+Aa-
    Zalo

    Thi thuê: "Kẻ đào tẩu" và những ca lừa lọc thầy cô, giám thị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi đã "thành danh", nhiều dân học hộ - thi thuê tìm cách tách dần các "siêu cò", họ trực tiếp liên hệ với "khách" có nhu cầu và lên kế hoạch "làm cả, ăn tất".

    (ĐSPL) - Khi đã "thành danh", nhiều dân học hộ - thi thuê tìm cách tách dần các "siêu cò", họ trực tiếp liên hệ với "khách" có nhu cầu và lên kế hoạch "làm cả, ăn tất". Tuy nhiên, việc này hết sức nguy hiểm, bởi nếu bị bắt sẽ phải trả giá. Rồi khi uy tín càng lên, sẽ bị "dân anh chị" tìm cách ngáng đường. Nhưng vì siêu lợi nhuận từ dịch vụ này, họ sẵn sàng liều mình lao vào công việc này như con thiêu thân.

    Nhiệm vụ bất khả thi

    Nắm được quy luật này, chúng tôi chia nhỏ các mũi điều tra ra nhiều trường đại học để truy tìm, vạch trần những "kẻ đào tẩu". Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản chút nào, bởi thường các đối tượng nhỏ lẻ này sẽ trực tiếp liên hệ kín đáo với "khách" của mình qua điện thoại, việc phát hiện các trường hợp này dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Hàng tháng trời, phương án tiếp cận các trường đại học tóm "cá bé" thất bại. Lập tức phương án được thay đổi, để tiếp cận sâu với các đối tượng thi thuê chuyên nghiệp, chúng tôi chia các mũi vào thuê nhà trọ ngay cạnh phòng của các đối tượng này, hoặc vào xin ở ghép phòng. Sau 2 tháng, tìm cách tiếp cận, làm quen, cuối cùng kế hoạch đã mang lại kết quả.

    Đối tượng đầu tiên được nhóm điều tra viên trong nhóm tiếp cận, chăm sóc là M.P.T., một sinh viên bỏ học lang thang hành nghề học hộ - thi thuê khắp các trường đại học tại Hà Nội. "Điều tra viên" của nhóm được cài vào ở cùng phòng với đối tượng này tại khu vực cạnh trường đại học Thương mại.

    Vào ngày 7/11/2014, một "khách hàng" điện cho M.P.T. đề nghị thuê thi môn tiếng Anh cơ sở cả kỳ gồm bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ tại đại học Nông nghiệp. Yêu cầu của vị "khách" này đặt ra là môn thi phải đạt điểm A. Vốn từng thi môn này tại đại học Nông nghiệp, biết là đề khá dễ nên M.P.T. chấp nhận điều kiện. Vị khách này chủ động ra giá là 200 nghìn đồng cho bài giữa kỳ, 500 nghìn đồng cuối kỳ. Sau khi thỏa thuận xong, M.P.T. kết bạn với “khách hàng” của mình qua facebook: Đàm Nguyễn Thiên V., để gửi ảnh cho người này đi làm thẻ sinh viên giả. Qua xác minh, vị "khách" này có tên thật là Đàm Thị V. (SN 2/3/1991, hộ khẩu Quỳ Hợp, Nghệ An; hiện đang học lớp K55xxx và có mã SV 550xxx) đang dùng số thuê bao 0964840xxx.

    15h ngày 13/11, V. hẹn M.P.T tại cổng trường đại học Nông nghiệp. 15h30, ngay khi gặp đưa thẻ cho M.P.T. để học thuộc thông tin, sau đó đưa T. đến trước cửa phòng thi. Cán bộ coi thi đọc đến tên V. thì M.P.T. đưa thẻ sinh viên kiểm tra rồi vào phòng thi.

    Bài thi giữa kỳ hôm đó chỉ có môn nghe, kiểu Toeic, diễn ra trong vòng 20 phút. M.P.T. làm bài khá tốt. Theo ước chừng của M.P.T., môn thi sẽ được khoảng 8,5 điểm. Kết thúc bài thi, T. ra ngoài gặp bạn V. và được trả tại chỗ 200 nghìn đồng, số tiền còn lại sẽ hoàn trả ngay khi có kết quả.

    Cầm chiếc thẻ sinh viên nhang nhác giống mình, M.P.T. dễ dàng qua mặt các cán bộ coi thi thiếu trách nhiệm trong trường Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp để “đánh quả lẻ”.

    Cùng nhau... ngủ gật

    Ngay khi "ăn" trọn ca thi dễ trong trường đại học Nông nghiệp, M.P.T. vội vã leo lên xe bus chạy về trường Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (KTKTCN). Ca thi này theo đánh giá của T. là một trong những ca dễ dàng nhất cô vừa nhận. Trước đó, T. đã liên lạc và thống nhất giá với "khách" của mình. Theo thỏa thuận, thi trót lọt, T. sẽ được trả 50\% trước, tương đương 150 nghìn đồng, số tiền còn lại sẽ được chuyển đến tận tay ngay khi có điểm. Thông tin chúng tôi nắm được, vị "khách" có nhu cầu trong trường KTKTCN có tên Vũ Khánh H. (SN 1995; HKTT: Hà Nam; lớp DHxxx, khoa Công nghệ thực phẩm, mã SV 131021xxx)...

    Khoảng 12h cùng ngày, M.P.T. đến cổng trường KTKTCN và liên lạc với H., cả hai cùng thống nhất gặp nhau trước sảnh tầng 1 nhà H.A1. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin của mình cho M.P.T., H. còn dạy T. cách đăng nhập vào tài khoản thi trên máy tính, sau đó đưa thẻ sinh viên.

    Tại đây, H. nói: "Thật ra cũng chẳng cần học thuộc vì trường tổ chức rất dễ, chỉ cần gọi tên và vào phòng thi thôi, không kiểm tra mặt". Sau đó H. đưa T. đến phòng thi 203 ngồi chờ.

    Khoảng 12h25, có hai cán bộ coi thi đến mở cửa phòng thi rồi gọi tên thí sinh vào. Quả đúng như lời H. nói, cán bộ coi thi chỉ đọc tên từng người và không có hành động nào kiểm tra danh tính thí sinh. Máy tính được phân cho từng thí sinh trong danh sách được gắn trên bảng tin. Đội lốt H., T. được phân ngồi máy số 38. Khi có hiệu lệnh, T. chỉ cần đăng nhập và làm bài.

    Chưa đầy 20 phút, T. đã hoàn thiện 80 câu hỏi. Lúc này hai bạn nam bên cạnh đề nghị T. giúp các bạn ấy làm bài. Đồng thời cho biết thông tin, đợt này là thi lại, nên đề giống nhau, chỉ đảo số câu. Do không cần ra sớm nên T. giúp hai bạn ngồi bên hoàn thiện bài thi mất 15 phút, rồi nộp bài, sau đó... nằm ngủ ngon lành trên bàn thi. Chỉ đến khi hai bạn nam bên cạnh gọi T. dậy lên ký danh sách thi thì T. mới giật mình tỉnh giấc. Hài hước hơn, trong phòng, một trong hai cán bộ coi thi cũng ngủ gục trên bàn và không hề quan tâm tới những gì diễn ra trong phòng. Thi xong, T. xuống gặp H. ở sảnh nhà A lấy 150 nghìn đồng như đã thỏa thuận và ra về.

    Bao nhiêu cái đầu rỗng tuếch?

    Ngay khi mũi "điều tra viên" cài cắm theo dõi M.P.T. báo cáo kết quả thành công trong việc xác định, theo dấu phi vụ thi thuê tại trường Nông nghiệp và trường KTKTCN, một mũi khác thuê phòng, cắm tại khu trọ của Đ.L.A. trong làng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) báo tin đã xác minh được thông tin Đ.L.A. vừa nhận ca thi thuê trong trường đại học Công đoàn. Theo thông tin ban đầu, "khách" thuê có tên là Nguyễn Thị Q. (SN 1991; HKTT: Hà Nội; Số CMT: 01714xxx; hiện đang học lớp TNxxx; Mã SV: 1044080xxx; chủ thuê bao 01675307xxx).

    Vào khoảng 13h, ngày 18/11, Đ.L.A. nhận được tin nhắn từ Nguyễn Thị Q. nhờ thi hộ môn tiếng Anh vào 17h30’, với giá 300 nghìn đồng. Đ.L.A. sẽ được Q. thanh toán 50\% số tiền ngay khi hoàn thiện bài thi và số còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản khi biết điểm.

    Để chứng minh mình làm khá tốt cho Q., sinh viên trường đại học Công đoàn, L.A. còn chụp ảnh bài làm đưa cho Q. xem. Thấy bài thi khá ổn, Q. liền móc hầu bao đưa cho L.A. 300 nghìn đồng và vui vẻ lên xe rời đi. 

    Chừng 17h, L.A. đến quán chè trước cổng trường Công đoàn ngồi chờ Q.. Đến 17h30, không thấy Q. xuất hiện, sốt ruột bốc máy liên lạc thì được biết, Q. bị tắc đường và đang tới. 17h45, Q. đến và gặp L.A. tại cổng trường. Sau một hồi trao đổi, đưa chứng minh thư nhân dân, ghi mã sinh viên, thông tin lớp học lên tay, Q. đưa L.A. đến thẳng cửa hội trường lớn trong trường và bảo vào thi luôn.

    Thấy L.A. ngập ngừng, Q. giải thích: "Đến muộn sẽ không bị kiểm tra mặt đâu, chỉ cần đọc tên là giám thị so danh sách và cho biết số báo danh là chỗ ngồi của mình". Đúng như Q. nói, L.A. chỉ cần đến cửa phòng, đọc tên là được giám thị đọc số báo danh 96 và chỉ chỗ ngồi. Trong phòng thi hôm đó có 4 người, họ chăm chú tán chuyện say sưa đến mức chẳng cần quan tâm đến sinh viên bên dưới đang làm gì. Vào khoảng nửa sau thời gian làm bài, các sinh viên trong phòng vô tư chuyền tay nhau điện thoại để chụp ảnh, dùng tài liệu, trao đổi đề,... Trước thực trạng này, chúng tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu sinh viên ra trường là học thật? Bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp với cái đầu rỗng tuếch?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-thue-ke-dao-tau-va-nhung-ca-lua-loc-thay-co-giam-thi-a76975.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.