ở những mặt mà chỉ số PCI phản ánh. Bởi lẽ, sự chồng chéo trong quản lý kinh tế ở một địa phương vừa có kinh tế địa phương, vừa có kinh tế trung ương đã tạo ra sự không thống nhất trong quản lý. Từ trước đến nay, Hà Nội chưa bao giờ có chỉ số PCI cao kể cả trước khi sáp nhập Hà Tây và ngày càng phức tạp. Mặc dù, việc cải cách vẫn được lãnh đạo thành phố hô hào nhưng Hà Nội thì chưa thể mong chờ cải thiện ngay lập tức được.

    Mặc dù có những nhận định khá bi quan như vậy nhưng ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho biết: “Kết quả PCI thấp rõ ràng là một động lực cho Hà Nội để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa. Đã là lãnh đạo, chính quyền một địa phương, nhất lại là Thủ đô của một nước mà bị thua kém các tỉnh khác thì sẽ chạm vào lòng tự ái của địa phương đó”.

    Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng: “Chỉ số cạnh tranh PCI của Hà Nội xuống thấp trong nhiều năm liền rõ ràng là một vấn đề  đáng quan tâm. Lãnh đạo thành phố phải hết sức nghiêm túc nhìn nhận xem, tại sao thành phố đầu tư nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều ưu đãi với doanh nghiệp như thế mà khả năng thu hút đầu tư lại thấp hơn các tỉnh khác.

    Nhiều người cho rằng, chỉ số cạnh tranh của Hà Nội thấp là do sáp nhập vào Hà Tây nhưng thời gian cũng đã hơn năm năm mà kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với một Thủ đô văn minh, hiện đại. Tôi cho rằng, nếu không thẳng thắn xem xét những thắc mắc của doanh nghiệp cũng như mạnh tay loại trừ những vấn đề xấu ra khỏi bộ máy thì triển vọng cải thiện thứ hạng cạnh tranh của Hà Nội vẫn còn rất xa vời”.

    Hà Nội hứa sẽ  cải thiện năng lực cạnh tranh

    Một ngày sau khi công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hội nghị về môi trường kinh doanh của TP. Hà Nội đã được tổ chức để thảo luận những vấn đề liên quan. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cam kết trong Hội nghị, bên cạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Hà Nội sẽ tiếp tục có những kế hoạch, chỉ thị cụ thể để nâng cao vị trí xếp hạng PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời cải thiện thái độ làm việc của cán bộ, công chức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pci-vi-sao-ha-noi-van-let-det-so-voi-cac-thanh-pho-lon-khac-a27180.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan