+Aa-
    Zalo

    Thảm họa sóng thần tại Indonesia: Khoảnh khắc kinh hoàng qua lời kể của các nhân chứng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 2 ngày kể từ sau thảm họa động đất, sóng thần, người dân ở đảo Sulawesi, Indonesia vẫn chưa hết bàng hoàng, bất an khi nghĩ về những điều tồi tệ vừa xảy ra.

    2 ngày kể từ sau thảm họa động đất, sóng thần, người dân ở đảo Sulawesi, Indonesia vẫn chưa hết bàng hoàng, bất an khi nghĩ về những điều tồi tệ vừa xảy ra.

    Trận động đất 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi hôm 28/9 kéo theo sóng thần cao tới 6m, đã khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương và mất tích

    Tiếng kêu cứu và những giọt nước mắt từ trong đống đổ nát

    Đội cứu hộ giải cứu một cô gái từ trong đống đổ nát. Ảnh: AP

    Anh Dwi Haris là một trong số các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện quân đội Palu, anh bị gãy xương vai và cột sống sau một đợt dư chấn. Trong lúc trò chuyện với phóng viên Guardian, mắt Haris ngấn lệ khi anh hồi tưởng về khoảnh khắc phòng khách sạn tầng 5, nơi anh đang ở cùng vợ và con gái, rung chuyển dữ dội. 

    "Chúng tôi không có thời gian để tự cứu lấy mình. Tôi bị đè dưới một đống đổ nát", Haris kể, anh cho biết gia đình đến thành phố Palu để dự một đám cưới. "Tôi nghe tiếng vợ tôi khóc khẩn cầu sự trợ giúp, nhưng sau đó sự im lặng bao trùm căn phòng. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với vợ và con gái tôi, tôi mong họ vẫn an toàn". 

    Đội cứu hộ lập tức đến khách sạn Roa Roa, họ khẳng định nghe thấy tiếng rất nhiều nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát nhưng không có đủ thiết bị để giải cứu tất cả số người này, theo Guardian.

    Đến sáng 30/9, đội cứu hộ chỉ giải cứu được 5 người và ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Trong khi đó ban quản lý khách sạn Roa Roa cho biết vào thời điểm xảy ra dư chấn, tổng cộng 26 phòng khách sạn chứa đến 50 khách. 

    Nina, 23 tuổi, nhân viên một tiệm giặt là gần bãi biển nơi xảy ra động đất và sóng thần, cho biết động đất đã phá hủy cửa hàng nhưng cô đã kịp thoát ra ngoài và nhanh chóng trở về nhà đưa mẹ và em trai sơ tán.

    "Chúng tôi cố gắng tìm một nơi trú ẩn, nhưng sau đó tôi nghe thấy mọi người hét lên: Nước, nước. Ba chúng tôi chạy thật nhanh và bị lạc mất nhau. Giờ tôi không biết mẹ và em trai ở đâu. Tôi không biết làm thế nào để có thông tin về họ. Tôi không biết phải làm gì nữa", Nina bật khóc.

    Tình người ấm áp trong giây phút kinh hoàng

    Ông Ng Kok Choong (trái) may mắn sống sót sau trận động đất, đã cùng bạn cứu một bé gái và người mẹ trong trận động đất sóng thần. Ảnh: CNA.

    Khi trận động đất và sóng thần xảy ra trên đảo Sulawesi của Indonesia hôm 28/9, ông Ng Kok Choong, 53 tuổi, đang ở trong khách sạn Mercure ở thành phố Palau để chuẩn bị tham gia một cuộc thi dù lượn. Vào thời điểm nhận ra “mặt đất rung lắc dữ dội”, ông Ng đã ngay lập tức rời khỏi khách sạn.

    “Tôi bị ngã xuống mặt đất ngay lập tức và thậm chí không thể ngồi xuống để ổn định chính mình. Tôi bị quay như chong chóng”, ông Ng kể lại những khoảnh khắc đầu tiên khi trận động đất diễn ra.

    Khi ông Ng cùng người bạn của mình là Francois chạy cách xa khách sạn Mercure khoảng 50m, khách sạn này bắt đầu đổ sập.

    “Tôi thấy khách sạn rung lắc dữ dội, bụi bay khắp mọi nơi và khách sạn đổ sập”, ông Ng cho biết.

    Sau khi cảm nhận được trận động đất, ông Nga nhận thấy biển động dữ dội ở khu vực gần khách sạn nơi ông ở và những con sóng bắt đầu dâng cao. Đây là dấu hiệu cho thấy sóng thần sắp ập tới.

    Để thoát khỏi sóng thần sắp đổ bộ, cả Nga và Francois tìm cách chạy lên khu đất cao song rốt cuộc vẫn quay về khu vực gần khách sạn Mercure. Khi đó họ phát hiện ra một bé gái và một bà mẹ đang bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của khách sạn vừa bị sập.

    “Họ gào khóc. Chúng tôi chạy về phía họ và cố gắng kéo họ ra. Chúng tôi đã kéo được đứa bé ra ngoài nhưng người mẹ vẫn bị kẹt lại”, ông Ng nói. Khi đó, ông nhận thấy sóng thần đang kéo đến rất nhanh.

    "Bạn tôi bế cô bé lên, chạy theo hướng ngược lại với sóng thần. Anh ấy leo lên cây, ngồi ở đó cùng với bố con cô bé", Ng kể lại. "Chúng tôi không thể cứu được người mẹ".

    Tình huống lúc đó rất "ồn ào và đáng sợ", gió rít inh tai, sóng ầm ầm và nhà cửa rung chuyển. Ng tìm được vùng đất cao hơn, ở lại đó tới khi sóng thần qua đi. Sau 30 phút, khi xác định tình hình đã an toàn, anh quay lại chỗ mẹ cô bé. Thật may mắn người mẹ vẫn sống sót, đang kêu cứu và hét lên đau đớn vì bị mảng bêtông đè lên đùi.

    "Tôi quay lại, ở bên cô ấy vì không thể giúp được gì. Tôi nghĩ cô ấy sắp chết. Cô ấy kẹt ở đó khoảng một tới hai tiếng, cho tới khi vài người dân địa phương chạy tới giúp đỡ. Chúng tôi nâng được mảng bêtông lên và kéo cô ấy ra", người đàn ông Singapore nhớ lại.

    Chàng thanh niên điều phối quả cảm 

    Đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt sau thảm họa. Ảnh: AP

    Anh Anthonius Gunawan Agung, 21 tuổi, là một trong những trường hợp thiệt mạng đầu tiên được ghi nhận sau thảm họa kép. Anh được truyền thông ca ngợi vì quyết định ở lại trạm điều phối không lưu để đảm bảo một chiếc máy bay cất cánh an toàn mặc cho mặt đất bắt đầu rung chuyển dữ dội. 

    "Khi vụ động đất xảy ra, Agung đang điều phối một chuyến bay của hãng hàng không Batik Air. Anh đợi cho đến khi chiếc máy bay cất cánh an toàn rồi mới rời khỏi cabin trạm điều phối", ông Yohanes Sirait, phát ngôn viên cơ quan điều phối hàng không quốc gia Indonesia, cho biết.

    Vụ động đất làm trạm điều phối đổ sập, anh Agung nhảy khỏi cabin nhưng không thể sống sót. 

    Hai ngày sau thảm họa kép, cư dân tại nhiều khu vực vẫn chưa thể trở về nhà và phải ngủ lại nơi cư trú tạm thời trong nỗi lo sợ không biết khi nào những đợt dư chấn tiếp theo ập đến, đe dọa mạng sống của họ và những người thân.

    Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đối diện làn sóng chỉ trích vì rút cảnh báo sóng thần quá sớm. Đáp lại, cơ quan này khẳng định họ thực hiện đúng quy trình và thu thập dữ liệu từ trạm cảm biến thủy triều cách Palu 200 km. 

    "Chúng tôi không có bất kỳ trạm giám sát nào ở Palu, vì vậy chúng tôi buộc phải sử dụng tất cả dữ liệu mà chúng tôi có và đưa ra cảnh báo dựa vào đó", ông Rahmat Triyono, người đứng đầu trung tâm động đất và sóng thần thuộc BMKG, cho biết. 

    Indonesia là một trong những quốc gia thường xuyên gặp thiên tai nhất trên thế giới. Các hòn đảo của Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo thường xuyên va chạm gây ra nhiều vụ động đất và phun trào núi lửa. 

    Hồi tháng 8, đảo Lombok của Indonesia hứng chịu hàng loạt vụ động đất, khiến hơn 550 người thiệt mạng. 

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-hoa-song-than-tai-indonesia-khoanh-khac-kinh-hoang-qua-loi-ke-cua-cac-nhan-chung-a246053.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan