+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/11: Hà Nội ghi nhận trường hợp ho gà đầu tiên trong năm 2023

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/11/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 30/11/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Hà Nội ghi nhận trường hợp ho gà đầu tiên trong năm 2023

    Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ca ho gà đầu tiên trên địa bàn năm nay là bé gái sơ sinh 6 tuần tuổi, trú tại huyện Đan Phượng, khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn.

    Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Sau 3 ngày bệnh thuyên giảm, tới ngày thứ 4, gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phương Đông và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.

    Đến ngày 16/11, bệnh nhi có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy marsk, SpO2 tụt 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhi được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 30112023 ha noi ghi nhan truong hop ho ga dau tien trong nam 2023
    Bác sĩ cho biết tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân

    Được biết, ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.

    Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học…

    Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

    Theo khuyến cáo của bác sĩ, tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh ho gà hiệu quả.

    Phẫu thuật cứu 2 mẹ con sản phụ bị bong rau non thể nặng

    Theo VTC News, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cứu sống 2 mẹ con sản phụ bị rau bong non thể nặng.

    Trước đó, Bệnh viện sản Nhi Nghệ An tiếp nhận sản phụ N.T.H.Y (20 tuổi, trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An) mang thai 31 tuần trong tình trạng co cứng bụng liên tục, âm đạo ra máu loãng đỏ thẫm màu, không đông; da niêm mạc nhợt, tim thai thấp 70 lần/phút (trong khi chỉ số thông thường là 120-160 lần/phút), trương lực cơ tử cung tăng, âm đạo ra máu nhiều, máu cục lẫn máu đông.

    Sau khi khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu của rau bong non thể nặng – một cấp cứu tối khẩn đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con sản phụ nếu không được xử trí kịp thời.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 30112023 ha noi ghi nhan truong hop ho ga dau tien trong nam 20231
    Sức khỏe em bé đã ổn định, tăng cân ( đạt 1.570g), tự thở, ăn sữa qua sonde. Ảnh: VTC News

    Ngay lập tức, sản phụ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, đồng thời dự trù lượng máu để truyền trong quá trình phẫu thuật. Ca phẫu thuật lấy thai được tiến hành khẩn trương, dưới sự phối hợp của các bác sĩ khoa Sản, Gây mê hồi sức.

    Theo bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Dung - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, sau 20 phút, ca phẫu thuật đã thành công, bé gái nặng 1200g chào đời. Do sinh non, nhẹ cân, phản xạ sơ sinh yếu, nhiễm khuẩn, suy hô hấp, xuất huyết dưới da, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh đã tiến hành đặt ống nội khí quản cho trẻ ngay tại phòng sinh đồng thời chuyển về khoa theo dõi, điều trị.

    Sau mổ, sản phụ N.T.H.Y. được chuyển về khoa Hồi sức ngoại để tiếp tục theo dõi và điều trị. Nhờ được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, 2 mẹ con sản phụ Y. đã được cứu sống trong gang tấc. Hiện, sức khỏe em bé đã ổn định, tăng cân ( đạt 1.570g), tự thở, ăn sữa qua sonde.

    Gắp xương cá mắc kẹt trong sàn miệng cho bệnh nhân 84 tuổi

    VTV News đưa tin, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa phẫu thuật gắp chiếc xương cá có kích thước khoảng 25 mm từ sàn miệng bệnh nhân 84 tuổi, ở Thái Bình.

    Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước ngày vào viện 1 tuần, bệnh nhân có ăn cơm với cá và xuất hiện nuốt đau, nuốt vướng. Bệnh nhân đã cho tay vào móc họng và dùng mẹo nuốt miếng thức ăn to để xương trôi xuống nhưng tình trạng không cải thiện, nuốt đau tăng dần, ăn uống hạn chế.

    Sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám, chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ ghi nhận có dị vật tại sàn miệng của bệnh nhân.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 30112023 ha noi ghi nhan truong hop ho ga dau tien trong nam 20232
    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy dị vật cho bệnh nhân. Ảnh: VTV News

    Sau khi hội chẩn và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật mở cạnh cổ lấy dị vật sàn miệng cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, do dị vật "di động" nên gây khó khăn cho ekip khi xác định vị trí dị vật.

    Các bác sĩ đã đặt vào sàn miệng một chiếc kim, chụp lại hình ảnh cắt lớp vi tính và xác định được tương đối chính xác vị trí của xương cá theo vị trí chiếc kim. Chiếc xương sau đó được gắp ra có độ dài khoảng 25mm.

    XEM THÊM: Lấy lại vận động khớp cổ chân cho người đàn ông bị rắn cắn cách đây 20 năm

    ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ, hóc dị vật đường ăn xảy ra phổ biến trong sinh hoạt. Những dị vật, đặc biệt là xương cá, có thể "di dộng" do quá trình bệnh nhân nuốt. Làm mẹo dân gian khiến dị vật cắm sâu hơn hoặc di chuyển đến các vị trí khó tìm kiếm như sàn miệng, vùng cổ, da, tuyến giáp... Trên đường "di cư", xương cá có thể gây ra nhiều biến chứng, tổn thương.

    Do đó, cần can thiệp kịp thời vì khi xương cá di chuyển ra vùng cổ có chứa nhiều mạch máu lớn, nhất là động mạch cảnh, vừa gây tổn thương lớn cho người bệnh, vừa gây khó khăn cho công tác điều trị.

    Khi nghi ngờ bị hóc xương cá, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được điều trị kịp thời, tránh trường hợp dị vật "di động" ra các khu vực khác. Người dân không nên sử dụng những biện pháp dân gian vì dễ khiến cho trường hợp hóc xương trở nên phức tạp.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-30-11-2023-ha-noi-ghi-nhan-truong-hop-ho-ga-dau-tien-trong-nam-2023-a601601.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan