+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/12/2018: Nghịch dại trò người lớn, bé trai bị vỡ đại tràng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/12/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 22/12/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/12/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 22/12/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Nghịch dại trò người lớn, bé trai bị vỡ đại tràng

    Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai bệnh viện vừa cấp cứu thành công một trường hợp vỡ đại tràng, tràn khí màng phổi. Bệnh nhân là cháu N.V.T. (13 tuổi, tạm trú tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng khó thở, bụng căng cứng, hậu môn chảy máu, hai chân tím tái.

    Bé trai bị vỡ đại tràng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Nguồn: VOV.

    Người nhà bệnh nhân cho biết, nguyên nhân tai nạn là do trong lúc đùa nghịch, bạn của T. đã dùng máy thổi hơi làm sạch gỗ cho vào hậu môn của T. để thổi. Qua thăm khám kết hợp với kết quả siêu âm, chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị tràn khí màng phổi phải, vỡ đại tràng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.

    Ca mổ kéo dài 3 giờ, các bác sĩ tiến hành đặt dẫn lưu khoang phổi phải, mở ổ bụng để khâu lỗ thủng dài 6cm trên đại tràng, rửa ổ bụng dẫn lưu ra ngoài; quai ruột non được lấy ra làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Hiện bé trai đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang được theo dõi đặc biệt. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa khi bệnh nhi ổn định, các bác sĩ sẽ đóng hậu môn nhân tạo cho bé.

    Chia sẻ với Sức khỏe và đời sống, bác sĩ Phạm Anh Tuấn - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân nên quản lý chặt chẽ con em mình. Đối với những vật dụng nguy hiểm, công suất lớn nên cất cẩn thận, không để trẻ em lấy đùa nghịch gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc nên đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời để có hướng xử lý phù hợp.

    Chàng trai có chân cong như rễ cây đi lại được sau 28 năm

    Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phẫu thuật trả lại đôi chân cho một bệnh nhân đặc biệt. Bệnh nhân là anh Nguyễn Mạnh Hùng (28 tuổi ở Nam Định) suốt 28 năm qua phải đi lại như một con ếch vì đôi chân dị dạng cong queo như rễ cây.

    Bệnh nhân với đôi chân dị dạng khi chưa phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong

    Lúc mới chào đời, anh Hùng đã có đôi chân dị dạng, càng lớn độ cong của chân càng nặng khiến việc đi lại rất khó khăn. Muốn di chuyển anh phải dùng 2 tay để định hướng toàn thân, lúc anh di chuyển nhìn giống con ếch. Đi khám rất nhiều bệnh viện, thậm chí gặp cả chuyên gia người Mỹ mong có cơ hội đi lại được bình thường nhưng các bác sĩ đều lắc đầu trước căn bệnh kỳ quái mà anh Hùng mắc phải. Các bác sĩ thừa nhận, bệnh lý quá khó và chưa từng được mô tả trong y văn.

    Một hôm được bố chở xe máy đi có việc, Hùng bị tai nạn giao thông khiến gẫy hở phức tạp tại nhiều vị trí trên đôi chân tàn tật ấy. Ngày 8/4 Hùng được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đại tá, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc bệnh viện và các đồng nghiệp khi nhìn thấy đôi chân của Hùng đều không giấu được sự kinh ngạc vì một dị dạng phức tạp đến kỳ lạ và khó tin mà suốt cả hơn 30 năm làm nghề, họ chưa bao giờ nhìn thấy.

    GS. Nguyễn Thế Hoàng cho biết: “Hình ảnh X-quang cả hai chi dưới cho thấy toàn bộ hệ thống xương khớp ở vùng đùi, cẳng chân và bàn chân đều bị biến dạng cong vẹo và phức tạp theo nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau. Chiều dài xương hai bên là hoàn toàn khác biệt. Các cấu trúc phần mềm quan trọng để che phủ, nuôi dưỡng và bảo đảm hoạt động chức năng cho cả hai chân như: da, cân, cơ, gân, mạch máu và thần kinh cũng bị thay đổi hoàn toàn và tạo nên tình trạng chỗ căng chỗ chùng…”.

    Sau 8 tháng điều trị và trải qua 3 lần phẫu thuật, hiện giờ hai chân của bệnh nhân đã hoàn toàn bằng nhau. Vận động cảm giác của 2 bên chi thể được phẫu thuật đều rất tốt. Do có cảm giác tốt và đạt được sự cân bằng về chức năng vận động của các khối cơ gấp - duỗi và xoay trong xoay - ngoài cả hai chân nên bệnh nhân sẽ hoàn toàn có thể đi lại được như người bình thường. Hiện tại, do can xương còn chưa vững nên bệnh nhân cần được tập thêm hồi phục chức năng và cố định nẹp bột bổ sung. Các bác sĩ tin tưởng, chỉ sau 4-6 tháng nữa, bệnh nhân không những chỉ đi lại mà còn hoàn toàn có thể chạy nhảy trên chính đôi chân của mình giống như mọi người.

    Hai bé trai phải cắt tinh hoàn do chẩn đoán nhầm bệnh

    Vừa qua, Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đã tiếp nhận 2 trường hợp hai bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn trái là N.Th.K và N.V.K (13 tuổi). Đáng chú ý, hai em đều được chẩn đoán viêm tinh hoàn ở tuyến dưới và điều trị kháng sinh nhưng không đỡ.

    Ngay sau khi 2 bệnh nhân trên được chuyển tới Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - các bác sĩ chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3, bệnh nhân đã được chỉ định và tiến hành mổ cấp cứu.

    Khi mở ra tinh hoàn đã hoại tử tím đen do xoắn không có khả năng bảo tồn. Các bác sĩ Trung tâm Nam học đã tiến hành cắt tinh hoàn xoắn hoại tử và cố định tinh hoàn còn lại. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định và vừa xuất viện.

    Theo PGS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học - cho biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp, chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.

    Các bác sĩ Trung tâm Nam học tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Zing.vn

    Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức xung quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu, nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm đặc biệt trong 6 giờ đầu.

    Thông thường các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau nhói ở bìu nên nhớ rõ thời điểm đau. Khi khám lâm sàng, tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện. Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán tình trạng này bởi có dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, nguyên nhân dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.

    “Nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu. Bác sĩ các tuyến khi đứng trước một bệnh nhân đau đột ngột bìu cần chẩn đoán chính xác để tránh những hậu quả đáng tiếc như trên”, PGS Nguyễn Quang nhấn mạnh.

    Cứu người đàn ông bị chém đứt tĩnh mạch cổ

    Ngày 21/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết, tiếp nhận bệnh nhân T.V.L. (31 tuổi, quê ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long) trong tình trạng nguy kịch, vết chém tại vùng cổ trái kéo dài từ gáy đến tận góc hàm.

    Theo lời kể của người nhà, nạn nhân bị vết chém sâu bằng mã tấu trước khi vào viện. Êkip xác định vết chém làm đứt tĩnh mạch cảnh nên bệnh nhân sốc mất máu rất nặng, hôn mê, huyết áp không đo được… hôn mê do tình trạng sốc mất máu rất nặng…

    Bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện: Ảnh: Công Lý

    Ngay sau khám và hội chẩn liên khoa, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị vết chém tại vùng cổ dài hơn 20cm, đứt 3/4 tĩnh mạch cảnh, động mạch đốt sống bên trái. Vết chém làm lộ đốt sống cổ và đứt một số nhóm cơ quanh cổ. Toàn bộ êkip phẫu thuật vừa tiến hành hồi sức, vừa truyền máu, truyền dịch và phẫu thuật cấp cứu cùng lúc.

    Sau hơn 2,5 tiếng vừa hồi sức vừa phẫu thuật, ca mổ thành công. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định.

    Thu Hằng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-22122018-nghich-dai-tro-nguoi-lon-be-trai-bi-vo-dai-trang-a256082.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan