+Aa-
    Zalo

    Thiếu cơ chế đột phá, đặc khu kinh tế chỉ là 'túp lều' chứ không thể thành 'biệt thự'

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) khi cùng các chuyên gia kinh tế khác thảo luận về việc thành lập các đặc khu h

    Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) khi cùng các chuyên gia kinh tế khác thảo luận về việc thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế quốc gia chiều 24/10.Theo TS Cung, các đặc khu hành chính - kinh tế phải thực sự có một cơ chế điều hành cởi mở, thông thoáng, thu hút được người tài và là động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu chỉ
    có những ưu đãi quen thuộc về thuế, đất đai... thì không thể biến những nơi này thành trung tâm kinh tế được.

    Còn theo TS Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright, trước khi thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), cần nhìn lại các khu kinh tế của Việt Nam hiện nay. Như trường hợp của Thủ Thiêm - TP Hồ Chí Minh, cũng trong vòng 20 năm mà Thượng Hải (Trung Quốc) đã hình thành khu kinh tế có GDP bằng với Singapore, Đà Nẵng cũng phát triển nhanh gấp 10 lần. Trong khi đó, Thủ Thiêm có cả tiền và vị trí đắc địa mà chưa phát triển được.

    TS Du nhận định, với đặc khu kinh tế thì vị trí là quan trọng nhất. Trong số những đặc khu kinh tế ở cả 3 miền mà Việt Nam đang định thành lập, Vân Đồn với Phú Quốc còn có chút lợi thế, chứ Vân Phong ở miền Trung thì không có gì.

    Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thành lập năm 2009 có diện tích 2.171 km2 bao gồm cả đất tự nhiên và vùng biển. Đây là 1 trong 8 nhóm Khu kinh tế ven biển trọng điểm được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN


    "Cần nhìn lại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp đã được hình thành từ lâu nhưng chưa đạt được kết quả như kì vọng. Các khu kinh tế hiện nay thực chất chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp (DN) hay cơ sở sản xuất công nghiệp của các địa phương. Sự thành công của khu Nam Sài Gòn là không đáng kể vì chỉ trong diện tích 400 ha", TS Huỳnh Thế Du lưu ý.

    Quan điểm của chuyên gia này là nên tập trung vào những đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vì sự phát triển của mỗi quốc gia là sự phát triển của các đô thị lớn.

    "Chìa khóa của thành công là dám làm và cách làm. Ba mũi đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thể chế là nút thắt quan trọng nhất cần khơi thông", chuyên gia kinh tế cho hay.

    Còn theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, chuyên gia kinh tế cao cấp, Quốc hội dường như vẫn đang lúng túng để tìm ra mô hình cho đặc khu hành chính - kinh tế. Đặc khu kinh tế sẽ giúp tháo gỡ được nhiều vấn đề về cơ chế. Nhiều khu kinh tế đang mang lại sự phát triển cho các tỉnh như Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh…

    Tuy nhiên, để thành lập các đặc khu kinh tế thì đầu tiên là vấn đề thể chế. Không chỉ là dám làm và cách làm, đầu tiên là cần nhất thể hóa bộ máy lãnh đạo. Người đứng đầu đặc khu vừa đứng đầu về mặt Đảng vừa đứng đầu chính quyền. Nếu cần, người đứng đầu sẽ quyết.

    "Thứ hai, các cơ quan công quyền độc lập phải được tồn tại tại các đặc khu như giao thông, công an, hải quan… Cần là quyết, không cần trình lên cấp trên, không chỉ là cơ quan tham mưu", ông Dũng khuyến nghị.

    Ngoài ra, có thể nghiên cứu Luật Thương mại của Anh để áp dụng tại Phú Quốc, như Singapore hay Malaysia đang áp dụng thành công.

    Trao đổi với báo Tin Tức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đặc khu kinh tế là loại hình tốt, đã có những kết quả tốt khi áp dụng tại một số nước. Đặc biệt là khi toàn cầu hóa chưa phát triển và các cơ chế kinh tế còn lạc hậu.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những lợi thế cao nhất của đặc khu kinh tế đã được khai thác, cũng như những mặt trái của nó cũng đã và đang bộc lộ. Việt Nam bắt đầu muộn hơn, đến năm 2020 hầu hết các hoạt động thương mại, kinh tế đều tự do nên cơ chế đặc thù cho đặc khu sẽ không nhiều lắm, trừ đất đai và các hoạt động kinh doanh dịch vụ (mại dâm, cờ bạc), các hoạt động miễn giảm thuế… Lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ hoặc tạo chuỗi, tạo động lực cho phát triển kinh tế sản xuất thì không thật lớn. Đó là chưa kể những vấn đề có thể phát sinh rất lớn cho Việt Nam như an ninh quốc phòng.

    "Khi chúng ta tạo cơ chế thuê đất dài 77 năm hay 99 năm cho các đặc khu thì các nước không thân thiện có thể dùng tiền để mua diện tích đất để có đặc quyền ở đó. Cả 3 đặc khu như dự định đều nằm ở vị trí nhạy cảm. Việc kết nối thể chế đặc khu với hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn thiện, hoặc chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ. Nếu ta cứ làm, vừa làm vừa sửa sai thì rất nguy hiểm. Cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu đặc khu khi họ không tuân thủ pháp luật cũng chưa thật rõ", ông Phong phân tích.

    Do đó, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, nên thận trọng, chỉ thí điểm ở một đặc khu Phú Quốc, 2 nơi còn lại thì dừng lại chờ thí điểm để tránh sai đồng loạt. Phú Quốc có đủ điều kiện tối ưu nhất và không ở vị trí quá nhạy cảm. Nên cẩn thận với những người nước ngoài muốn sở hữu diện tích đất ở trong đặc khu này để tránh họ nhân danh kinh tế phục vụ những mục đích quốc phòng an ninh không có lợi cho Việt Nam.

    Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác. Trong 9 dự án Luật này có dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thieu-co-che-dot-pha-dac-khu-kinh-te-chi-la-tup-leu-chu-khong-the-thanh-biet-thu-a206517.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan