+Aa-
    Zalo

    Tên lửa chống hạm của Iran: Mối hiểm hoạ chưa được đánh giá đúng tầm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự phổ biến của những phương tiện huỷ diệt phi hạt nhân hiện đại đang trở thành mối đe doạ ngày càng gia tăng trên thế giới.

    Sự phổ biến của những phương tiện huỷ diệt phi hạt nhân hiện đại đang trở thành mối đe doạ ngày càng gia tăng trên thế giới.

    Chỉ mới đây, lực lượng hải quân các nước NATO luôn coi mình là bá chủ trên đại dương, hiện giờ ngày càng cảm nhận nhiều hơn khả năng dễ bị tổn thương của mình. Sự phát triển của những công nghệ tên lửa đang thay đổi cán cân lực lượng.

    Nghiên cứu được các kỹ sư của quân đội Đức thực hiện cho thấy rằng, thậm chí quả tên lửa chống hạm đã lỗi thời của Iran cũng có thể là mối đe doạ nghiêm trọng đối với lực lượng hải quân phương Tây.

    Tên lửa chống hạm như phương tiện kiềm toả

    Khoảng 10 năm trước, thuật ngữ “sát thủ tàu sân bay” chỉ xuất hiện trong các tài liệu chuyên ngành.

    Ảnh: Tên lửa chống hạm DF-21D của Trung Quốc

    Theo như các chuyên gia phương Tây cho biết, Trung Quốc đã tìm thấy công nghệ rẻ tiền để đe doạ các tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách lên tới 1500km từ bờ biển của mình. Lần đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, nước này có cơ hội tiềm năng đặt một dấu hỏi lớn cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ thống trị trên đại dương.

    Trong khuôn khổ định hướng kiềm toả đối phương (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), Trung Quốc hiện giờ có khả năng tấn công tàu sân bay của Mỹ ở bên ngoài khu vực triển khai chiến đấu của nó.

    Nga cũng có khả năng sử dụng chiến lược tương tự. Lấy ví dụ, tại các khu vực ở giữa và phía đông Biển Baltic. Tuy nhiên, so với Trung Quốc, ở đó là vùng biển tiếp giáp, và Nga chỉ cần sử dụng tên lửa chống hạm truyền thống để thực hiện điều này.

    Triều Tiên đã đưa ra bằng chứng về việc sở hữu vũ khí tương tự. Lần đầu tiên trong lễ duyệt binh vào tháng 4/2017, quốc gia này đã trình làng tên lửa chống hạm mới KN-17 của mình.

    Ảnh: Tên lửa chống hạm KN-17

    Iran đã sở hữu tên lửa chống hạm “Khalij Fars” được vài năm. Theo các thông cáo báo chí chính thức của Iran, mẫu tên lửa này đã được thử nghiệm để chống lại các tàu chiến trên biển, nhưng ở khoảng cách gần hơn nhiều. Tuy nhiên, để đe doạ tuyến hàng hải trên Eo Hormuz hoặc dọc bờ biển Vùng Vịnh thuộc địa phận Iran, thì như thế là quá đủ.

    Nhiệm vụ nghiên cứu được giao phó

    Vì chưa rõ những tính năng cụ thể của “Khalij Fars”, Hải quân Đức trong giai đoạn 2016-2017 đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đặc biệt đối với tên lửa chống hạm này.

    Ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ Bộ tư lệnh Hải quân Đức, còn đơn vị thực hiện nhiệm vụ này là Cục các hệ thống và công nghệ tên lửa Cơ quan liên bang về vũ khí, công nghệ thông tin và ứng dụng Bộ Quốc phòng Đức (Bundesamt für Ausrüstung, Informationstechnik und Nutzung der Bundeswehr, BAAINBw). Mục đích của nghiên cứu là sử dụng các công cụ của Cục trên cơ sở thông tin có được để đánh giá mối đe doạ tiềm năng từ phía “Khalij Fars”.

    Tên lửa chống hạm “Khalij Fars” – lý thuyết

    Như các chuyên gia của Đức khẳng định, tên lửa chống hạm “Khalij Fars” là phiên bản nâng cấp của Fateh 110. Nó được gắn đầu tự định vị mục tiêu và có thiết kế điều khiển khí động học kiểu “con vịt” (cánh mũi). Trọng lượng của đầu đạn thông thường nặng 650kg.

    Ảnh: Tên lửa chống hạm “Khalij Fars” của Iran

    Theo lý thuyết, quả tên lửa xuất phát theo góc nghiêng và bay theo quỹ đạo đạn đạo tới mục tiêu ở khoảng cách tối đa 250km. Khi cất cánh, quả tên lửa sẽ tăng tốc tối đa lên 5M. Khi tiếp cận mục tiêu, vận tốc của quả tên lửa chống hạm là gần 1500m/s (3-4,5M). Ở vận tốc siêu thanh này, “Khalij Fars” sẽ cố gắng phát hiện mục tiêu sớm nhờ đầu tự dẫn hướng bằng quang học của mình. Tuy nhiên, nó chỉ có thể thực hiện điều đó vào ban ngày, trong điều kiện trời quang mây. Sau khi phát hiện và nhận dạng mục tiêu, quả tên lửa chống hạm sẽ tiếp cận và tiêu diệt nó. Lưu ý rằng quả tên lửa tiếp cận mục tiêu ở góc phức tạp đối với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại.

    Thực tế ra sao?

    Trên thực tế, theo các chuyên gia cho biết, không đơn giản như vậy. Lộ trình của chiếc tàu-mục tiêu trong quá trình quả tên lửa đang bay không được nắm rõ.

    Bởi vậy, “Khalij Fars” sau khi phát hiện mục tiêu, cần phải thực hiện các động tác bay lượn và điều chỉnh quỹ đạo bay về hướng đó.

    Chính vì thế, điều khiến các chuyên gia nghiên cứu quan tâm, đó là:

    - Điều này lúc nào có thể làm được với các cánh mũi điều khiển phía trước tương đối nhỏ (theo kiểu thiết kế “con vịt”) hay không;

    - Nếu bay lượn được như vậy thì tải trọng lên các bộ phận của quả tên lửa sẽ tăng lên bao nhiêu.

    Ngoài ra, sau khi đi vào quỹ đạo, “Khalij Fars” sẽ phải đón đầu chiếc tàu- mục tiêu ở đoạn cuối của đường bay. Trên internet có đăng tải những đoạn video cho thấy quả tên lửa bắn trúng vào chiếc tàu-mục tiêu đang đứng yên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chiếc tàu-mục tiêu đang di chuyển?

    Tổ chức công việc

    Để trả lời các câu hỏi đặt ra, những mô phỏng chuyển động vật lý 6 bậc tự do (6-DoF) trên cơ sở phần mềm máy tính. Các tính năng kỹ thuật cần thiết để thực hiện việc này đã được thu thập từ các nguồn mở và trên cơ sở những đánh giá của các kỹ sư tên lửa kinh nghiệm.

    Cụ thể, đã tính tới nhiên liệu được sử dụng trong quả tên lửa này và sự phân bổ trọng lượng bên trong thân của nó. Đối với đầu tự dẫn hướng mục tiêu, người ta giả định sử dụng máy camera trình độ phát triển công nghệ năm 2008.

    Để phục vụ công tác nghiên cứu, người ta trực tiếp sử dụng phần mềm mô phỏng máy tính “ISim”. Cục các công nghệ tên lửa BAAINBw trong quá khứ đã từng thiết lập riêng một thư viện các mô hình rất phong phú. Cơ sở dữ liệu này giúp chuẩn bị cho chuyến bay mô phỏng đầu tiên của quả tên lửa chống hạm “Khalij Fars” mất chỉ 3 tháng.

    Ảnh: Mô phỏng “Khalij Fars”

    Cuối cùng, công tác nghiên cứu cơ bản đường bay và thời điểm bắn trúng mục tiêu của quả tên lửa chống hạm đã được thực hiện vào năm 2017. Các chuyên gia giải tích số trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ đến từ đại học quân sự ở thành phố Munich đã hỗ trợ cho nghiên cứu bằng mô phỏng thông lượng.

    Các kết quả nghiên cứu

    Theo thông tin của các phương tiện truyền thông chuyên ngành, những kết quả nghiên cứu của BAAINBw là các khẳng định sau đây:

    Trước tiên, nhờ các cánh mũi điều khiển, quả tên lửa chống hạm “Khalij Fars” sẽ bay lượn khi cần thiết và bắn trúng chiếc tàu-mục tiêu đang đứng yên với độ chính xác cao. Với xác suất cao, quả tên lửa sẽ chịu được sự quá tải và sẽ không bị hư hỏng khi phải bay lượn để bắn trúng mục tiêu đã bị phát hiện, mà nằm ở cách vị trí xuất phát khoảng vài km.

    Tuy nhiên, theo các kết quả mô phỏng, sai sót bắt trượt trung bình sẽ vào khoảng vài mét. Điều thú vị là kết quả này khá trùng khớp với các dữ liệu của hãng thông tấn Fars News (Iran), mà trước đó từng công bố sai số nói trên là dưới 7m.

    Theo các dữ liệu mô phỏng, khả năng bắn trượt khi tấn công chiếc tàu-mục tiêu đang di chuyển sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, nó vẫn đủ để bắn trúng, thậm chí cả khinh hạm. Cho dù chiếc tàu-mục tiêu có đổi hướng thì cũng không tránh khỏi bị quả tên lửa chống hạm bắn trúng.

    “Khalij Fars” có khả năng bay lượn khá tốt, để bù lại tất cả các chuyển động có thể được thực hiện bởi chiếc tàu-mục tiêu trong lúc quả tên lửa đang bay (khoảng gần 5 phút).

    Cùng với đó, người ta lưu ý rằng, phân tích đã thực hiện không cho thấy một cách thống nhất là có đúng quả tên lửa chống hạm “Khalij Fars” có khả năng tấn công và bắn trúng chiếc tàu đang đứng yên hoặc đang di chuyển hay không. Mà chỉ khẳng định rằng, từ quan điểm vật lý-kỹ thuật, quả tên lửa với cấu hình khí động học tương tự và đầu tự dẫn hướng mục tiêu quang học về nguyên tắc có thể làm được điều đó.

    Vì Iran có một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ mạnh, nên nói chung hoàn toàn có thể thấy là “Khalij Fars” chứng minh tiềm lực của Iran trong việc bắn trúng được các tàu chiến đang đứng yên. Về nguyên tắc, cả các tàu chiến đang di chuyển do vận tốc khá thấp của chúng so với vận tốc của tên lửa sẽ không phải là vấn đề đối với “Khalij Fars”.

    Khiếm khuyết của “Khalij Fars” được nghiên cứu chỉ ra chính là đầu tự dẫn hướng mục tiêu bằng quang học, mà chỉ có thể ứng dụng chiến đấu vào ban ngày và trong điều kiện trời ít mây. Điều này không phải là vấn đề đối với Vùng Vịnh, nơi mà quanh năm bầu trời gần như quang mây.

    Ngoài ra, theo thông cáo báo chí của tạp chí Jane‘s Defence Weekly từ ngày 10/7/2017, đang diễn ra hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm Hormuz-2 với đầu tự dẫn hướng mục tiêu định vị radar.

    Ảnh: Tên lửa chống hạm Hormuz-2

    Kết luận

    Như các chuyên gia hải quân của Đức cho biết, những kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, lực lượng hải quân không nắm giữ các khí tài chiến lược như tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ cần phải nghĩ tới phản ứng của mình trước mối đe doạ của các tên lửa đạn đạo chống hạm.

    Xác suất cao là công nghệ này sẽ được sử dụng rộng rãi. Về lý thuyết, mối đe doạ này nhanh chóng có thể xuất hiện gần những tuyến hàng hải quan trọng chiến lược, như Biển Đỏ, Vịnh Aden, Eo Hormuz và Malacca.

    Căn cứ từ những tính năng kỹ-chiến thuật của “Khalij Fars”, lực lượng hải quân Đức hiện nay không có các phương tiện phòng vệ trước loại vũ khí tương tự.

    NAM HIẾU (Theo invoen.ru) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ten-lua-chong-ham-cua-iran-moi-hiem-hoa-chua-duoc-danh-gia-dung-tam-a286449.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan