+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 21/4/2024: Báo động đỏ cứu cô gái bị thủng tim, phổi

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 21/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Báo động đỏ cứu cô gái bị thủng tim, phổi

    Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ ThS.BS CKII Trịnh Quốc Minh - Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu - Thần kinh Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ tại đây vừa kết hợp báo động đỏ với bệnh viện tuyến dưới cứu sống cô gái 26 tuổi bị thủng tim, phổi.

    Theo đó, trước khi nhập viện, chị H.T.T.L (26 tuổi) tự đâm vào ngực trái 2 vết thương khiến chảy máu nhiều. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện quận Tân Phú với tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu. Tại đây, các bác sĩ đã hồi sinh tim phổi và kích hoạt báo động đỏ với Bệnh viện Trưng Vương.

    Sau khi trao đổi nhanh, 2 bệnh viện quyết định chuyển khẩn bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu do tại đây có đủ các chuyên khoa và trang thiết bị để phẫu thuật.

    Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng huyết áp tụt, mê thở qua nội khí quản cùng 2 vết thương trên lồng ngực, cạnh trái xương ức với kích thước 2.5 x 2.5cm, chảy máu nhiều.

    Bệnh viện nhanh chóng tiếp tục kích hoạt báo động đỏ toàn viện gồm ekip trực cấp cứu, ngoại tổng hợp, ngoại - lồng ngực - mạch máu - thần kinh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... để tiếp nhận bệnh nhân. Đặc biệt, bác sĩ Trịnh Quốc Minh đang nghỉ phép cũng từ nhà nhanh chóng vào hỗ trợ phẫu thuật.

    Sau đó, bệnh nhân được chụp CT-scan ngực có cản quang để đánh giá tổn thương và được phẫu thuật khẩn cấp theo quy trình báo động đỏ.

    Người bệnh được chụp CT lồng ngực trước mổ, phát hiện nhiều vết thương phức tạp. Ảnh: Dân Trí

    Người bệnh được chụp CT lồng ngực trước mổ, phát hiện nhiều vết thương phức tạp. Ảnh: Dân Trí

    Tại phòng mổ, bệnh nhân được đặt dẫn lưu màng phổi trái đồng thời chẻ xương ức, bộc lộ buồng tim, thấy có máu đỏ sậm tại cuống tim, mở rộng màng ngoài tim thấy nhiều máu cục và vết thủng ở gốc động mạch phổi đang chảy máu.

    Ngay lập tức, ekip khâu động mạch phổi cầm máu và lấy máu cục trong khoang màng tim. Lúc này, huyết áp dao động rất thấp, các bác sĩ tiếp tục thám sát theo đường đâm ghi nhận vết thương đâm sâu giữa khoang liên sườn 3, rách màng xương của xương sườn số 3, đứt động mạch vú trong trái tiến hành khâu cột cầm máu.

    Quyết định vào ngực trái qua đường ngực trước cạnh xương ức nhưng không cắt xương ức dưới hỗ trợ của nội soi lấy ra khoảng 1kg máu cục và hút ra 1.5 lít máu đỏ sậm.

    Ekip tiếp tục thám sát thấy 2 lỗ thủng trên màng ngoài tim. Do đó, bác sĩ quyết định cắt phần phổi rách không điển hình bằng stapler cầm máu. Bệnh nhân hồi sức tích cực trong lúc mổ và được truyền tổng cộng 8 đơn vị máu. Hiện tại bệnh nhân đang hồi phục tốt, tỉnh táo, cử động linh hoạt và chuẩn bị xuất viện.

    Bác sĩ Minh cho biết, bệnh nhân có nhiều vết thương phức tạp, tổn thương nhiều cơ quan mạch máu lớn, mất hơn phân nửa lượng máu trong cơ thể và bị ngưng tim 1 lần. Tuy nhiên, bệnh nhân được hồi sức tích cực và phẫu thuật kịp thời thông qua quy trình kích hoạt báo động đỏ liên viện.

    "Nhờ quy trình kích hoạt báo động đỏ liên bệnh viện cũng như sự xử lý khẩn cấp, kịp thời của các nhân viên y tế trong kíp trực đã giành giật lại được mạng sống của bệnh nhân trong thế "ngàn cân treo sợi tóc", bác sĩ Minh chia sẻ.

    Uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc, 2 người đàn ông bị suy gan

    Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

    Trường hợp thứ nhất là ông N.N.D. (64 tuổi, ở Bắc Giang). Ông D. phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm. 3 năm gần đây, ông điều trị thuốc kháng virus. Tuy nhiên, 5 tháng trở lại đây, ông đã uống thuốc Nam điều trị viêm gan B.

    1 tháng trước, ông D. xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần nên đến cơ sở y tế điều trị. Sau 1 tuần, ông được xuất viện. Khi về nhà, ông D. thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo.

    Gia đình đưa bệnh nhân vào viện điều trị. Một ngày sau, ông D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ông D. nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán suy gan cấp - xơ gan - viêm gan B mạn.

    Dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, người đàn ông bị suy gan. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

    Dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, người đàn ông bị suy gan. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

    Trường hợp thứ hai là ông T.N.T. (64 tuổi, ở Hưng Yên). Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B, C, không uống rượu bia. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T. có uống thuốc Nam, thuốc Bắc (uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt).

    Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc Nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, thấy xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém, bệnh nhân đã nhập viện và được điều trị tại viện 2 tuần.

    Sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.

    Bác sĩ CKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích, suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường.

    Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như hội chứng não gan, bệnh nhân có thể hôn mê do gan, rồi có thể bị hội chứng gan thận tức là suy thận do gan. Nếu suy gan quá nặng, tiên lượng tử vong có thể lên tới 50 - 70%.

    Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi người dân uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc. Không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc.

    Nếu không may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng, phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Phát hiện cúm gia cầm H5N1 trong sữa động vật nhiễm bệnh

    Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, thông báo ngày 19/4 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện với nồng độ rất cao trong sữa nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh. Hiện tổ chức này vẫn chưa xác định rõ thời gian tồn tại lâu nhất của virus trong sữa.

    Cụ thể, chính quyền Mỹ hồi đầu tháng 4/2024 thông tin một người làm việc tại trang trại bò sữa ở Texas đang khỏi bệnh cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với gia súc.

    Bà Wenqing Zhang - người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO, chia sẻ đây là trường hợp đầu tiên người bị nhiễm cúm gia cầm từ bò và cũng là trường hợp thứ hai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 tại Mỹ.

    Bà Zhang quan ngại virus H5N1 đang tiến hóa để lây lan sang nhiều vật chủ khác, thay vì gia cầm như trước đây. Với tình hình chăn nuôi rất nhiều bò ở Mỹ hiện tại, bà quan ngại virus có thể lây lan mạnh ở động vật có vú.

    Ngoài ra, bà cho hay virus này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh với nồng độ rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang điều tra chính xác thời gian virus có thể tồn tại trong sữa.

    Virus H5N1 được phát hiện trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh với nồng độ rất cao. Ảnh minh họa: Unsplash

    Virus H5N1 được phát hiện trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh với nồng độ rất cao. Ảnh minh họa: Unsplash

    Dù vậy, quan chức y tế Texas khẳng định dịch bệnh ở gia súc không ra vấn đề cho nguồn cung cấp sữa thương mại do các nhà sản xuất sữa được yêu cầu tiêu hủy sữa từ những con bò bị bệnh. Ngoài ra, sữa cũng được thanh trùng để diệt virus.

    "Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng”, bà Zhang khuyến cáo.

    Cúm gia cầm A (H5N1) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus này lây lan giữa người với người.

    Theo bà Zhang, hiện nay, trong trường hợp xảy ra đại dịch, có gần 20 loại vaccine cúm được cấp phép sử dụng. Những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể đang lưu hành.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-21-4-2024-bao-ong-o-cuu-co-gai-bi-thung-tim-phoi-a415622.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan