+Aa-
    Zalo

    Thanh Hóa: Đánh thức tiềm năng di tích văn hóa lịch sử Hàm Rồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đến khu du lịch văn hóa Hàm Rồng với diện tích không đầy 1km vuông nhưng có nhiều di tích văn hóa lịch sử qua các thời kỳ cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

    Đến khu du lịch văn hóa Hàm Rồng với diện tích không đầy 1km vuông nhưng có nhiều di tích văn hóa lịch sử qua các thời kỳ cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo cho nơi đây in đậm nét của một nền văn hóa lịch sử vừa mang dấu ấn uy nghiêm sâu lắng của tâm linh lại có cảnh đẹp tự nhiên của núi Rồng sông Mã, tạo nên nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn gắn du lịch văn hóa lịch sử với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

    Năm 2000 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích văn hóa lịch sử Hàm Rồng.

    Toàn cảnh núi Hàm Rồng và cầu Hàm Rồng

    Để phát huy giá trị, khai thác có hiệu quả mảnh đất đầy tiềm năng, vừa qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định: Đây là khu di tích văn hóa lịch sử in đậm dấu ấn của người Việt Cổ của nền Văn hóa Đông Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc chống giặc ngoại xâm. Vì vậy đã cho lập quy hoạch mở rộng khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Bắc thành phố Thanh Hóa nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng để đưa khu vực Hàm Rồng Núi Đọ đạt tầm vóc Quốc Gia, Quốc tế trở thành khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tiến tới trở thành di sản văn hóa Thế giới.

    Lối vào động Long Quang (Hang Mắt Rồng)

    Trong những năm qua tại nơi đây cùng với sự đầu tư của Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng, các thành phần kinh tế - xã hội đã đầu tư và thực hiện một số dự án quan trọng tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đã làm thay đổi bộ mặt của khu du lịch văn hóa Hàm Rồng. Đơn vị đi tiên phong là Công ty CP Du lịch Kim Quy, đã đầu tư xây dựng Hồ Kim Quy và các công trình quanh hồ, xây dựng Trung tâm thương mại Hàm Rồng, Khách sạn Thùy Dương, Khách sạn Táo Đỏ. Hợp tác với phường Hàm Rồng đầu tư xây dựng và khai thác Động Tiên Sơn. Công ty CP Thanh Tân đã đầu tư xây dựng Làng văn hóa các dân tộc xứ Thanh. Giao Hội phật giáo xây dựng Thiền viện trúc Lâm Hàm Rồng, xây dựng chùa Phạm Thông. Công ty CP XD GT đường thủy nội địa - Trung tâm phát triển du thuyền sông Mã đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hoạt động du lịch lữ hành tuyến đường thủy - Sông Mã Hàm Rồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của khu vực, từng bước hình thành một quần thể du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn bao gồm:

    Đến với du lịch tâm linh: du khách đến dâng hương tại đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ trên đồi Quyết Thắng; dâng hương tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng; chùa Phạm Thông, chùa Tăng Phúc, Chùa Phạm Thông.

    Du lịch di tích văn hóa lịch sử: Du khách đến thăm cầu thép Hàm Rồng, Đồi C4 anh hùng, thăm làng cổ Đông Sơn.

    Du lịch sinh thái: Du khách đến với Hồ Kim Quy thăm làng văn hóa các dân tộc xứ Thanh, Động Tiên Sơn, Động Long Quan, du thuyền trên sông Mã...

    Trong chương trình tham quan du ngoạn, du khách về nghỉ dưỡng tại khách sạn Hàm Rồng, nhà khách Hoàn Mỹ, khách sạn Thùy Dương, khách sạn Táo Đỏ .

    Thưởng thức các món ăn đặc sản vùng miền ở nhà hàng Bắc Thành, nhà hàng Kim Quy, nhà hàng Thành Đạt, nhà hàng Thái Sơn...

    Đường lên động Tiên Sơn

    Cùng với các nhà đầu tư thực hiện dự án, tỉnh và thành phố Thanh Hóa cũng đã ưu tiên đầu tư cho khu du lịch nhiều công trình hạ tầng và các công trình kiến trúc quan trọng như đường bên bờ sông Mã, đường Bà Triệu, các tuyến đường Yên Ngựa, đường Phượng Hoàng, đường Lê Uy, đường nối với Động Tiên Sơn, xây dựng trung tâm hội nghị Hàm Rồng, xây dựng Trường THCS, nhà trẻ, trạm y tế, công sở Làm việc và các nhà văn hóa, khối phố mới khang trang, lịch sự.

    Quá trình hình thành khu du lịch bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của khu vực, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ được xây dựng và nâng cấp, hàng ngày thu hút hàng nghìn khách về với khu du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập cho nhân dân, cơ cấu kinh tế của địa phương có sự thay đổi, nếp sống văn minh đo thị được khởi sắc, xây dựng nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ phố sạch đẹp hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khu vực Hàm Rồng và phía Tây Bắc của thành phố thực hiện ước mơ lâu đời của người dân trong khu vực đó là thực tế khách quan đang diễn ra  trong khu du lịch.

    Song với tiềm năng và lợi thế của khu du lịch văn hóa Hàm Rồng những việc đã làm được còn quá khiêm tốn, quy mô đầu tư còn nhỏ bé, chưa đồng bộ, manh mún, sản phẩm du lịch còn quá đơn điệu, khách đến khu du lịch chưa nhiều, hiệu quả đầu tư chưa cao.

    Hồ Kim Quy

    Tình hình trên có nguyên nhân từ các nhà đầu tư chưa triệt để chấp hành cam kết thực hiện dự án, chậm tiến độ, đầu tư manh mún, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Nhưng mặt khác cũng phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chưa đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm của dự án, không chấp hành đúng pháp luật của nhà nước, gây khó khăn trở ngại cho nhà đầu tư như: việc thu hồi đất của Công ty CP Du lịch Kim Quy đến nay đã 8 năm không chi trả hết cho Công ty phần giá trị tài sản đã đầu tư trên đất theo Luật đất đai năm 2003 và Nghị định của Chính phủ ghi rõ: Khi thu hồi đất giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý thì cơ quan này phải có trách nhiệm thanh toán cho người bị thi hồi giá trị tài sản đã đầu tư trên đất.  Sau 8 năm thi hồi đến nay mới trả được 40%, còn lại 18 tỷ đồng chưa được thanh toán.Việc làm trên hoàn toàn sai trái với pháp luật nhà nước, gây nhiều tổn hại cho Doanh nghiệp.

    Để khu vực Hàm Rồng thực sự là Trung tâm du lịch của tỉnh và thành phố, sớm trở thành khu di tích văn hóa lịch sử đặc biệt của của cả nước cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt từ nhận thức, tư tưởng, vị trí quy hoạch, tầm vóc dự án đến cơ chế chính sách phù hợp, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về đầu tư để thu hút đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng điểm. Trước hết, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng một số công trình trọng điểm tạo điểm nhấn cho khu du lịch như hệ thống cáp treo, công viên vui chơi giải trí... để phát huy hiệu quả mời thực sự đánh thức tiềm năng khu di tích lịch sử Hàm Rồng - Núi Đọ.

    Phương Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-danh-thuc-tiem-nang-di-tich-van-hoa-lich-su-ham-rong-a262739.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan