+Aa-
    Zalo

    Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 28/7/2019: Chồng dùng điện bẫy chuột khiến vợ bị giật tử vong thương tâm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 28/7/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 28/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 28/7/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 28/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Cà Mau: Bẫy chuột bằng điện, người phụ nữ bị giật tử vong

    Gia đình ông Đồng đang chuẩn bị đám tang cho bà Ngân. Ảnh: Tiền Phong 

    Trưa nay (27/7), cơ quan chức năng ở Cà Mau đã bàn giao thi thể bà Nguyễn Thị Ngân (50 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cho gia đình lo hậu sự.

    Thông tin ban đầu, chiều 26/7, thấy ruộng lúa bị chuột cắn phá, ông Trương Văn Đồng (ở ấp 10, xã Nguyễn Phích) đã dùng dây chì bao quanh ruộng và kéo điện lưới truyền vào để bẫy chuột.

    Hôm sau bà Nguyễn Thị Ngân (50 tuổi, vợ ông Đồng) ra thăm ruộng lúa, thấy vợ đi lâu chưa về, ông Đồng đi tìm, phát hiện bà Ngân đã tử vong do bị vướng vào đường dây điện do mình mắc trước đó.

    Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích cho biết chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về sự nguy hiểm của việc sử dụng điện để bẫy chuột. Tuy nhiên, vẫn còn có người chủ quan trong việc sử dụng điện nên gây ra chuyện đau lòng.

    Hiện ông Đồng đang bị cảnh sát thẩm vấn để làm rõ hành vi Giết người.

    Hạn hán kéo dài ở miền Trung khiến nước sinh hoạt thiếu trầm trọng

    Hạn hán ở miền Trung kéo dài, ao hồ cạn trơ đáy, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Ảnh: Tuổi trẻ

    Theo tin từ VnExpress, tại Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay đã khiến mực nước trong các giếng đào, ao trữ nước, sông suối trên địa bàn xuống thấp, không còn khả năng cấp nước. Toàn tỉnh có hơn 2.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê.

    Tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), giếng nước của gần 400 hộ dân ở thôn Lạc Thắng chỉ còn đọng lại vài chục cm dưới đáy, người dây chỉ có thể chắt những gáo nước vàng đục làm nước uống cho gia súc, gia cầm.

    Tại Nghệ An, hạn hán cũng khiến hàng nghìn hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là các xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn và Yên Khê của huyện Con Cuông. Tại khu vực này, hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch gần hai tháng qua.

    Để nấu ăn và tắm giặt, hàng ngày người dân phải đi xe máy và mang can nhựa tới các sông, suối gần nhà chở nước về dù bị cảnh báo tình trạng bùng phát dịch bệnh do nước không đảm bảo vệ sinh.

    Tại Quảng Bình, mực nước tại các hồ chứa nước lớn của huyện Quảng Trạch như Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần chỉ đạt 17 đến 18%. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì hàng ngàn hộ dân của huyện Quảng Trạch phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

    Tại Quảng Nam, hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn thị trấn Trà My đang thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ngầm cạn kiệt. Nhiều người dân đã phải lên thượng nguồn các con suối để lấy nước về nhà. Nhưng trong mùa khô hạn, lượng nước không đủ nên thượng nguồn và hạ du đều thiếu nước; có những hộ đã phải mua nước sạch để dùng tạm qua ngày.

    Bên cạnh hạn hán, người dân miền Trung còn đang phải đối phó với tình trạng nhiễm mặn.

    Tuổi trẻ đưa tin cho biết, tại khu vực cánh đồng lúa thuộc trạm bơm 3/2 xã Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), mấy ngày qua, người dân ở đây đã cùng nhau dựng một bờ đê bằng bao cát ngay trước trạm bơm để ngăn nước mặn từ sông Thu Bồn tràn vào.

    Toàn bộ 7 trụ bơm tại trạm bơm điện 19/5 tưới tiêu cho gần 500ha lúa của ba xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy An (Duy Xuyên) nửa tháng nay không thể hoạt động do nước mặn từ biển Cửa Đại tràn sâu vào thượng lưu sông Thu Bồn gây ra ngập mặn nặng.

    Tại các huyện dọc sông Thu Bồn như Điện Bàn, độ xâm nhập mặn cũng gấp tới 12-13 lần so với mức cho phép.

    Tại Hội An, nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng nề đã khiến việc cấp nước ngọt cho phố cổ Hội An đình trệ. Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (Hội An) - cho biết 70% người dân xã này bị thiếu nước sinh hoạt suốt hai tháng qua.

    Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng được du khách than thở trên các trang mạng chuyên về tour du lịch tại Hội An và các diễn đàn Facebook. Chủ các cơ sở kinh doanh du lịch ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu cho biết nước khan hiếm khiến việc kinh doanh bị đình trệ. Nhiều cơ sở lưu trú phải tạm ngưng phục vụ.

    Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, hiện nay, dòng chảy trên các sông thuộc khu vực miền Trung đang thiếu hụt khá nhiều, khoảng 35 đến 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Thậm chí, nhiều sông còn thiếu hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)… Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.

    Còn các hồ thủy lợi đang ở mức khoảng 30 – 60% dung tích thiết kế; các hồ thủy điện rất nhiều hồ xuống mức thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 15 – 20m như là hồ Ao Vương (Quảng Nam)… Đặc biệt, một số hồ đã xuống mực nước dưới mực nước chết như là hồ Trung Sơn (Thanh Hóa); hồ Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam); hồ Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5 (Bình Định). Tình hình dòng chảy các sông mà mực nước các hồ xuống thấp khiến cho việc hỗ trợ cung cấp nước ở khu vực này khá hạn chế.

    Trước tình hình mưa, dòng chảy thiếu hụt và hạn hán đang diễn ra khá gay gắt ở miền Trung, Tổng cục Khí tượng thủy văn đề nghị các cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai cập nhật thường xuyên những thông tin nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung để có những giải pháp kịp thời ứng phó.

    Điều tra vụ hành khách hạng thương gia say xỉn, sàm sỡ thiếu nữ trên máy bay

    Nhân viên hàng không yêu cầu nam hành khách say xỉn, có hành vi sàm sỡ với nữ hành khách rời khỏi máy bay. Ảnh: Giao Thông

    Theo báo Giao Thông, chiều 26/7, cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines đã quyết định từ chối phục vụ một nam hành khách say xỉn, có hành vi quấy rối hành khách khác.

    Nữ hành khách trẻ tuổi bị quấy rối còn chưa hết bức xúc kể lại: “Em vừa ngồi xuống ghế được vài phút thì chú ấy đi qua. Bất ngờ em thấy chú ấy sờ vào vai em rồi lần dần xuống phía sườn. Quá hốt hoảng, phải mất vài giây em mới định thần và nói to: Chú làm cái gì đấy”, nữ hành khách nói và cho biết thêm: Vị khách kia lúc đó trông có vẻ đã say rượu, vẫn cười và luôn mồm nói: Chú có làm gì đâu".

    “Rất may, ngay lúc đó, tiếp viên trưởng chuyến bay đã xuất hiện. Nhanh chóng nhận định tình hình, tiếp viên trưởng hỏi vị khách kia là có phải đang say không và ông ta đã thừa nhận. Sau đó, chị trấn an em và cho biết sẽ báo cáo cơ trưởng chuyến bay về vụ việc”, nữ hành khách chia sẻ.

    Được biết cơ trưởng chuyến bay sau đó quyết định từ chối phục vụ nam hành khách này. An ninh sân bay và nhân viên phục vụ mặt đất cũng có mặt và yêu cầu vị này ra khỏi tàu bay.

    Trong một sự việc khác liên quan, báo Công Lý đưa tin, cũng trong chiều 26/7, trên chuyến bay QH1414 của Bamboo Airways từ Nha Trang đi Hà Nội, một hành khách nam bất ngờ mở cửa thoát hiểm số 3 ngay trước khi máy bay cất cánh.

    Sự cố khiến chuyến bay bị chậm giờ khởi hành để xử lý các vấn đề liên quan, và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hành khách khác trên chuyến bay. Một số chuyến bay sau của Bamboo Airways bị ảnh hưởng dây chuyền từ sự cố này.

    Hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

    Theo nghị định số 147 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay trái quy định sẽ bị phạt mức tiền tối đa 20 triệu đồng.

    Hoàn tất công trình nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết tại Việt Nam

    Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, Việt Nam vừa hoàn tất công trình nghiên cứu Dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vắc-xin mới ngừa sốt xuất huyết (SXH), với 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). Kết quả thử nghiệm thành công ngoài mong đợi và toàn bộ trẻ tham gia vào chương trình đều an toàn, không tai biến.

    Trao đổi với TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết do Công ty Sanofi Pasteur tài trợ, cho biết: Vắc-xin sốt xuất huyết Dengvaxia của Sanofi Pasteur được bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả.

    Đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện trên 10.275 trẻ từ 2 đến 14 tuổi. Còn tại 5 quốc gia châu Mỹ gồm Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico được thực hiện nghiên cứu trên 20.986 trẻ từ 9 đến 16 tuổi.

    Ở Việt Nam, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (1.402 trẻ) và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (934 trẻ).

    Kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ cho thấy, vắc-xin Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở cá thể 9 đến 16 tuổi có xác định nhiễm sốt xuất huyết trước đó. “Ở Việt Nam, toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin đều an toàn, không xảy tai biến”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu xác nhận.

    Đến ngày 12/12/2018, có 31 quốc gia châu Âu gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Na Uy… cấp phép cho lưu hành vắc-xin Dengvaxia.Dựa trên kết quả nghiên cứu, công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký lưu hành vắc-xin Dengvaxia ở nhiều nước trên thế giới. Vắc-xin này này được chỉ định để phòng chống bệnh sốt xuất huyết do 4 type huyết thanh của vi-rút sốt xuất huyết gây ra. Đến tháng 11/2018, vắc-xin Dengvaxia đã được cấp phép ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Mexico, Philippines, Brazil, Peru, Costa Rica, Venezuela, Indonesia, Bolivia, Campuchia, Thái Lan, Guatemala, Paraguay, Malaysia, Singapore...

    Ngày 1/5/2019 vừa qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) cấp phép lưu hành vắc-xin Dengvaxia tại Hoa Kỳ. Như vậy, đã có 54 quốc gia trên thế giới cấp phép cho lưu hành vắc-xin Dengvaxia.

    Riêng tại Việt Nam, hiện nhóm nghiên cứu đã trình kết quả nghiên cứu lên Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) chờ nghiệm thu và cấp phép.

    Cũng theo Phó Giáo sư Trần Ngọc Hữu, việc Việt Nam tham gia nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết là cơ sở khoa học để người dân có cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

    Ngoài ra, khi vắc-xin được cấp phép lưu hành ở Việt Nam, Sanofi Pasteur cam kết ưu tiên cung ứng vắc-xin sốt xuất huyết cho Việt Nam với giá cả phải chăng nhất.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-thoi-su-moi-nong-nhat-hom-nay-2872019-chong-dung-dien-bay-chuot-khien-vo-bi-giat-tu-vong-thuong-tam-a286163.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan