+Aa-
    Zalo

    Tấm bằng thạc sỹ đặc biệt của cặp vợ chồng khiếm thị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Học hết phổ thông, hết đại học và mới đây anh chị còn nhận tấm bằng thạc sỹ với số điểm xuất sắc mà nhiều người sáng mắt cũng khó làm được.

    (ĐSPL) - Hơn 30 năm qua, tuy không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng anh Trường, chị Việt Anh vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa niềm tin hy vọng cho chính mình và những người xung quanh. Bằng nghị lực phi thường, anh chị đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Học hết phổ thông, hết đại học và mới đây anh chị còn nhận tấm bằng thạc sỹ với số điểm xuất sắc mà nhiều người sáng mắt cũng khó làm được.

    (bgiay)Tấm bằng thạc sỹ đặc biệt và ánh sáng tri thức của cặp vợ

    Gia đình nhỏ bé của anh chị.

    Vượt qua "bóng đêm" số phận

    Gặp gỡ, tiếp xúc với anh chị mới thấy hết những khó khăn trong cuộc sống đời thường và cảm phục ý chí kiên cường, vượt khó bằng mọi cách để vươn lên của anh Trường, chị Anh.

    Sinh năm 1978 nhưng có đến 2/3 quãng thời gian chị Đinh Việt Anh (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải sống trong bóng tối. Chị chia sẻ về những bất hạnh trong cuộc đời của mình: "Lên ba tuổi, sau một trận sốt cao, một mắt tôi không nhìn thấy gì. Bác sỹ kết luận, tôi bị thoái hóa võng mạc. Một thời gian sau, chút ánh sáng cuối cùng của tôi cũng mờ dần rồi mất thị lực luôn. Gia đình tôi khi đó thuộc diện khó khăn, nhưng vì thương con, bố mẹ tôi chắt chiu từng đồng một đưa con đi chữa trị, mong tìm lại ánh sáng cho con gái mình. Song, mọi nỗ lực của gia đình đều thất bại khi con mắt còn lại của tôi cũng không thể nhìn thấy".

    Chị Việt Anh nhớ lại, khi học cấp 1, đôi mắt chị chỉ nhìn thấy lờ mờ, trên lớp, cô giáo phải cho chị ngồi gần cửa sổ, về nhà, bố mẹ sắm cho chị ngọn đèn thật to. "Có lần vì ngọn đèn to quá tôi bị cháy cả tóc", chị cười.

    Nhiều lúc chị muốn buông xuôi, muốn dừng lại giấc mơ dang dở của mình, cũng như giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng khát vọng sống, khát vọng tìm ánh sáng cho cuộc đời mình vẫn còn đó, cô gái trẻ không chịu chỉ sống trong bóng tối. Việt Anh xin bố mẹ cho đi học lại. Những ngày tháng gian khó ấy cứ thế trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, bạn bè, thầy cô, chị đã hoàn thành công việc học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. "Nếu ngày ấy không có sự hỗ trợ của bố mẹ, sự động viên, an ủi của thầy cô có lẽ tôi đã bỏ học lâu rồi. Nhiều bữa cơm chan đầy nước mắt vì sợ không theo kịp bạn bè nhưng không vì thế mà tôi lùi bước. Nếu bạn bè cố gắng một, tôi tự dặn lòng mình phải cố gắng gấp đôi".

    Học hết cấp 3, tưởng như con đường học tập của chị dừng lại tại đây, nhưng một lần nữa, ý chí vươn lên trong con người chị trỗi dậy, chị mạnh dạn đăng ký hệ đại học từ xa do trường đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Nhưng, khó khăn lại chặn bước chị thêm lần nữa khi trường không tổ chức thi cho học viên.

    Cuối năm 2007, chị biết đến hội Người mù Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tại môi trường mới, chị được học thêm nhiều thứ mà mình chưa bao giờ nghĩ tới. Từ đó, thôi thúc ước mơ học tiếng Anh trong chị. Với người bình thường, học ngoại ngữ đã là cả một quá trình gian nan, còn với chị - một người khiếm thị thì như đi trên một hoang mạc cát. Chị tâm sự: "Nhiều lúc, tôi định dừng lại con đường học tập của mình, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ với tôi rồi. Nhưng không hiểu sao, trái tim, ý chí cứ thôi thúc tôi và tôi đã thành công khi đỗ vào hệ tại chức của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) với số điểm cao. Tôi thi đậu khoa tiếng Anh, ĐH Mở Hà Nội, ngoài ra còn học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp...".

    Nhắc đến anh Trường, giọng chị Việt Anh chùng xuống. Anh Trường cũng giống chị, luôn mang trong mình hoài bão chinh phục giảng đường, chinh phục mọi con đường đầy chông gai.

    Anh Phạm Xuân Trường (sinh năm 1975, quê Thanh Oai, Hà Nội), năm lên 3 tuổi, anh dắt bà nội đi chơi, nhưng lại toàn dắt ra bờ ao, bụi cây. Nghi ngại về đôi mắt của con, bố mẹ đưa Trường đi khám. Bác sỹ kết luận một mắt Trường mù hoàn toàn, một mắt thị lực chỉ còn 1/10, nếu không đi học thì may mắn có thể giữ lại phần thị lực này. Thông báo của bác sỹ như sét đánh ngang tai với cậu học trò hiếu học, dù vậy anh vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình. Tốt nghiệp cấp 3 với số điểm cao, anh loay hoay đi tìm con đường tương lai cho mình, nhưng không có trường nào nhận người mù vào học. Buồn chán, anh đi biệt xứ một thời gian. Khoảng thời gian đó, anh chưa một lần từ bỏ hy vọng và quyết định thi vào Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ). Anh đã lập nên kỳ tích khi ra trường với số điểm tuyệt đối. Thầy cô, bạn bè trong trường luôn dành cho anh lòng ngưỡng mộ, một ý chí vượt qua bóng tối để tìm hạnh phúc cho chính mình.

    Ánh sáng, hạnh phúc nơi cuối con đường

    Nhớ lại tình yêu tuyệt vời của mình, trong đôi mắt của người phụ nữ khiếm thị như bừng sáng trong niềm hạnh phúc. Có thể, tạo hóa đã cho anh chị nên duyên vợ chồng như một sự bù đắp những thiệt thòi mà anh chị đã từng trải qua. Chị Việt Anh bồi hồi kể lại: "Tôi và anh Trường quen nhau tại trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù và dần dần cảm mến nhau. Tôi thấy anh Trường rất thông minh, khả năng giao tiếp hay cách giảng dạy của anh khiến người khác nể phục".

    Vì không thể nhìn thấy mặt nhau nên anh chị chỉ có thể tìm hiểu nhau qua giọng nói và sự quan tâm, chia sẻ. Chẳng bao lâu, họ chính thức trở thành người yêu của nhau. Mỗi lần chị đi công tác xa (ít nhất vài tháng), khoảng cách về địa lý đã không ít lần khiến chị có ý định từ bỏ tình yêu của mình. Nhưng anh Trường luôn an ủi, động viên và là chỗ dựa vững chắc để chị vượt qua mọi khó khăn, tin tưởng vào tương lai, hạnh phúc của chính mình.

    Yêu nhau là vậy, nhưng gần 10 năm sau, anh chị mới kết hôn, bởi gia đình chị Việt Anh thương con gái lấy chồng xa xôi, cách trở. Nhưng bằng tấm chân tình của mình, chàng trai Hà Nội đã khiến bố mẹ Việt Anh từ thông cảm đến thương hai đứa con cùng chung một số phận, dám đương đầu với sóng gió cuộc đời. Năm 2009, họ tổ chức đám cưới nho nhỏ trong niềm vui hân hoan của hai bên gia đình và bạn bè.

    (bgiay)Tấm bằng thạc sỹ đặc biệt và ánh sáng tri thức của cặp vợ

    Ngày hạnh phúc của anh Trường và chị Việt Anh.

    Chị Việt Anh bồi hồi: "Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc khi được làm chỗ dựa, được chăm sóc cho người mình yêu thương. Những người bình thường khi mới lấy nhau cũng gặp nhiều khó khăn huống chi lại là những người khuyết tật như chúng tôi. Giờ nhớ lại những ngày tháng đó, tôi vẫn cảm ơn chồng đã luôn bên cạnh, làm chỗ dựa cho tôi những khi sóng to gió cả".

    Không bao lâu sau khi cưới, ngôi nhà nhỏ của anh chị đón thêm một bé gái xinh xắn, bụ bẫm đáng yêu. May mắn thay, cô con gái của anh chị có đôi mắt sáng, khỏe mạnh. Thời gian đầu làm vợ, làm mẹ với chị thật bỡ ngỡ, lạ lẫm, lo sợ nhưng chị đã cố gắng tự làm từ việc thay tã, giặt quần áo đến việc cho con ăn. "Sau những giờ làm việc căng thẳng, nghe tiếng cười giòn tan của thiên thần nhỏ bé, vợ chồng tôi thấy vô cùng hạnh phúc", chị Việt Anh cười, nụ cười hạnh phúc của người vợ, người mẹ khiếm thị đã làm tròn trách nhiệm luôn "thắp lửa" trong ngôi nhà nhỏ.

    Giờ đây, ước mong lớn nhất của anh chị là giúp đỡ những người khuyết tật còn trong hoàn cảnh khó khăn, muốn vươn lên tự tạo lập cuộc sống, giúp họ có tương lai tương sáng hơn. Chị cũng mong ước, cô con gái học tập thật tốt và mong rằng, trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười.

    Chia tay gia đình chị Việt Anh lúc trời cũng đã ngả chiều, hình ảnh người phụ nữ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ khiến tôi rất xúc động. Dẫu biết con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, thử thách nhưng tôi tin chắc một điều rằng, dù khăn khó đến mấy, họ vẫn vượt qua, bởi ở đó là những con người mang đầy ý chí và nghị lực. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-bang-thac-sy-dac-biet-cua-cap-vo-chong-khiem-thi-a53095.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan