+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2020: Suýt mù mắt do keo dán sắt văng vào

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 18/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 18/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Suýt mù mắt do keo dán sắt văng vào

    Bác sĩ Trần Việt Hùng xử trí cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

    Các bác sĩ bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ vừa xử trí cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.V.N. (69 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) bị keo 502 (keo dán sắt) văng vào mắt.

    Sáng 16/10, ông N. nhập viện trong tình trạng đau mắt, mắt không mở được, chảy nước mắt liên tục. Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng giác mạc, thực hiện gắp ra dị vật dài hơn 1mm do chất keo kết đông. Bác sĩ CKII Trần Việt Hùng cho biết, nếu bệnh nhân không đến BV điều trị kịp thời, mắt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể mất thị lực vĩnh viễn.

    Bệnh nhân N.V.N. kể trên báo Cần Thơ: “Tôi sử dụng keo dán sắt trong lúc sửa bản lề cửa tủ. Trong lúc đổ keo dán sắt ra, bóp mạnh chai keo nên chất lỏng văng vào mắt phải. Tôi cảm thấy khó chịu quá, vội đến viện cấp cứu”.

    Bác sĩ Trần Việt Hùng hướng dẫn cách thức sơ cứu tại nhà trước khi đến cơ sở y tế khi không may bị keo 502 hay hóa chất bắn vào mắt như sau: rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn (có thể để mắt dưới vòi nước máy để rửa hoặc vục mặt vào thau nước lớn để rửa), trừ trường hợp bỏng vôi sống phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt vì vôi sống gặp nước mắt sẽ sôi lên, gây bỏng nhiệt; sau đó, băng mắt nhẹ nhàng, không nên ép chặt và đến ngay BV chuyên khoa mắt, không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.

    Phòng bệnh hơn chữa bệnh, khi tiếp xúc với hóa chất, nên đeo kính bảo hộ. Người lao động nên lựa chọn một chiếc kính phù hợp với mắt để giảm ánh sáng trực tiếp và cản vật lạ bay vào mắt bất ngờ, gây tổn thương cho mắt.

    Cấp cứu thành công bệnh nhân bị khối u tim hiếm gặp

    Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi tại khoa hồi sức phẫu thuật tim. (Ảnh: TTXVN)

    Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công một bệnh nhân bị khối u rất to trong tim hiếm gặp, có biến chứng, nguy cơ đột tử cao.

    Bệnh nhân Lê Văn C. (SN 1957, ngụ tại quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) nhập viện cấp cứu tối 15/10 trong tình trạng mệt nhiều, khó thở.

    Kết quả siêu âm Doppler màu tim cho thấy bệnh nhân có khối u nhầy nhĩ trái bám vào vách liên nhĩ, rất di động, cản trở dòng máu qua van 2 lá, kích thước khối u lớn (60x40mm) gần như lấp đầy nhĩ trái, hở van ba lá 3.5/4, áp lực động mạch phổi tăng nặng 80mmHg.

    Ngoài ra, ngay trước giờ mổ bệnh nhân đột ngột lên cơn khó thở cấp, lâm sàng suy tim cấp với biểu hiện phù phổi cấp ho khạc bọt hồng, suy hô hấp, tím tái.

    Các bác sỹ vừa phải xử trí cấp cứu vừa gấp rút đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật tim khẩn cấp ngay trong đêm 15/10 với quy trình báo động đỏ nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chính. Tình trạng bệnh nhân lúc vào phòng phẫu thuật nguy kịch suy hô hấp nặng, huyết áp thấp phải dùng vận mạch.

    Ê-kíp do bác sỹ Chuyên khoa II Lâm Việt Triều và cộng sự tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Khối u tim dạng nhiều thùy rất dễ vỡ, cuống nhỏ bám vào vách liên nhĩ phía gần van hai lá, di động nhiều và chèn lấp hoàn toàn lỗ van hai lá.

    Sau 2 giờ 30 phút phẫu thuật căng thẳng, các bác sỹ đã bóc tách trọn vẹn khối u nhầy kèm cuống và xử trí các tổn thương phối hợp.

    Ngày 17/10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tích cực trong khu hồi sức phẫu thuật tim.

    Theo bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Việt Triều, u nhầy ở tim gây ra hậu quả về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong. Bản chất của u nhầy là loại u nhiều thùy, nhiều múi, với tổ chức mủn nát, rất dễ vỡ, gây tắc mạch ngoại vi.

    Tỷ lệ mắc bệnh rất hiếm, từ 3 đến 5/10.000, ở độ tuổi thường từ 30 - 50 tuổi. Các dấu hiệu ban đầu rất mơ hồ như ho, những cơn khó thở thoáng qua nên dễ khiến bệnh nhân chủ quan bỏ qua.

    Phẫu thuật tim là một phẫu thuật chuyên khoa sâu chỉ được thực hiện ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và trung tâm tim mạch lớn, đặc biệt là phẫu thuật tim cấp cứu 24/7 vì đòi hỏi trình độ chuyên môn và phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các chuyên khoa, máy móc kỹ thuật y tế hiện đại. Do đó, người dân cần duy trì khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát bệnh sớm.

    Ngay khi có các dấu hiệu như ho khạc ra nước hồng, đau thắt ngực thoáng qua, khó thở từng cơn... cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời, không tùy tiện tự ý uống thuốc sẽ làm nhiễu dấu hiệu bệnh, gây khó khăn cho các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh sớm.

    Bác sĩ dùng 2 kỹ thuật hiện đại cứu bé sơ sinh

    Bé sơ sinh được can thiệp ECMO và lọc máu liên tục. (Ảnh: Zing)

    Bé trai C.B.P.D., 4 ngày tuổi, ngụ tại Đồng Nai, được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng khó thở, tím tái, lơ mơ, hôn mê. Trước đó, trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ tại cơ sở y tế địa phương.

    Vừa chào đời, bé D. đột ngột tím tái, thở rên, rút lõm ngực nặng. Các bác sĩ phải hỗ trợ thở áp lực dương liên tục, dùng kháng sinh cho trẻ và lập tức chuyển viện.

    Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết kết quả xét nghiệm máu và X-quang cho thấy trẻ mắc bệnh tim phức tạp như chuyển gốc động mạch, thông liên thất nằm dưới van động mạch phổi, thiểu sản cung động mạch chủ.

    Bên cạnh đó, trẻ còn bị suy hô hấp nặng, nhiễm trùng sơ sinh. Các bác sĩ chỉ định mổ để sửa các bất thường ở tim cho bé.

    Một ngày sau mổ, sức khỏe của trẻ xấu dần, trụy mạch, phải sử nhiều loại thuốc vận mạch liều cao, tổn thương gan thận, vô niệu. Tình trạng này càng xấu hơn khi trẻ bị suy hô hấp khiến cơ thể tím tái, tim co bóp yếu.

    "Qua hội chẩn, chúng tôi đi đến quyết định can thiệp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cho trẻ. Song song đó, bệnh nhi được lọc máu liên tục để hỗ trợ gan và thận. Đây là giải pháp hợp lý nhất để giữ lại sự sống cho bé", bác sĩ Tiến chia sẻ trên Tri thức trực tuyến.

    Hệ thống ECMO giúp thay thế chức năng tim, chuyển máu từ hệ tuần hoàn đến và cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ. Nhờ kết hợp song song hai kỹ thuật hiện đại, sau 2 tuần, tình trạng trẻ cải thiện dần. Hiện trẻ được cai ECMO, tự thở khí trời, chức năng gan và thận bình thường.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-18102020-suyt-mu-mat-do-keo-dan-sat-vang-vao-a342962.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan