+Aa-
    Zalo

    Thu hồi gần 1 triệu SIM di động: Chưa đủ để xóa cuộc gọi, tin nhắn rác?

    (ĐS&PL) - Nhiều người dùng phản ánh vẫn bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, dù đã có hơn 1 triệu SIM di động không chuẩn hóa thông tin bị thu hồi về kho số.

    Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông – (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến chiều 15/5, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn 985 nghìn thuê bao.

    thu hoi gan 1 trieu sim di dong chua du de xoa cuoc goi tin nhan rac
    Thu hồi gần 1 triệu SIM di động: Chưa đủ để xóa cuộc gọi, tin nhắn rác?

    Đây là những số điện thoại không cập nhật thông tin để khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên bị chấm dứt hợp đồng theo Nghị định 49 về lĩnh vực Viễn thông di động.

    Với các số đã bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định.

    Mục đích của việc thu hồi nhằm giải quyết cuộc gọi rác, nhưng trên thực tế nhiều người dùng phản ánh vẫn bị cuộc gọi quảng cáo dịch vụ làm phiền.

    Thông tin trên báo Lao động, anh Phúc Chân (28 tuổi, quận 3, TP.HCM) cho hay, mỗi ngày anh vẫn nhận từ 1-2 cuộc gọi rác. Lúc thì gọi mua bất động sản, lúc thì tư vấn thị trường chứng khoán, cảm giác rất phiền toái. Trong đó, có những cuộc gọi đến từ số thuê bao di động hoặc từ số điện thoại cố định.

    Hầu hết cuộc gọi anh nhận được đều trong giờ làm việc, thậm chí có cuộc gọi lúc nửa đêm khiến anh không thể nào từ chối nhẹ nhàng, mà bức xúc nói nặng nề để mong họ đừng làm phiền.

    "Tôi nghĩ khoá 2 chiều thuê bao sẽ giúp cơ quan quản lý xóa bỏ cuộc gọi rác, nhưng không, các cuộc gọi vẫn ngày đêm gọi đến số máy của tôi.

    Họ vẫn biết tên, thậm chí là khu vực nhà ở của tôi để tư vấn, làm phiền", anh Chân nói và cho biết, bản thân hoàn toàn bất lực và đã từ bỏ thói quen gọi lại khi thấy cuộc gọi nhỡ.

    Tương tự, theo chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Thức (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội), các cuộc gọi làm phiền thời gian gần đây đã ít xuất hiện hơn, nhưng ít không có nghĩa là không còn. Đặc biệt, các tin nhắn rác vẫn xuất hiện dày đặc.

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, đại diện một nhà mạng cho biết nguyên nhân hiện nay vẫn xuất hiện cuộc gọi, tin nhắn rác có thể là do bằng cách nào đó, những SIM này đều có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không bị khóa. Với các trường hợp này, người dân có thể báo cáo tới đầu số 156 - nơi tiếp nhận phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

    Cuộc gọi, tin nhắn rác ngoài việc được thực hiện bởi các SIM rác, một trong những nguồn phát chính là sử dụng các trạm BTS giả để gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại mà không thông qua nhà mạng.

    Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần giống website chính thức của các ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP… sau đó xâm nhập tài khoản, rút tiền của nạn nhân.

    Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena, cuộc gọi rác sở dĩ tồn tại dai dẳng vì các nhà mạng có động lực về kinh tế, nguồn thu từ việc bán SIM và phát sinh doanh thu từ cuộc gọi hay tin nhắn.

    “Chúng ta gọi là rác nhưng với nhà mạng, khi có cuộc gọi phát sinh là họ có doanh thu. Khi doanh thu lớn, họ sẵn sàng chấp nhận phạt. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao không phải là lần đầu tiên nhưng sau đó đâu lại vào đấy, SIM rác vẫn còn”, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Thắng nói.

    Hơn nữa, quy định về xử phạt còn khá thấp và chưa mang tính quyết liệt từ trước đến nay khiến các cửa hàng, đại lý lẫn nhà mạng bị "lờn". Mức xử phạt như cao nhất là 50 triệu đồng đối với cửa hàng và cao nhất 100 triệu đồng đối với nhà mạng có thể chưa đủ sức răn đe. Bởi nếu có sự quản lý chặt từ nhà mạng thì sẽ khó có tình trạng cá nhân sở hữu hơn 100 SIM hay thậm chí một người sở hữu lên hơn 1.000 SIM điện thoại như Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện.

    Do đó theo ông Thắng, sau đợt kiểm tra này, Bộ Thông tin và Truyền thông cần mạnh tay xử phạt nghiêm khắc hơn, nhất là với những đơn vị vi phạm nhiều lần. Thậm chí bổ sung quy định nếu phát hiện tình trạng SIM rác sẽ cấm nhà mạng phát hành SIM mới trong vòng 3-6 tháng, thông tin trên báo Thanh niên.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-hoi-gan-1-trieu-sim-di-dong-chua-du-de-xoa-cuoc-goi-tin-nhan-rac-a575549.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan