+Aa-
    Zalo

    Số phận lưu lạc của bức sắc phong thời vua Tự Đức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Khi đình Bà Trầm bị địch bao vây, đốt phá, ông Đỉnh đã bí mật vào đình lấy bản sắc phong chạy nạn về Bến Tre cất giữ. Địch xông vào tận nhà để cướp nhưng ông Đỉnh liều chết không giao nộp.

    (ĐSPL) - Ngoài là điểm tựa tinh thần, niềm tự hào của xã Hưng Mỹ, ngôi đình cổ Bà Trầm còn là nơi tử chiến của những anh hùng áo vải chống giặc ngoại xâm giữ đất, giữ làng.

    Gần hai trăm năm sau, ngôi đình có hơn 60 chiến sỹ ngã xuống, hàng ngàn viên đạn găm lại trên cột cũng như số phận lưu lạc kỳ lạ của bức sắc phong từ thời vua Tự Đức... vẫn mãi lưu truyền trong nhân dân.

    Long đong một bức sắc phong

    Trong tâm trí của người dân xã Hưng Mỹ (huyện Châu Thành, Trà Vinh), đình An Mỹ hay còn gọi là đình Bà Trầm không chỉ là một di tích cấp tỉnh mà còn trở thành nơi lưu giữ những truyền thống đấu tranh anh hùng của mảnh đất này.

    Ông Hồ Văn Thống (53 tuổi), Bí thư kiêm Trưởng ấp Bà Trầm nhớ lại: "Đình nằm ngay mép sông Cổ Chiên. Đặc biệt, giồng đất, nơi đình án ngữ không bao giờ bị sạt lở như các khu vực xung quanh. Do đó, giặc muốn chiếm nơi đây làm nơi đóng quân, bãi đáp cho các tàu, thuyền chở vũ khí, lương thực. Để chiếm vị trí, hàng ngày địch bắn pháo từ máy bay, tàu chiến ngoài sông vào đình, khiến đình hư hại. Biết ý đồ của giặc, người dân kiên quyết giữ đất đình. Thế nên, trên nền đất ngôi đình này đã diễn ra hàng trăm trận tử chiến giữa ta và địch".

    Theo ông Thống, để giữ được đình, nơi đây đã có hơn 60 liệt sỹ ngã xuống. Ngôi đình cổ từ chỗ là địa điểm sinh hoạt tâm linh bỗng trở thành căn cứ cách mạng, thành chiến trường ác liệt bậc nhất Hưng Mỹ. Ông Thống cho biết: "Thời chiến, địch mạnh ta yếu, thiếu vũ khí, đạn dược trầm trọng nên phải đánh du kích, nghi binh. Xung quanh ngôi đình lúc đó đã bị đạn pháo giặc san bằng, ta lập nên các chiến hào. Mỗi khi địch rải quân, ta chỉ cần ba người cố thủ trong các chiến hào đó bắn tỉa, ba người cứ thay nhau chạy tới chạy lui, khiến địch có cảm giác như rơi vào ổ phục kích dày đặc vì đi đâu, hướng nào cũng thấy bộ đội ta di chuyển bắn trả. Có khi đánh cả ngày mà địch quân đông cũng không phá được vòng vây của ta".

    Vấp phải chiến thuật du kích linh động, hiệu quả, địch điên cuồng dùng máy bay, tàu chiến bắn phá. "Những lúc như vậy, các chiến sỹ đều cố thủ với tinh thần thà chết chứ không lui. Ai ai cũng kiên quyết bám đất, chống trả mưa bom, bão đạn của giặc. Đã có rất nhiều người ngã xuống, rất nhiều máu, nước mắt đã nhuộm đỏ vùng đất này nhưng giặc vẫn không tiến được một bước lên đất đình", ông Thống cho biết thêm.

    Cũng theo người dân Hưng Mỹ, trong thời chiến, bức sắc phong do chính vua Tự Đức tự tay phong cho đình bị thất lạc nhưng rất may bà con còn lưu giữ được. ông Trần Văn Lộc (53 tuổi) thuộc ban quản lý đình Bà Trầm cho biết: "Chiến tranh tàn phá đình tan nát, mọi thứ gần như bị chúng đốt sạch, duy chỉ có bức sắc phong còn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Đó được xem là một thành công lớn, bởi theo tôi, việc giữ được các sắc phong nguyên vẹn như đình này là rất hiếm. Thời chiến, bức sắc phong này từng nhiều lần bị thất lạc nhưng sau này vẫn được trả lại về đình".

    Theo ông Lộc, khi đình bị địch bao vây, đốt phá, nông dân Nguyễn Văn Đỉnh đã bí mật vào đình lấy bản sắc phong chạy nạn về Bến Tre cất giữ. Sau thời gian đó, bức sắc phong lưu lạc nhiều nơi nhưng vẫn được chủ nhân tạm thời của nó trân trọng, bảo quản cẩn thận. Dù có lúc, địch xông vào tận nhà để cướp sắc phong, nhưng nông dân Nguyễn Văn Đỉnh liều chết vẫn không giao nộp.

    Số phận lưu lạc của bức sắc phong thời vua Tự Đức

    Ông từ Trần Văn Lộc giới thiệu bức sắc phong quý hiếm còn được lưu giữ nguyên vẹn. ảnh: Hà Nguyễn.

    Khi đình được khôi phục lại, người đang giữ bức sắc phong cũng tình nguyện để ban quản lý dâng hương đến thỉnh sắc phong về thờ tại đình. Quan sát thực tế tại đình, bức sắc phong vẫn còn nguyên vẹn mặc dù đã ngả màu. Tất cả những chữ viết, ấn của vua Tự Đức còn rõ nét. Sắc phong ghi rõ: "Tự Đức Ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật". Qua đó có thể thấy, đình có trước thời vua Tự Đức và được chính vị vua này sắc thần.

    Số phận lưu lạc của bức sắc phong thời vua Tự Đức

    Đại diện của ngôi đình thiêng, nơi đang thờ cúng, cất giữ bức sắc phong có giá trị lịch sử.

    Thần linh ứng đòi về nền đất cũ?

    Những câu chuyện linh thiêng, màu nhiệm của đình Bà Trầm được người dân lưu truyền như một nét đẹp văn hóa. Theo đó, câu chuyện thần linh ứng đòi trả đình về nền đất cũ ngay trên mép sông Cổ Chiên được người dân tin tưởng, lưu giữ. ông Lộc cho biết: "Chuyện thần nhiều lần linh ứng ai ai cũng biết. Không phải chuyện mê tín dị đoan nhưng lớp người cùng tuổi tôi ai cũng chứng kiến những điều linh thiêng ở đình này. Đối với gia đình tôi, tôi chứng kiến việc không ai ở được đất đình quá một năm, thế mà tôi đã ở đây 26 năm rồi".

    "Trước kia, tôi cũng từng bị thần đình trách phạt vì không biết cúng bái, nhang khói cho đình. Lần đó, con gái tôi mới hai tuổi bị rớt xuống sông không tìm thấy xác. Chúng tôi lặn ngụp gần cả tiếng mà không thấy cháu. Không ngờ, cậu nó ở nhà, không hay, không biết chuyện xảy ra, tự dưng thấy người bứt rứt qua nhà tôi mới hay chuyện. Nó trầm mình xuống nước trong chớp mắt đã lôi được con tôi lên. Tôi sơ cứu và cháu may mắn thoát nạn", ông Lộc nhớ lại.

    "Sau này, khi nghe tin có ông thầy pháp rất hay dưới Trà Vinh, tôi lặn lội chèo ghe xuống rước ông về xem giúp đất đai, liệu mình còn ở được hay không. Khi về đến nơi, chưa cập vào bờ, ông đã nhảy ùm xuống nước rồi tự nhiên như bị bại liệt, lê lết đi không được. Tôi phải lôi ông lên nền đình cũ rồi ông nói bằng giọng rất lạ bảo: "Đây là hòn đất chín đời, ông không ở được thì không ai có thể ở. ông chưa biết cách cúng viếng, không chịu nhang khói cho đình nên bị bắt tội. Đất này là đất thiêng, sau này, ai đi qua đây cũng phải ngả nón, cúi đầu", sau lần ấy thì ông Lộc tin tưởng và hết lòng nhang khói cho đình.

    Sau lần được mách nước, dù nhà ở tít trong bưng, cách nền đình cũ (do bị giặc oanh tạc nên đình được người dân dời vào sâu trong đất liền), ông Lộc cũng cố lội bùn, vạch lá dừa nước đến đình cũ nhang khói. Tuy nhiên, được vài năm, những chuyện kỳ lạ lại diễn ra. ông Lộc nhớ lại: "Tự nhiên bà Năm, người đang ở gần đất đình cũ lâm bệnh. Đang yên đang lành, bỗng nhiên bà bỏ cơm, đúng 52 ngày bà không đụng đũa vào chén cơm. Đến hôm cúng đình, dân làng cúng đầu heo, bà Năm tự nhiên nhảy phốc lên án ngồi xé đầu heo ăn ngấu nghiến. Chuyện này ai cũng biết, bà ăn trước bàn dân thiên hạ, một mình ăn hết cả cái đầu heo. Thử nghĩ một người bình thường, không ai có thể ăn hết một cái đầu heo cúng như thế. ăn xong bà này nói phải đưa đình về nền cũ, không được để ở đất này và cho luôn ngày giờ chính xác để dân trong ấp làm theo".

    Theo ông Lộc, bà Năm vốn ít học, lại không phải thầy địa lý vậy mà cho ngày giờ cất đình đều được các cụ có thâm niên ưng ý. Hơn nữa, trong lúc ăn đầu heo, bà phán muốn dời đình lại chỗ cũ đều nói với giọng điệu rất khác. Sau hành động kỳ lạ đó, bà không hề nhớ việc gì đã diễn ra. Nghĩ Thần hoàng linh ứng, muốn được về lại đất cũ, dân ấp Bà Trầm lập tức góp sức, góp công dời đình về nền đất cũ. "Từ đó, mặc dù việc đi lại rất khó khăn, đất rừng ngập nước, cỏ cây um tùm nhưng đình lúc nào cũng thoáng đãng, ấm áp lạ chứ không có cảm giác hoang vu, âm u như trước. Sau đó, tôi được giao nhiệm vụ thắp nhang cho đình, hàng ngày, tôi đều cố lội bùn, tắm rửa sạch sẽ lên đình nhang khói. Cũng từ khi đình được trả về vị trí cũ, bệnh của bà Năm cũng hết, bà ăn uống lại bình thường và rất khỏe mạnh", ông Lộc cho biết thêm.

    Di tích đình Bà Trầm gắn với hoạt động cách mạng

    Ông Hồ Văn Thống, Bí thư kiêm Trưởng ấp Bà Trầm cho biết: "Đình Bà Trầm hay còn gọi là đình Mỹ An, một di tích lịch sử cấp tỉnh, được chính quyền địa phương rất quan tâm. Thiên Địa Hội du nhập vào Trà Vinh năm 1911 và chọn đình này làm nơi họp bàn kế sách cướp chính quyền, diệt trừ những tên cường hào ác bá, lấy của người giàu cho người nghèo, chống bắt lính... Đến khi cách mạng bùng nổ, đình lại trở thành một điểm hoạt động mạnh, năng nổ, người dân tham gia rèn vũ khí, nuôi giấu cán bộ... dưới vỏ bọc hoạt động tôn giáo nhằm qua mắt địch. Nơi đây cũng là khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt nhất. Hiện nay, ngay khuôn viên đình đã xây tượng đài liệt sỹ để ghi ơn các chiến sỹ đã ngã xuống".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-luu-lac-cua-buc-sac-phong-thoi-vua-tu-duc-a51890.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

    (ĐSPL) - Gần 500 năm tuổi, gắn liền việc mở cõi của Chúa Nguyễn về phía Nam, ngôi đình cổ kính ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) còn là nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ. Đặc biệt, trong đó có bản thư tịch bằng chữ Hán - Nôm thời nhà Hậu Lê, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Đó là đình làng Phú Ốc, xưa kia thuộc thôn Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, nay thuộc Tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế). Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả người dân nơi đây đều khẳng định, từ xưa đến nay không một đám tang (còn gọi là đám ma) nào “đủ can đảm” để dám phá lệ đưa xác chết đi băng qua ngôi đình cổ “độc nhất vô nhị” này.