+Aa-
    Zalo

    Tác giả sách “Thế giới phẳng”: Tổng thống Trump "vô tình" ưu tiên cho Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thomas L. Friedman, tác giả cuốn "Thế giới phẳng" cho rằng, những ưu tiên lớn nhất mà ông Trump đang mang đến không phải cho Moscow mà chính là Trung Quốc.

    Thomas L. Friedman, tác giả cuốn "Thế giới phẳng" cho rằng, những ưu tiên lớn nhất mà ông Trump đang mang đến không phải cho Moscow mà chính là Trung Quốc.

    Thomas L. Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” nổi tiếng và là cây bút bình luận chuyên sâu của tờ The New York Times đã có một bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân về những quyết sách gây tranh cãi trong 3 tháng nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

    Công chúng thời gian qua vẫn đang theo đuổi nghi án Tổng thống Trump có phải là một nhân vật gần gũi với Nga hay không, nhưng theo quan điểm của mình, Friedman cho rằng điều này hoàn toàn sai.

    Thomas L. Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” và là cây bút bình luận chuyên sâu của tờ The New York Times.

    Ông cho rằng những ưu tiên lớn nhất mà ông Trump đang mang đến không phải cho Moscow mà chính là Trung Quốc. Friedman miêu tả những quyết định có lợi của vị tổng thống nước Mỹ rõ ràng đã làm cho Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.

    Trước và sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã hứa hẹn sẽ khắc phục sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên điều đầu tiên ông làm lại là hủy bỏ hiệp định thương mại tự do TPP do Mỹ dẫn đầu cùng với 11 quốc gia Thái Bình Dương - một hiệp ước mà các thành viên tham gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu.

    Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương chủ yếu dựa vào lợi ích kinh tế của Mỹ qua đó mang lại những thành tựu về công nghệ và kinh doanh nông nghiệp cho các quốc gia thành viên, cùng với những quy chuẩn về lao động, môi trường tiên tiến hơn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

    Đặc biệt hơn, hiệp ước này không có sự tham gia của Trung Quốc. Đó là lợi thế lớn giúp Washington định hình tương lai của thương mại ở Châu Á.

    Nếu nhà lãnh đạo Mỹ vẫn giữ lại TPP, ông có thể dẫn đầu khối kinh tế của 11 quốc gia thành viên để có những cuộc đàm phán áp đảo đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên Tổng thống Trump đã không chọn điều này. Friedman cho rằng với quyết định nói trên, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hẳn đã “chạm ly champagne để ăn mừng”.


    Ngành công nghiệp năng lượng sạch của Mỹ có thể sớm bị Trung Quốc tiếm ngôi trong tương lai.

    Hiện nay, nhiều quốc gia châu Á đang nằm trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên các nước này hẳn sẽ không hài lòng khi rõ ràng các vấn đề về môi trường, sở hữu trí tuệ hay tiêu chuẩn lao động sẽ không thể so sánh được với TPP.

    Một nghiên cứu của viện Peterson cho biết nếu đi vào hoạt động, TPP sẽ "tăng khoản lợi nhuận thực tế hàng năm cho Mỹ lên tới 131 tỷ USD" vào năm 2030, mà không tác động đến việc làm của người dân Mỹ.

    Trong vài ngày gần đây, Tổng thống Trump còn bác bỏ những luận chứng khoa học về biến đổi khí hậu và dỡ bỏ toàn bộ các quy định hạn chế khí thải từ ngành năng lượng hóa thạch vốn được coi trọng trong chính quyền của Tổng thống Obama trước đó.

    Dựa theo thống kê của văn phòng Dân số Liên Hợp Quốc, Friedman lập luận rằng với việc hiện nay đang có 7,5 tỷ người sống trên hành tinh và dự kiến con số sẽ là 8,5 tỷ người vào năm 2030, hoạt động của hàng tỷ người trên Trái đất sẽ làm tổn hại không nhỏ đến môi trường. Trong đó, nghiêm trọng nhất vẫn là các thành phố lớn ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi bầu không khí đã ô nhiễm nghiêm trọng.

    Điều đó có nghĩa rằng năng lượng sạch, nước sạch, không khí trong sạch, các phương tiện hạn chế khí thải và các công trình tiết kiệm năng lượng sẽ là ngành công nghiệp tiên phong của nhân loại trong tương lai. Cho dù biến đổi khí hậu có thực hay không, nhu cầu sẽ vẫn rất lớn.

    Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch 5 năm mới, phát triển các loại phương tiện và sử dụng nguồn năng lượng giảm gây hại môi trường như hạt nhân, gió, năng lượng mặt trời, thì ngược lại Mỹ đang muốn tăng cường cho ngành công nghiệp khai thác than và dầu khí.

    Friedman cho rằng, nước Mỹ sẽ không thể trở nên vĩ đại hơn nếu xây dựng quyền lực kinh tế theo con đường ô nhiễm.

    California đang là địa phương có tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất và đồng thời là bang phát triển hiệu quả nhất trong xây dựng năng lượng sạch.

    Chỉ riêng ở California, việc làm dành cho các công việc liên quan đến nguồn năng lượng mới đang tăng mạnh so với với thợ mỏ than ở Mỹ,với mức lương không những cao hơn mà công việc còn ít gây hại cho sức khỏe hơn.

    Vào tháng 1/2016, báo cáo của CNNMoney cho biết, "lực lượng lao động ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ lớn hơn nhiều so với ngành khai thác dầu khí và gần gấp ba lần quy mô toàn bộ lực lượng lao động khai thác than".

    "Hơn một nửa số xe điện bán ra tại Mỹ được tiêu thụ ở California", Hal Harvey, giám đốc điều hành của Energy Innovation cho biết. "Nếu để so sánh, chỉ có duy nhất Trung Quốc có quy mô phát triển tương đương với California", chuyên gia này nhận định.

    Theo thống kê, đã có 200 triệu phương tiện chạy bằng điện được bán ra tại Trung Quốc. Mà phổ biến nhất là các loại xe đạp điện với chi phí chí rẻ vào khoảng 400 USD, đồng thời không gây tiếng ồn, cũng như góp phần giảm tắc nghẽn và bớt gây ô nhiễm.

    Trung Quốc đang ưu tiên phát triển với quy mô gấp đôi nguồn năng lượng sạch trong tương lai và sẽ dần chiếm ngôi đi đầu của Mỹ trong tương lai.

    The Wall Street Journal đưa tin, tập đoàn Tencent Holdings Ltd của Trung Quốc đã mua 5% cổ phần tại Tesla Inc – nhà sản xuất xe điện lớn nhất Thung lũng Silicon. Với lợi thế này, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhanh chóng chiếm thị phần lớn thị trường xe điện toàn cầu.

    “Nếu bạn thích mua dầu từ Ả Rập Saudi, bạn sẽ thích mua xe điện, pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc”, Friedman kết luận, đồng thời ông nhấn mạnh: "Ngược lại Mỹ sẽ chẳng ai ngó ngàng đến".

    Cuối cùng, việc thắt chặt nhập cư đang khiến Mỹ đánh rơi nguồn nhân lực trí thức quý giá đang hội tụ ở quốc gia này nhiều năm qua.

    Theo báo cáo của NBC hồi tuần trước, tỷ lệ đơn xin nhập học của các sinh viên nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, đã giảm gần 40% trong năm nay.

    Điều tác giả của cuốn “Thế giới phẳng” thực sự muốn nói đến là nhà lãnh đạo Mỹ đang chưa hiểu rõ các mối liên hệ nguyên nhân kết quả trong các quyết sách mà ông đưa ra, đặc biệt khi những bước đi của chính quyền có thể mang lại những mặt lợi nào đó cho nước Mỹ, nhưng nó đồng thời đã mang đến những đòn bẩy khiến Trung Quốc lớn mạnh thêm.

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-gia-sach-the-gioi-phang-tong-thong-trump-vo-tinh-uu-tien-cho-trung-quoc-a185867.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan