+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/3/2020: Hết trầm cảm nhờ nuôi cá sấu làm thú cưng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/3/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 25/3/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/3/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 25/3/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Hết trầm cảm nhờ nuôi cá sấu làm thú cưng

    Wally thường xuyên được chủ nhân ôm hôn, bồng bế.

    Một người đàn ông đến từ Pennsylvania (Mỹ) có mối liên hệ cảm xúc với chú cá sấu của mình đến nỗi nhờ nó mà thoát khỏi căn bệnh trầm cảm.

    Joie Henney là chủ sở hữu của một "đại gia đình" bò sát, từ những con thằn lằn râu rồng cho đến loài trăn hoàng gia. Thế nhưng có một sinh vật mà Joie đặc biệt yêu thích là chú cá sấu 4 tuổi Wally, con vật được ông coi như thú cưng.

    "Tôi đã trải qua giai đoạn trầm cảm thực sự và Wally đã đưa tôi ra khỏi đó. Nó chỉ liên tục âu yếm và ôm tôi. Mỗi khi tôi ngủ trưa và thức dậy, nó sẽ nằm trên đầu tôi.

    Bác sĩ từng muốn cho tôi uống thuốc chống trầm cảm nhưng tôi đã từ chối dùng. 30 ngày sau khi tôi đến gặp bác sĩ, cô ấy nói: "Chà, ông đã làm điều gì vậy? Ông đang làm rất tốt". Tôi nói rằng tôi chỉ chơi với Wally", ông Joie cho biết.

    Bác sĩ của ông cũng nói rằng sự thay đổi này là "không thể tin được" và tiếp tục gửi tới một lá thư nói rằng Wally chính là một động vật hỗ trợ cảm xúc. Bây giờ, chú cá sấu 4 tuổi đã có tất cả các tài liệu pháp lý cần thiết, bao gồm cả thẻ và chứng chỉ cho vai trò hỗ trợ cảm xúc của mình.

    Joie thừa nhận có một con cá sấu hỗ trợ cảm xúc được liên bang cấp phép là "hơi điên rồ" nhưng ông khẳng định rằng Wally đang tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc tại nhà của mình. Mặc dù thực tế, chú cá sấu 4 tuổi có khoảng 80 cái răng sắc như dao cạo nhưng Joie vẫn cho rằng Wally là con thú cưng hết sức "đáng yêu".

    "Nó khác hẳn hình tượng của một con cá sấu điển hình. Nó thích âu yếm, thích trao những nụ hôn, những cái ôm. Thật không thể tin được", Joie kể.

    Ngoài việc tự do đi lang thang trong nhà của Joie bên cạnh chú cá sấu đồng hành Scrappy, Wally còn thường xuyên được ra ngoài chơi. Với dây buộc chắc chắn, chú cá sấu 4 tuổi thường xuyên được đưa đi đạo trong công viên, đi bơi trên sông.

    Thỉnh thoảng, người chủ còn đưa Wally vào các nhà hàng địa phương. Với một lượng người hâm mộ hùng hậu, Joie cũng đưa Wally đến trường, đến các bữa tiệc sinh nhật, trung tâm mua sắm và các sự kiện khác.

    Uống thuốc chống sốt rét để phòng Covid-19, hai người thương vong

    Thuốc sốt rét còn chưa được khẳng định là thuốc điều trị hiệu quả đối với Covid-19 - Ảnh: Foxnews

    Một công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại nhiều bang của Mỹ ngày 23/3 thông báo một bệnh nhân của họ đã tử vong và người vợ đang trong tình trạng nguy kịch, sau khi hai vợ chồng dường như đã uống một loại thuốc chống sốt rét nhằm ngăn ngừa Covid-19.

    Thông tin cho biết, người đàn ông tử vong và vợ ông đang được chăm sóc đặc biệt, sau khi hai vợ chồng, cả hai đều ở độ tuổi 60, đã uống chloroquine phosphate, một thành phần trong thuốc chống sốt rét. Trong vòng ba mươi phút sau khi uống, cặp vợ chồng này đã trải qua những tác động tức thời và phải nhập viện gần nơi ở.

    Thông báo không nêu rõ vợ chồng nạn nhân đã được chẩn đoán mắc, hoặc chưa mắc Covid-19 trước khi uống loại thuốc này.

    Cho đến nay, thông tin về thuốc Hydroxychloroquine (thuốc sốt rét) và Azithromycin (kháng sinh) có thể phòng chống được bệnh Covid-19 khiến cả thế giới nháo nhác.

    Dù bán tín bán nghi, thì độ nguy hiểm chết người của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 vẫn khiến người nọ “rỉ tai” người kia về những loại thuốc có thể chữa được bệnh Covid-19. Và thông tin cũng "lây lan" theo cấp số nhân từ truyền miệng đến mạng xã hội, khiến thị trường dược phẩm bỗng dưng “nổi sóng”.

    Chloroquin trở thành hàng “nóng” được nhiều người lùng mua để tích trữ dự phòng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/3 đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đẩy nhanh quy trình cho phép dùng thuốc này để điều trị Covid-19. Tuy vậy, khi FDA còn tỏ ra thận trọng thì thị trường dược đã lập tức không còn cả Hydroxychloroquine và Azithromycin.

    Đề cập vấn đề này, ngày 22/3, tờ Times of India có câu trả lời khá đầy đủ cho câu hỏi liệu Chloroquine hay Azithromycin có thể là phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả?

    Theo đó, nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà khoa học Pháp đã cung cấp một tia hy vọng mới cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sự kết hợp giữa thuốc chống sốt rét và kháng sinh có thể là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nhưng là một tia hy vọng thôi chứ chưa được khẳng định là phương pháp điều trị có thể phổ biến ra cộng đồng. Kết quả sơ bộ của một thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên cho thấy, sự kết hợp giữa thuốc Chloroquine và Azithromycin có thể khá hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19.

    Trên thực tế, thử nghiệm mới chỉ được thực hiện trên một số ít bệnh nhân và đã cho kết quả tốt, khẳng định việc điều trị bệnh Covid-19 bằng Chloroquine có thể là một hướng nghiên cứu khả thi, làm giảm hoặc tiêu diệt số lượng virus chết người ở những người nhiễm bệnh và tác dụng của nó được củng cố thêm khi kết hợp với Azithromycin.

    Chloroquine là một loại thuốc uống được kê toa để điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ... Đây là loại thuốc tổng hợp, có độc tính, bắt buộc khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ nên người dân không được tự ý sử dụng. Còn Azithromycin được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm phế quản, viêm phổi.

    Theo các nhà chuyên môn, Chloroquine và Azithromycin có liên quan đến việc kéo dài khoảng QT (là khoảng thời gian cần thiết để tim tái cực), đây là một biện pháp để trì hoãn tái cực tâm thất. Trong quá trình này, cơ tim mất nhiều thời gian hơn bình thường để nạp lại giữa các nhịp đập. Vì vậy, việc sử dụng thuốc có thể sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như suy thận và gan.

    Điểm mấu chốt mà các nhà nghiên cứu muốn gửi đến thế giới vẫn là, phương pháp điều trị này thực sự hứa hẹn, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu và phê duyệt hơn trước khi thuốc được sử dụng rộng rãi cho cộng đồng.

    Tại Việt Nam, đã có một bệnh nhân bị ngộ độc do dùng thuốc chống sốt rét và phải nhập viện cấp cứu. Bộ Y tế Việt Nam cũng chưa có khuyến cáo dùng thuốc này để dự phòng Covid-19. Việc tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây nguy hại tới sức khỏe và tính mạng.

    Gần 100 công nhân cấp cứu sau khi ăn món chay tại công ty

    Gần 100 công nhân phải cấp cứu sau bữa ăn trưa - Ảnh: Tiền phong

    Khoảng 14h15, ngày 24/3, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tiếp nhận khoảng gần 100 người được đưa vào cấp cứu tình trạng đau bụng, nôn ói, chóng mặt nghi ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân được xác định là là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Kỳ Lợi (chuyên về may mặc, sản xuất túi xách) tại KCN Bàu Xéo thuộc huyện Trảng Bom.

    Bệnh viện Trảng Bom đã tiến hành truyền dịch, cho bệnh nhân uống thuốc, tiếp tục theo dõi sức khỏe.

    Bên cạnh đó, 19 người khác được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark. Những người này cũng có các triệu chứng nôn mửa, ói, đau bụng, mệt mỏi. Các y, bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, xét nghiệm, theo dõi mạch, huyết áp… Đến 17h cùng ngày, có 4 người đã hết nôn, ói và có thể xuất viện sau khoảng 1 tiếng, báo Đồng Nai đưa tin.

    Ngay khi sự việc trên xảy ra, Trung tâm y tế đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Đồng Nai và ngành chức năng huyện Trảng Bom đã đến làm việc với Công ty Kỳ Lợi, lấy mẫu thức ăn xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

    Bị cảnh sát "sờ gáy", nuốt luôn thẻ ngân hàng vừa trộm được

    Jose Herrera cố tình nuốt thẻ tín dụng khi bị cảnh sát phát hiện - Ảnh: Minh họa

    Jose Herrera, 27 tuổi, bị cảnh sát quận Cam thuộc bang Florida (Mỹ) bắt giữ hôm thứ Hai vừa qua (9/3), sau khi anh này bị bảo vệ công viên Disney bắt quả tang đang mua quà tặng và đồ trang sức tại một trung tâm mua sắm bên trong công viên, bằng thẻ ghi nợ được cho là bị lấy từ một người đã qua đời.

    Herrera bị cáo buộc đã cố gắng phi tang vật chứng, khi các nhân viên cảnh sát phát hiện ​​anh này đang cố gắng ăn tấm thẻ nhựa trước khi bị bắt giữ và thẩm vấn.

    Ở thời điểm bị bắt, người đàn ông này có mang theo một túi đựng bột trắng, thứ mà anh này thừa nhận là cocaine. Ngoài ra, Herrera còn khai đã dùng thẻ ghi nợ lấy cắp được để mua một voucher quà tặng trị giá 400 USD và một chai nước ngọt, trước khi cố gắng mua thêm một món trang sức trị giá 360 USD. Người này cũng được cho là đang sở hữu trái phép 13 thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng khác.

    Tổng cộng, Herrera bị cảnh sát quận Cam cáo buộc các tội danh tàng trữ ma túy, sở hữu trái phép thẻ tín dụng từ một người đã chết và khai báo sai với cơ quan thực thi pháp luật.

    Việc nhiều nghi phạm cố gắng phi tang vật chứng phạm tội của mình qua đường tiêu hóa vốn không phải là điều hiếm gặp. Vào tháng 9/2019, một nghi phạm liên quan đến vụ đâm dao tại Syracuse, New York bị phát hiện đã cố tình ăn chiếc áo của chính mình, sau khi các điều tra viên phát hiện có vết máu trên áo của người này trong một cuộc thẩm vấn.

    Quỳnh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-2532020-het-tram-cam-nho-nuoi-ca-sau-lam-thu-cung-a316710.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan