+Aa-
    Zalo

    Tăng giờ làm thêm: Sao không hỏi công nhân?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ như hiện hành lên 400 giờ/năm.

    Được biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ như hiện hành lên 400 giờ/năm. Nhiều công nhân đã bày tỏ quan diểm khi được hỏi về dự kiến điều chỉnh giờ làm thêm...

    Nằm ven sông Hồng, Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long từ lâu đã trở thành nơi làm việc của rất nhiều công nhân của nhiều tỉnh phía Bắc.

    Gần trưa, thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), nơi được mệnh danh là thủ phủ “xóm trọ” của giới công nhân tại đây, chỉ thưa thớt bóng người. Đa phần công nhân đã đi làm ca ngày, còn những người làm ca đêm thì tranh thủ chợp mắt, lấy sức cho buổi làm việc tiếp theo.

    Gặp Nguyễn Thị Hường (quê Mỹ Đức, Hà Nội) tại xóm trọ thôn Bầu, khi cô đang bước ra từ căn phòng cho thuê mấy mét vuông đến quán cơm bụi đầu ngõ mua suất ăn trưa 25 nghìn đồng. Hường cho biết, hôm nay cô làm ca đêm (6 giờ chiều – 6 giờ sáng), tan ca nên về nhà ngủ, giờ dậy mua cơm ăn để kịp cho ca chiều.

    Cả khu phòng trọ nơi Hường ở vắng lặng, cửa đóng then cài, mọi người đang ra KCN tăng ca theo yêu cầu của nhà máy. Hường nói mình làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long được 6 năm nay, công việc chính là nối dây điện tại công xưởng của Công ty Ashahi. Việc không nặng, nhưng nếu ngơi tay, cả dây chuyền sẽ đình lại.

    Trở về nhà sau 12 tiếng đồng hồ làm ca đêm tại nhà máy, công nhân Nguyễn Thị Hường (ngoài cùng bên trái) tranh thủ ra mua suất ăn tại quán cơm bụi để có sức cho ca làm làm việc tiếp theo.

    “Ngày nào cũng tăng ca, toàn làm 12 tiếng. Tuần này làm ca ngày, tuần sau làm ca đêm. Năm nào cũng vậy, cũng tăng ca…”, Hường cho biết.

    Những công nhân như Hường, thu nhập tùy thuộc vào số ngày lao động. Những hôm ốm đau cũng phải gắng gượng đi làm, không dám xin nghỉ “âu” (tăng ca) vì kế toán sẽ trừ thu nhập.

    Sinh năm 1993, năm nay đã 27 tuổi, nhưng Hường nói “chưa có người yêu, chưa tính chuyện lập gia đình”. Vì thời gian làm việc mỗi ngày 12 tiếng, đi làm xong về nhà ngủ vèo cái là hết giờ, lấy đâu ra thời gian để tìm hiểu, yêu đương. Nhà trọ cách quê khoảng 60km, thỉnh thoảng Hường mới được về thăm nhà, dù nhớ lắm. Bố mẹ cô, nói sang năm nếu công ty không giảm giờ làm, nhất định sẽ đưa cô về quê để còn tính chuyện trăm năm cho con gái. Để con gái ế vậy, ai sẽ lo cuộc đời cho con sau này?

    Làm tăng ca rất mệt, bất đắc dĩ mới đi, không còn thời gian chăm lo cho bản thân, gia đình. Hường nói, cô không được ai hỏi rằng việc tăng ca, làm thêm hàng ngày như vậy thì có phù hợp không?

    Cũng như Hường, Dương Văn Cương (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang làm công nhân lắp ráp giảm xóc xe máy tại Công ty KYB ở KCN Bắc Thăng Long. Cương cho biết, việc đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ một năm là không phù hợp. “Mỗi ngày làm từ 10 – 12 tiếng đồng hồ mất sức lao động lắm, công nhân làm thế không làm được, phải có khoảng nghỉ để còn tái tạo lại sức lao động”, Cương cho biết.

    Năm ngoái hai vợ chồng Cương về đây thuê trọ làm công nhân, sau khi có con thì vợ đem con về nhà nội, rồi xin việc ở KCN Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) để tiện chăm con. Vợ con về quê, chỉ còn lại Cương cùng phòng trọ chật hẹp, ẩm mốc. Nơi Cương làm việc, dù không phải tăng ca, chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày nhưng anh cho biết quỹ thời gian còn lại không nhiều.

    Bữa cơm đạm bạc của công nhân Dương Văn Cương. 

    Hàng ngày, khi hết giờ làm thì Cương về dọn dẹp nhà cửa, tự mình đi chợ nấu ăn. Do làm ca bố trí chéo nhau, khi tuần này ca đêm, tuần sau ca ngày nên thời gian về thăm vợ con cũng không có. Nếu bây giờ thời gian làm việc là 10 – 12 tiếng thì gần như không thể về thăm nhà.  

    “Em mới nghe qua đề xuất tăng giờ làm, nhưng thực tế chưa ai đến hỏi nguyện vọng của những người công nhân như bọn em. Những người công nhân làm việc trực tiếp, em nghĩ ít người đồng ý lắm. Làm thêm mất sức quá nhiều, đặc biệt là làm đêm, rồi hạnh phúc gia đình sẽ ra sao nếu vợ chồng ít được gặp nhau?”, Cương ngậm ngùi chia sẻ.

    Mặc dù ở tuổi yêu đương, nhưng ở các xóm trọ của công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, rất nhiều nam, nữ công nhân vẫn độc thân. Ngoài thu nhập thấp, chỉ đủ nuôi thân, thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc tăng ca triền miên, có khi làm việc gần như kiệt sức.  Và bi đát hơn, một số cặp vợ chồng là công nhân ở đây, do phải làm việc vất vả, tăng ca triền miên, vợ làm ca sáng thì chồng làm ca tối, ở chung nhà mà cả tuần không được gặp nhau, ít có thời gian chia sẻ, chăm sóc nhau nên đã phải ly hôn trong cay đắng…

    Trong một phát biểu mới đây, Chủ thịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, doanh nghiệp muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động. Đó là bóc lột sức lao động. Giải pháp làm thêm giờ là giải pháp tối ưu nhất cho người sử dụng lao động. Thực tế, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định. 

    “Xu hướng chúng ta đang muốn giảm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, đó là xu hướng tiến bộ. Chúng ta chưa giảm được bây giờ tính tăng thêm. Quan điểm của tôi là không đồng ý. Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh nhưng cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

    “Chúng ta có muốn con mình, vợ mình làm việc 10 – 12 gờ/ngày không?”

    Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trí, Bí thư Thành ủy TP.HCM

    Nói về số giờ làm, thống kê cho thấy, 38 nước công nghiệp phát triển (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD) tiếp tục giảm giờ làm xuống dưới 40 giờ/tuần. Thực tế, nhiều nước dù thiếu lao động thì họ vẫn giảm giờ làm. Họ đi vào con đường đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ người lao động (NLĐ). Trong 38 nước OECD, nước có thời gian làm việc thấp nhất là 26 giờ (Đức) và 2 nước cao nhất là Mexico (48 giờ) và Hàn Quốc (43 giờ). Thống kê 19 nước ở châu Á cho thấy, nước làm việc dài nhất là Nepal, đến 53,6 giờ nhưng thu nhập đầu người (GDP/người) rất thấp, chỉ gần 850 USD. Trong 6 nước khác làm việc từ 45-48 giờ có đến 3 nước thu nhập dưới 2.000 USD là Myanmar, Pakistan và Bangladesh. Trong số các nước có giờ làm việc từ 40-44 giờ/tuần có Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia. Việt Nam làm việc từ 44-48 giờ (theo quy định của pháp luật, chưa tính làm thêm giờ) và có thu nhập đầu người 2.680 USD. Bốn quốc gia làm việc dưới 40 giờ có các nước Australia, New Zealand, Nhật Bản với thu nhập đầu người hơn 38.000 USD và Afghanistan với thu nhập dưới 600 USD.

    Như vậy, để bàn về giờ làm việc của Việt Nam nhiều hay ít thì chúng ta thấy, thế giới có 3 mốc: 40 giờ (5 ngày làm việc mỗi tuần), 44 giờ (5,5 ngày làm việc mỗi tuần) và 48 giờ (6 ngày làm việc mỗi tuần). Trường hợp chúng ta bổ sung 300-400 giờ làm thêm thì số giờ của Việt Nam sẽ từ 54-56 giờ và sẽ đứng đầu thế giới về số giờ làm việc thực tế. Một số ĐBQH đã chính xác khi nói, Việt Nam làm việc 48 giờ đã thuộc tốp cao nhất của thế giới. Bây giờ mà cộng thêm giờ làm thêm thì càng cao nữa (không so với châu Phi vì chưa có thống kê).

    Về giờ làm thêm, mỗi năm có 52 tuần, nếu làm thêm 300 giờ/năm thì trừ ngày lễ, nghỉ, sẽ còn 50 tuần làm việc đầy đủ. Như vậy, mỗi tuần làm thêm 6 giờ, nếu làm 6 ngày thì mỗi ngày làm việc 9 giờ, mỗi tuần 54 giờ, làm quanh năm không hề có tính mùa vụ. Còn nếu làm thêm 400 giờ/năm mà làm đều 50 tuần, thì mỗi tuần làm thêm 8 giờ. Như vậy, số giờ làm việc sẽ là 56 giờ/tuần, cao nhất thế giới. Dù 54 giờ/tuần hay 56 giờ/tuần đều là khủng khiếp, bởi như đã nói, cao nhất là Nepal (GDP/người chỉ 850 USD) thì cũng chỉ 53,6 giờ/ tuần. 

    Phương án không làm thêm 300 giờ cả năm mà làm trong 6 tháng thì số giờ làm thêm mỗi tuần là 12 giờ, số giờ làm việc một tuần là 60 giờ. Con số này còn khủng khiếp hơn nữa và cũng phải làm 6 tháng liên tục trong năm thì mới hết quỹ 300 giờ làm thêm đó. Đó là chưa tính, nếu 300 giờ đó làm cao điểm trong 3 tháng của 1 năm thì sẽ là 72 giờ/tuần, mỗi ngày làm 12 tiếng. Vì vậy, chúng ta hãy sống cùng công nhân, hãy hỏi họ muốn làm bao nhiêu giờ một ngày, một tuần, một năm. Chúng ta sẽ biết họ nghĩ gì và chỉ cần làm thêm 300 giờ/năm, trong khi mỗi tuần bình thường đều làm việc 48 giờ, thì cuộc sống của họ, gia đình của họ, tương lai của họ như thế nào?

    Nếu 400 giờ làm thêm làm trong 6 tháng thì một tuần sẽ làm 64 giờ. Trong tuần phải có 4 ngày làm 10 giờ và 2 ngày làm 12 giờ thì mới hết 400 giờ đó. Nếu làm như vậy thì là sự đày đọa con người. Chúng ta có muốn con mình, vợ mình, em mình làm việc 9-10 giờ/ngày quanh năm không? Hoặc làm 10-12 giờ/ngày trong 6 tháng không? Có ai đưa người thân mình vào những chỗ làm việc như vậy không? Đây là câu hỏi cần trả lời khi thảo luận và biểu quyết thông qua phương án tăng giờ làm thêm”.

    (Trích trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trí, Bí thư Thành ủy TP.HCM trên báo Sài Gòn Giải Phóng).


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-gio-lam-them-sao-khong-hoi-cong-nhan-a298726.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan