+Aa-
    Zalo

    Thuốc lá điện tử: Biết độc hại… nhưng vẫn sử dụng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với nguy cơ gây ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá bình thường và muôn vàn hệ lụy đến sức khỏe, thuốc lá điện tử và tác hại của nó được nhắc đến hàng ngày, hàng giờ trên các trang thông tin đại chúng. Nhiều người trẻ biết, nhưng lựa chọn làm ngơ và tiếp tục sử dụng.

    Thói quen độc hại

    Hiện nay, khi đến một quán cà phê hay thậm chí là địa điểm công cộng, không khó để bắt gặp hình ảnh người trẻ tụ tập trò chuyện, trên tay là thuốc lá điện tử với đủ hình dáng, màu sắc, chủng loại, đôi lúc lại phì phèo nhả khói. Dường như, thuốc lá điện tử đã thâm nhập sâu vào đời sống của lớp trẻ, trở thành một thói quen “độc hại”.

    x1

    Thuốc lá điện tử trở thành vật bất ly thân của nhiều bạn trẻ.

    Bạn H (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) biết đến và sử dụng thuốc lá điện tử đến nay đã được 4 năm. Từ những ngày đầu chỉ hút cho biết, hút cho bằng bạn bằng bè, giờ đây, thuốc lá điện tử đã trở thành vật bất ly thân của bạn. “Trung bình một ngày mình hít khoảng 100 hơi. Có những ngày căng thẳng, nhiều công việc dồn nén, mình lại càng sử dụng nhiều hơn. Mình biết sử dụng thuốc lá điện tử là không tốt cho sức khỏe, nhưng mình vẫn không thể ngừng được” H bộc bạch.

    x2

    Nhiều bạn trẻ biết thuốc lá điện tử độc hại nhưng vẫn sử dụng.

    Với H, thuốc lá điện tử giống như một phương thức để giải tỏa mệt mỏi. Còn với Đ.T (20 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội), hút thuốc lá điện tử chỉ đơn thuần để thể hiện bản thân là người sành điệu, trải đời. “Mình cảm thấy “ngầu” hơn khi cầm trên tay thuốc lá điện tử”.

    Không khó để lý giải vì sao người trẻ hiện nay lại thích sử dụng thuốc lá điện tử đến vậy. Đa dạng về chủng loại, hình dạng, màu sắc, mùi hương; sử dụng được lâu dài và đặc biệt là dễ mua bán, trao đổi. Khi lướt các trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Instagram… hàng loạt các trang cá nhân, hội nhóm bán thuốc lá điện từ mọc lên như nấm. Chỉ với một cú click chuột hay một tin nhắn, người sử dụng đã thành công thêm sản phẩm vào giỏ hàng.

    Sở dĩ những người kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử lựa chọn mạng xã hội để tác động trực tiếp, khơi gợi lên sự tò mò, hứng thú mua hàng của người trẻ bởi việc tiếp cận thông tin hay sử dụng các dịch vụ trên MXH của giới trẻ rất phổ biến. Dần dà, thuốc lá điện tử được đông đảo mọi người biết đến, sử dụng phổ biến hơn và ngày càng trẻ hóa đối tượng sử dụng.

    Dừng lại trước khi quá muộn

    Thuốc lá điện tử thậm chí đang có xu hướng xâm nhập vào các trường học nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên. Bốn học sinh Hà Nội nhập viện cấp cứu vì thuốc lá điện tử, Tám học sinh lớp 3 vào viện vì thuốc lá điện tử… Những ngày gần đây, liên tiếp có những trường hợp học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang, lo lắng.

    Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Đồng thời, Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển.

    Chị Nguyễn Thị P. (45 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) có con đang học cấp 3 chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lo lắng vì dạo gần đây liên tục xuất hiện các ca học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử. Tôi mong các trường học sẽ tăng cường các biện pháp để giáo dục, răn đe, giúp cho các con không sa đà vào thuốc lá điện tử”.

    Để ngăn chặn xu hướng trẻ hóa của người sử dụng thuốc lá điện tử như hiện nay, nhà trường và phụ huynh cần có sự phối kết hợp hiệu quả trong việc giáo dục học sinh. Nhà trường cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các buổi giảng dạy để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử. Đồng thời cần có những quy định hạn chế học sinh mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử. Đặc biệt, bản thân người trẻ cũng nên ý thức hơn về thuốc lá điện tử, đừng nên “biết hại sức khỏe nhưng vẫn sử dụng”.

    Phương Thảo

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuoc-la-dien-tu-biet-doc-hai-nhung-van-su-dung-a572305.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan