+Aa-
    Zalo

    Tác dụng chữa bệnh của cây lạc tiên nhiều người chưa biết

    (ĐS&PL) - Cây lạc tiên nổi tiếng với nhiều tác dụng trong việc nâng cao sức khỏe con người nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng loại cây này một cách hiệu quả.

    Cây lạc tiên thường được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau bao gồm cây chùm bao, cây lạc, cây nhãn lồng, lồng đèn, hồng tiên, long châu quả, mắc mát. Đây là loại cây mọc leo, thân mềm, trên có rất nhiều lông mềm. Quả lạc tiên hình tròn và được bao bọc bởi lá bắc, khi xanh có màu xanh vị chua nhưng khi chín vàng lại có vị ngọt và ăn được.

    Hầu hết các bộ phận của lạc tiên (trừ phần rễ) đều được sử dụng để làm dược ở cả hai trạng thái là khô và tươi. Lạc tin tươi có thể sử dụng ngay sau khi thu hái nhưng không thể bảo quản được lâu. Trong khi đó, lạc tiên dạng khô sẽ dễ vận chuyển và có thể kéo dài thời gian bảo quản.

    Hầu hết các bộ phận của cây lạc tiêu đều được sử dụng làm dược liệu

    Hầu hết các bộ phận của cây lạc tiêu đều được sử dụng làm dược liệu

    Các bộ phận của cây lạc tiên thường sẽ được thu hái, rửa sạch rồi phơi khô. Khi sử dụng, có thể cắt thành các đoạn từ 3-5 cm và sao hơi vàng cho thơm. Nước sắc lạc tiên có vị ngọt, hơi đắng, tính mát và có tác dụng chữa nhiều loại bệnh.

    Chữa chứng mất ngủ và suy nhược thần kinh

    Cây lạc tiên có chứa hoạt chất alkaloid với khả năng ức chế cafein có trong cơ thể, giúp an thần. Các bài thuốc dân gian tin rằng thường ng xuyên sử dụng lạc tiên sẽ giúp người dùng có một giấc ngủ chất lượng hơn.

    Người mắc chứng mất ngủ hoặc suy nhược thần kinh có thể uống nước sắc của cây lạc tiên với liều lượng 16 g lạc tiên khô mỗi ngày. Nước sắc lạc tiên được khuyên dùng trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng để đạt hiệu quả tốt nhất.

    Lạc tiên khô cũng có thể kết hợp với các loại dược liệu khác như lá vông, lá dâu, tâm sen để nấu thành cao lỏng. Uống từ 4-5g cao lỏng này mỗi ngày trước khi đi ngủ giúp người bệnh chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh.

    Khắc phục tình trạng ghẻ, ngứa, viêm da

    Lạc tiên có thể là lựa chọn tự nhiên hiệu quả để cải thiện tình trạng da đối với những trường hợp bị ghẻ, ngứa hoặc viêm da nhẹ. Người bệnh có thể lấy 2-3 nắm lá lạc tiên, đun sôi với khoảng 1 lít nước. Khi đã sôi, hạ lửa nhỏ và đun thêm 15 phút nữa để tinh chất trong lạc tiên hoà tan hoàn toàn vào nước.

    Nước nấu này sau khi để nguội có thể dùng tắm hoặc rửa vùng da bị tổn thương do viêm nặng hoặc ghẻ. Bài thuốc này sẽ giúp người dùng khắc phục đáng kể tình trạng ghẻ, ngứa, viêm da.

    Giúp thanh nhiệt và giải độc gan

    Quả lạc tiên chứa nhiều vitamin B2, rất cần thiết cho quá trình thanh lọc cơ thể. Người dùng có thể lấy khoảng 500g quả lạc tiên chín, nạo lấy phần ruột và đem ép lọc lấy dịch quả. Sau đó trộn đều với khoảng 250g đường và 200ml nước sôi để cho nguội. Nước ép quả lạc tiên sẽ có mùi thơm khá đặc biệt, vị hơi chua.

    Dược liệu từ cây lạc tiên thường được sử dụng để thanh nhiệt

    Dược liệu từ cây lạc tiên thường được sử dụng để thanh nhiệt

    Để giải độc gan, dùng lạc tiên sắc nước cùng với hạt sen, cỏ mọc, cỏ tre, lá dâu, lá vông nem, cam thảo, xương bồ và táo nhân sao. Các dược liệu nên được sắc với lửa nhỏ, khi cạn còn 1/3 lượng nước thì chia thành 2 phần để uống trong ngày. Thực hiện phương pháp này trong vòng 1 tháng sẽ giúp người dùng giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc gan.

    Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng cây lạc tiên

    Trong quá trình sử dụng, lạc tiên có thể kèm theo một số tác dụng phụ bao gồm rối loạn chức năng vận động, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, không tỉnh táo, buồn nôn, buồn ngủ hoặc tim đập nhanh bất thường,…

    Lạc tiên được dùng để làm thuốc phải là các cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Người dùng nên tìm tới các nhà thuốc đông y uy tín để đảm bảo chất lượng. Đối với lạc tiên khô, cần được bảo quản kỹ lưỡng ở nơi khô ráo, thoáng mát và tuyệt đối không sử dụng nếu có dấu hiệu nấm, mốc.

    Để chữa chứng mất ngủ, cần duy trì sử dụng nước sắc cây lạc tiên đều đặn liên tục từ 7-14 ngày để có được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cây lạc tiên cũng không được sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi các trường hợp phụ nữ mang thai và cho con bú, người huyết áp thấp và người suy thận.

    Đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc an thần hoặc các loại thuốc điều trị bệnh lý khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc từ cây lạc tiên.

    Hiệu quả chữa trị bệnh của các liều thuốc từ cây lạc tiên đồng thời cũng phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, người bệnh được khuyến cáo nên trực tiếp tới các cơ sở y học cổ truyền uy tín để thăm khám và được bốc thuốc phù hợp.

    Phương Uyên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tac-dung-chua-benh-cua-cay-lac-tien-nhieu-nguoi-chua-biet-a409644.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan