+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 14/2: Phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ cho cụ ông gần 100 tuổi

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/2/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/2/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ cho cụ ông gần 100 tuổi

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành ca phẫu thuật thành công lấy sỏi ống mật chủ cho nam bệnh nhân L.V.T (99 tuổi, trú tại ở xã Dương Huy, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).

    Gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi được đưa vào viện cấp cứu, người bệnh thấy mệt mỏi, sốt nóng từng cơn, buồn nôn và nôn mửa, đau tức hạ sườn. Khai thác tiền sử bệnh được biết, bệnh nhân từng mổ mở cắt túi mật cách đây 6 năm.

    Qua kiểm tra, bệnh nhân có da và mắt vàng, sốt cao 38-39 độ kéo dài, trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy đường mật trong ngoài gan giãn nhiều, ống mật chủ giãn 17mm, có nhiều sỏi xếp thành chuỗi viên lớn đường kính 15mm. Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mật do sỏi ống mật chủ và chỉ định phẫu thuật lấy sỏi mật.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 142 phau thuat lay soi ong mat chu cho cu ong gan 100 tuoi
    Sức khỏe cụ ông tiến triển tích cực sau ca phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Nhận định đây là bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp, nguy cơ xảy ra rủi ro trong - sau phẫu thuật cao, bác sĩ khoa Ngoại tiến hành hội chẩn các chuyên khoa để khám lâm sàng toàn thể, tầm soát các bệnh lý, tiên lượng trước nguy cơ để có phương án phẫu thuật đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh. Đặc biệt là khâu gây mê với các nguy cơ biến chứng cần phải được dự phòng đầy đủ.

    Theo bác sĩ Phạm Trung Đức – Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, người cao tuổi các chức năng cơ thể suy giảm dần theo thời gian nên việc đánh giá bệnh nhân trước, trong và sau mổ là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân T. tuổi đã cao, sốt kéo dài khiến cơ thể suy kiệt.

    Ở độ tuổi này, tim phổi hoạt động kém, chức năng hô hấp suy giảm nên trong suốt quá trình ca mổ diễn ra, kíp phẫu thuật theo dõi sát bệnh nhân, điều chỉnh liều mê phù hợp, giữ ấm thân nhiệt, cân bằng dịch truyền, máu và điện giải..., đảm bảo bệnh nhân ổn định để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương.

    Sau khi gây mê nội khí quản, phẫu thuật viên mở bụng kiểm tra phát hiện ổ bụng bệnh nhân dính nhiều, một phần dạ dày dính vào mặt dưới gan. Kíp mổ khéo léo bóc tách thấy ống mật chủ giãn to, trong có nhiều sỏi lớn, rồi tiến hành mở ống mật chủ lấy sỏi, bơm rửa kiểm tra đường mật thấy thông tốt, nội soi đường mật hết sỏi, đóng kín đường mật và vết mổ.

    Đại diện khoa Ngoại cho biết, vì người bệnh từng mổ cắt túi mật, nguy cơ chảy máu khó cầm nên các tổ chức bị dính liền mất đi giải phẫu thông thường. Kíp mổ phối hợp nội soi đường mật để đảm bảo hết sỏi và không cần dẫn lưu đường mật giúp người bệnh được hồi phục sớm mà không cần mang dẫn lưu dài ngày.

    Bên cạnh đó, bác sĩ quan tâm chăm sóc dinh dưỡng và vết mổ sau phẫu thuật để bệnh nhân mau bình phục. Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, vết mổ khô, liền tốt.

    Người đàn ông bị uốn ván nguy kịch chỉ vì vết thương nhỏ

    Theo VietNamNet, đại diện khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông tin thời gian qua đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân uốn ván nặng. Trong đó, điển hình là nam bệnh nhân 47 tuổi ở Bắc Ninh, nhập viện với chẩn đoán uốn ván mức độ nặng.

    Trước đó, vì bất cẩn trong lúc lao động, người bệnh bị vết thương nhỏ tại ngón 1 của bàn tay trái do bị lưỡi cưa cắt. Người bệnh chủ quan chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT).

    Sau 3 ngày, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, khít hàm, nói khó, khó nuốt, đau vùng gáy, lưng, bụng, bí tiểu, vết thương ngón 1 bàn tay trái có ít mủ và giả mạc. Người bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván ngoại khoa, tiên lượng rất nặng, phức tạp do có thời gian ủ bệnh ngắn.

    tin tuc doi song ngay 142 phau thuat lay soi ong mat chu cho cu ong gan 100 tuoi1
    Các bác sĩ điều trị, cấp cứu người bệnh bị uốn ván. Ảnh: VietNamNet

    Các bác sĩ đã xử trí vết thương tại chỗ, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT, kháng sinh chống vi khuẩn uốn ván, kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ và cơn co giật bằng thuốc. Sau 1 ngày điều trị, người bệnh có biểu hiện khó thở, tăng tiết đờm dãi nhiều, trương lực cơ toàn thân tăng, các cơn co giật gồng cứng toàn thân xuất hiện.

    Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, sau đó được mở khí quản để kiểm soát chức năng hô hấp. Đồng thời,  các bác sĩ tiếp tục điều chỉnh liều lượng thuốc an thần, giãn cơ chống co giật phù hợp với tình trạng bệnh.

    Sau 12 ngày thở máy, bệnh nhân đã cai được máy thở, tự thở oxy qua lỗ mở khí quản. Tình trạng tăng trương lực cơ giảm dần và cơn gồng cứng xuất hiện thưa dần, vết thương ngón tay đã liền miệng, khô, sạch. Bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện sau 1 tháng trong tình trạng tỉnh táo, tự thở, hết cơn co giật, tự ăn uống sinh hoạt như bình thường, không để lại di chứng.

    Chạy ECMO cứu bé 13 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp

    Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đơn vị vừa cứu sống bệnh nhi N.Q.B. (13 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang, tạm trú tại TP.HCM) bị viêm cơ tim tối cấp, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Bệnh nhi được Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM chuyển đến trong tình trạng viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim.

    Gia đình cho biết, bệnh nhi đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực ngày càng tăng nên vào cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị tím tái, nhịp tim rối loạn, huyết áp không đo được.

    Bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc cấp cứu, sốc điện nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Các bác sĩ trực cấp cứu nhanh chóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời kích hoạt báo động đỏ theo quy định để các bác sĩ trực khoa Tim Mạch thực hiện đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để duy trì sự sống cho bệnh nhi.

    Cùng lúc đó, đội ngũ trực Hồi sức tích cực - Chống độc tiến hành chuẩn bị thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để điều trị cho bệnh nhi. Bệnh viện cũng tiến hành hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục để bảo vệ não và điều trị tổn thương gan thận. Sau khoảng 15 phút, bệnh nhi từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch đã hồng hào trở lại nhưng vẫn có nhịp tim yếu và không đều trong suốt 1 tuần tiếp.

    tin tuc doi song ngay 142 phau thuat lay soi ong mat chu cho cu ong gan 100 tuoi2
    Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ECMO để điều trị cho bệnh nhi. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

    Sau gần 12 ngày điều trị với kỹ thuật ECMO và các biện pháp trợ tim, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, tình trạng bệnh lý của bệnh nhi dần dần được cải thiện. Ngày 6/2, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, bệnh nhi không cần tiếp tục dùng đến kỹ thuật ECMO và hồi phục. Hiện, bệnh nhi tỉnh táo, hồng hào, ăn uống được và dự kiến sẽ xuất viện vào cuối tuần.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-14-2-2023-phau-thuat-lay-soi-ong-mat-chu-cho-cu-ong-gan-100-tuoi-a565790.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan