+Aa-
    Zalo

    Thay đổi chính sách lương hưu: Lao động nữ mất 10% lương hưu "sau một đêm"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ 1/1/2018, việc thay đổi chính sách lương hưu sẽ khiến hàng triệu lao động nữ "thiệt đơn thiệt kép".

    Từ 1/1/2018, việc thay đổi chính sách lương hưu sẽ khiến hàng triệu lao động nữ "thiệt đơn thiệt kép".

    Theo quy định hiện hành, người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 3%, còn NLĐ nam được tính thêm 2%. Trong khi đó, từ ngày 1/1/2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu tại khoản 2, điều 56, luật BHXH năm 2014.

    Đồ họa báo Thanh niên.

    Cụ thể, từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 2%. Như vậy, NLĐ nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.

    Đối với NLĐ nam, nghỉ hưu năm 2018 để được hưởng mức 45% phải đóng đủ 16 năm. Tức NLĐ nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018, chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).

    Lao động nữ hiện chiếm hơn 50% lực lượng lao động cả nước. Việc thay đổi chính sách lương hưu từ 1/1/2018 tới đây sẽ gây tác động lớn tới số lao động này. Đặc biệt là lao động trong khu vực ngoài nhà nước, bởi trước đây để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu khi đủ tuổi đã là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ.

    Biết được quy định này, nhiều lao động nữ tỏ ra khá thất vọng, bà Nguyễn Thị Thảo (53 tuổi, hiện đang làm việc tại một cơ quan hành chính trụ sở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Đến nay, tôi đã đóng BHXH được 25 năm, so với điều kiện hưởng lương hưu tối đa vẫn thiếu 2 tuổi theo quy định. Nhưng từ 1/1/2018, phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương, mà tôi hiện mới có 25 năm nên nếu đóng BHXH thêm 2 năm nữa để đủ tuổi hưu, thì tôi vẫn phải lĩnh lương thấp hơn là nghỉ năm nay, dù đã bị trừ đi 2 năm thiếu tuổi. Đúng là thiệt đơn, thiệt kép".

    Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: cách tính này sẽ thiệt thòi cho lao động nữ, nhất là việc áp dụng không có lộ trình sẽ gây sốc cho người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần đang diễn ra hiện nay.

    Bà Trần Kim Yến cho biết thêm: “Nhiều trường hợp lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH do tham gia lao động và đóng BHXH muộn thì có muốn kéo dài thời gian làm việc để đủ thời gian đóng BHXH cũng sẽ không thực hiện được. Tôi thấy điều này rất bất cập. Đối với lao động nam có lộ trình từ năm 2018 đến năm 2023 thì cũng nên thực hiện việc này cho nữ có lộ trình như nam, điều này sẽ giảm bớt được những thiệt thòi cho lao động nữ”.

    Trao đổi với PV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng phân tích, về nguyên tắc, phụ nữ phải đóng BHXH 30 năm để hưởng 75% lương cơ bản là hoàn toàn đúng. Nhưng có sự “khập khễnh” khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Rõ ràng, điều này không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em.

    Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình cho nữ giới giống như nam giới, để “giảm sốc” từ từ, tránh việc người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt.

    Lý giải cho việc thay đổi cách tính lương hưu mới, BHXH Việt Nam cho rằng cần thiết để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn. Nhưng điều chưa hợp lý ở đây là trong khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ thì lại vội giảm mức hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến 2 người cùng đi học, cùng đi làm việc ở tuổi như nhau, nhưng lương hưu của nữ lại thấp hơn nam do nghỉ hưu trước 5 năm. Do đặc điểm giới tính, số năm công tác của nữ đã phải ít hơn nam 5 năm, nhưng tỉ lệ cộng cho mỗi năm đóng BHXH lại như nhau là không hợp lý.

    Trước những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56, điều 74 luật BHXH để hài hòa khoảng cách về giới trong thụ hưởng chính sách BHXH. Đây  vấn đề cần phải làm sớm, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, có thể sửa đổi theo hướng thông qua một nghị quyết sửa đổi cách tính lương hưu.

    Nguyễn Hà (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-doi-chinh-sach-luong-huu-lao-dong-nu-mat-10-luong-huu-sau-mot-dem-a207470.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan