+Aa-
    Zalo

    Tết Trung thu là gì? Nguồn gốc và những sự thật thú vị về Tết Trung thu

    (ĐS&PL) - Ngày nay, tết trung thu không chỉ là dịp vui chơi, phá cỗ của trẻ em mà còn là ngày cả gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những chiếc bánh, loại quả - sản vật của mùa thu.

    Tết trung thu là gì? Nguồn gốc Tết Trung thu

    Tết trung thu là gì?

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl1
    Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng và mang nhiều ý nghĩa độc đáo với người Việt. Ảnh minh họa

    Dựa theo tên gọi “trung thu”, Tết Trung thu chính là ngày giữa mùa thu, tức vào ngày rằm 15/8 Âm lịch hay còn gọi là lễ hội trăng rằm.

    Đây là dịp lễ hội khiến bao trẻ em nô nức với nhiều hoạt động thú vị cùng ánh đèn lồng, chị Hằng, chú Cuội và không khí múa lân rộn ràng… Tết Trung thu còn chứa đựng nhiều ý nghĩa từ nguồn gốc, sự tích có tự lâu đời.

    Nguồn gốc Tết Trung thu

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl2
    Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Ảnh minh họa

    Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8. Nhưng theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.

    Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng.

    Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.

    Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng.

    Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả...

    Giờ vào dịp Trung thu, các địa điểm dân phố hoặc trung tâm thương mại lớn đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em lại là nơi được nhiều vị phụ huynh lựa chọn đưa các bé đến cùng vui chơi, chụp ảnh.

    Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

    Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.

    Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.

    Học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) khi nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu đã chỉ ra rằng từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng).

    Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới.

    Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng 8, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.

    Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

    Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng 8 gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

    Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu  

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl3
    Tết trung thu không chỉ là dịp lễ đặc sắc của trẻ nhỏ mà còn mang nhiều ý nghĩa đối với nông nghiệp và đất nước. Ảnh mihn họa

    Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng.

    Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

    Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

    Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...

    Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.

    Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

    Trong cuốn “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, ông đã nhắc đến ý nghĩa “Tết dạm hỏi” của Tết Trung thu, do đây là dịp nam nữ gặp gỡ nhau, hò hát đối với nhau, làm quen và nên duyên.

    Đối với trẻ nhỏ, Trung thu là một lễ hội thực sự dành riêng cho mình, với đầy đủ từ đồ ăn đến đồ chơi.

    Và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung thu cũng trùng với thời điểm đến trường của trẻ em, vì thế Trung thu còn mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng học hành thành tài của cha mẹ đối với trẻ nhỏ, thông qua các món đồ chơi hay vật dụng được bày trên mâm cỗ.

    Những sự thật thú vị về ngày Tết trung thu khiến bạn bất ngờ

    Vì sao Trung thu người ta lại ăn bưởi?

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl4
    Độc đáo ý nghĩ quả bưởi xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết trung thu của người Việt. Ảnh minh họa

    Bưởi là một loại quả truyền thống của ngày Tết Trung thu.

    Trong tiếng Hán, từ “bưởi” đồng âm với “Du Tử” nghĩa là những người phiêu bạt xa quê nhớ ngày này để đoàn viên gia đình; đồng âm với “Hựu” với ý nghĩa bình an vô sự; đồng âm với “Hữu Tử” để kỳ vọng sinh con quý tử.

    Tục rước đèn Trung Thu

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl5
    Đèn lồng Việt Nam là biểu hiện của sự ấm no và hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa

    Đối với người Việt, đèn lồng trung thu được làm cho trẻ em chơi trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu.

    Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đây cũng chính là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.

    Bày mâm cỗ trông Trăng

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl6
    Mâm cỗ đặc sắc trong đêm Trung thu phá cỗ của người Việt Nam. Ảnh minh họa

    Trong dịp Tết Trung Thu, mỗi gia đình Việt đều trang hoàng mâm cỗ với bánh kẹo, hoa quả như: bưởi, thị, hồng, quả na, dưa hấu... Một số nơi sẽ trang hoàng mâm cỗ Trung thu ấn tượng với những hình thù độc đáo được tạo từ trái cây, bánh nướng.

    Mâm cỗ trung thu không chỉ dùng để cúng trăng mà còn để tế trời đất, tổ tiên mong mọi sự an lành, viên mãn. 

    Phong tục cắt bánh trung thu

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl7
    Chiếc bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa

    Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

    Bánh trung thu biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh.

    Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp.

    Bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng...

    Múa Lân

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl8
    Hình ảnh chú Lân trong múa Lân tượng trưng cho điềm lành. Ảnh minh họa

    Trung thu ở Việt Nam, múa Lân sẽ được tổ chức vào đêm 14 và đêm 15. Đội múa Lân gồm có một người đội chiếc đầu lân và chỉ huy cả đội múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống.

    Con Lân tượng trưng cho điềm lành vì vậy múa Lân đêm trung thu là ước mong cho những điềm lành đến với mọi nhà.

    Phá cỗ Trung thu dưới ánh trăng đêm rằm 

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl9
    Phá cỗ là khoảnh khắc mong chờ nhất của các bạn nhỏ ngày Tết Trung thu. Ảnh minh họa

    Vào dịp trung thu mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ nào là bánh trung thu, kẹo, mía, thị,bưởi, dưa hấu…tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau.

    Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của tết trung thu.

    Mâm cỗ trung thu là để cũng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.

    Tục ngắm trăng trong ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl10
    Khoảnh khắc cả gia đình cùng quây quần bên nhau ngắm trăng đêm rằm. Ảnh minh họa

    Ở Việt Nam, trăng có một ý nghĩa rất to lớn của đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm.

    Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng rằm.

    Dưới ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại “chú Cuội ngồi gốc đa” cho con mình nghe.

    Tết Trung thu ở các quốc gia khác diễn ra như thế nào?

    Tết Trung thu truyền thống tại Trung Quốc

    tet trung thu la gi nguon goc va nhung su that thu vi ve tet trung thu dspl01
    Trung thu được xem là lễ hội trọng đại của người Trung Quốc. Ảnh minh họa

    Trung thu được xem là một trong những lễ hội trọng đại của người Trung Quốc với nhiều nghi lễ như: tế trăng, thắp đèn lồng, thả đèn hoa đăng, múa lân, giải câu đố.

    Đây còn là dịp gia đình sum vầy, thưởng thức bữa cơm đoàn viên. Theo truyền thống, người Trung Quốc thường tổ chức uống rượu và ngắm trăng trong ngày lễ này, nên được gọi là Tết ngắm trăng. 

    Hàn Quốc đón Tết Trung thu

    songpyeon
    Món bánh đặc trưng cho dịp Trung thu của người Hàn Quốc là Songpyeon. Ảnh minh họa

    Tại Hàn Quốc, Tết Trung thu được gọi là “Chuseok”, có nghĩa là “đêm mùa thu” hoặc “đêm trăng đẹp nhất trong năm”, và kéo dài trong ba ngày (từ ngày 14 đến 16/8 âm lịch).

    Đây là thời điểm mà người dân Hàn Quốc trở về quê hương và sum họp cùng gia đình để thực hiện các nghi lễ cúng bái, đi tảo mộ và tặng quà cho nhau. Điều này nhằm biểu dương lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong một mùa màng bội thu và cuộc sống thịnh vượng. 

    Người Hàn Quốc có món bánh đặc trưng cho dịp Trung thu là Songpyeon. Món bánh có hình vầng trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt và được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông.

    Tết Trung thu Nhật Bản

    banh gao tsukimi dango
    Món bánh gạo tsukimi dango được coi là bánh Trung thu của người Nhật Bản. Ảnh minh họa

    Ở Nhật Bản, Tết Trung Thu được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi, có nghĩa là “ngắm trăng”.

    Truyền thống này đã được du nhập vào Nhật từ hàng nghìn năm trước, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu và thể hiện tình yêu, sự trân quý thiên nhiên trong văn hóa Nhật Bản.

    Vào Trung thu, người Nhật thường mặc trang phục truyền thống, mang đồ cúng đến đền thờ và trang hoàn nhà cửa bằng cây cỏ lau.

    Thay vì lựa chọn bánh Trung Thu, người Nhật ưa chuộng bánh gạo tsukimi dango, khoai môn và uống trà khi thưởng thức vẻ đẹp trăng rằm.

    Trung thu tại Singapore

    singapore
    Nét độc đáo trong ngày tết Trung thu ở Singapore. Ảnh: Art Travel

    Tết Trung Thu ở Singapore được gọi là lễ hội lồng đèn hoặc lễ hội bánh Trung thu và diễn ra vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm.

    Trong ngày này, trẻ em thường cùng nhau múa hát, ngắm trăng và tham gia phá cỗ. Khắp các con phố ở Singapore được trang trí bằng hàng ngàn đèn lồng và các biểu tượng đặc trưng của mùa lễ Trung Thu.

    Trung thu ở đất nước Thái Lan

    Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch.

    “Xứ sở nghìn đảo” Philippines đón Trung tu

    Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại nước bản địa.

    Trung thu tại Campuchia

    Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn, thường là vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác.

    Phong tục ngày tết Trung thu tại Malaysia

    Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng trong ngày này. Trong ngày này, người dân cũng tổ chức múa lân, múa sư tử và các hoạt động vui chơi giải trí được yêu thích khác.

    Trên đây là bài viết về nguồn gốc, ý nghĩa và những sự thật thú vị xoay quanh ngày Tết Trung thu tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn được khám phá về ngày tết trung thu ở một vài quốc gia châu Á khác. Dù có nguồn gốc và ở mỗi nơi khác nhau, nhưng Trung thu vẫn luôn là dịp sum vầy, gắn kết để mọi người cùng nhau tận hưởng những phút giây đặc biệt và nguyện cầu muôn điều may mắn.

    Nguyễn Linh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-trung-thu-la-gi-nguon-goc-va-nhung-su-that-thu-vi-ve-tet-trung-thu-a590947.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan