+Aa-
    Zalo

    Tin tức Ukraine mới nhất ngày 4/11: Quan chức Kherson nói quân đội Nga có khả năng rút khỏi bờ Tây sông Dnipro

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 4/11/2022. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 4/11/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Quan chức Kherson nói quân đội Nga có khả năng rút khỏi bờ Tây sông Dnipro

    Một quan chức do Nga chỉ định ở vùng Kherson (miền Nam Ukraine) ngày 3/11 cho biết lực lượng nước này có khả năng sẽ rời bờ Tây sông Dnipro, nơi công dân đã được sơ tán trong những tuần gần đây.

    “Nhiều khả năng các đơn vị của chúng tôi, những người lính của chúng tôi, sẽ đến tả ngạn sông Dnipro (bờ Đông)”, ông Kirill Stremousov – phó lãnh đạo chính quyền Kherson cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Solovyov Live.

    Theo Reuters, thiệt hại đối với các tuyến cầu vượt sông sẽ khiến các đơn vị Nga đối mặt với nguy cơ bị quân đội Ukraine dồn ép. Tuy nhiên, quân đội Ukraine ở chiến tuyến hồi tuần trước tiết lộ họ không thấy bằng chứng nào cho thấy lực lượng Nga đang rút lui. Thay vào đó, Nga được cho là đang củng cố các cứ điểm của mình.

    tin tuc ukraine
    Người dân sơ tán khỏi Kherson hôm 31/10. Ảnh: Reuters

    Ông Stremousov kêu gọi những thường dân còn lại ở thành phố Kherson (bờ Tây sông Dnipro) rời đi ngay lập tức, nói rằng họ đang mạo hiểm tính mạng của mình.

    Tháng trước, Mátxcơva tuyên bố sáp nhập các vùng Kherson, Zaporozhye và 2 nước cộng hòa tự xưng Lugansk, Donetsk dù chưa kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này. Ukraine và phương Tây khẳng định sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý cũng như việc sáp nhập của Nga.

    Cách đây vài tuần, Nga đã ra lệnh sơ tán dân thường ra khỏi khu vực mà nước này kiểm soát ở bờ Tây sông Dnipro. Ngày 1/11, các quan chức địa phương cho biết lệnh sơ tán sẽ được mở rộng đến vùng đệm rộng 15km dọc theo bờ phía Đông con sông, bao gồm bảy thị trấn.

    Chính quyền Ukraine nói rằng các cuộc sơ tán bao gồm cả việc bắt buộc người dân rời khỏi “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” – bị coi là một tội ác chiến tranh. Trong khi đó, Nga khẳng định chỉ muốn đưa dân thường đến nơi an toàn vì nguy cơ Ukraine sử dụng vũ khí trái phép.

    Giải thích về quyết định tiếp tục sơ tán cư dân, ông Vladimir Saldo – người đứng đầu tỉnh Kherson viện dẫn “khả năng chính quyền Ukraine sử dụng các phương thức chiến đấu bị cấm hoặc chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa lớn vào nhà máy thủy điện Kakhovka, khiến vùng Kherson ngập lụt”. Kiev bác bỏ cáo buộc này.

    Cửa sông Dnipro rộng lớn đã trở thành một trong những trận địa khắc nghiệt nhất thời gian gần đây, khi các lực lượng Ukraine đang nỗ lực đẩy lùi quân đội Nga khỏi bờ Tây. Nga có hàng nghìn quân ở đó và đang cố gắng tiếp viện cho khu vực này. Bước tiến của Ukraine đã chậm lại trong những ngày gần đây, do thời tiết và địa hình hiểm trở hơn.

    Ukraine liên tục nhận được hỗ trợ quân sự

    Trong những ngày qua, Ukraine tiếp tục nhận được trang thiết bị quân sự từ các nước như Mỹ, Ba Lan…

    Trong đó, Ba Lan sẽ lắp đặt tên lửa SCALP chiến thuật có tầm bắn 300 km trên một trong các máy bay ném bom Su-24 của Ukraine. Việc tích hợp tên lửa SCALP của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra trong tương lai gần, vì đã có cơ sở cho rằng việc trang bị vũ khí như vậy trên máy bay ném bom của Liên Xô là hoàn toàn có thể.

    Trên thực tế, tên lửa SCALP sẽ trở thành vũ khí tầm xa nhất của quân đội Ukraine. Tên lửa hành trình chiến thuật SCALP gây nguy hiểm đặc biệt vì sức công phá cũng như tầm bắn, cùng với đó có tính đến vùng trời do Ukraine kiểm soát, cho phép tên lửa có thể vươn tới hầu hết mọi điểm trên lãnh thổ Crimea với một số nơi của các trung tâm khu vực ở miền Tây nước Nga.

    “Ba Lan đang tích hợp máy bay ném bom Su-24 của Liên Xô với tên lửa SCALP của NATO. Quân đội Ba Lan đang chờ đợi sự xuất hiện của máy bay ném bom Su-24M đầu tiên của lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine.

    Các chuyên gia có kế hoạch đảm bảo sự tích hợp của hàng không Ukraine với các tên lửa tiêu chuẩn của NATO. Đồng minh thân cận nhất của Ukraine có 2 nhà máy sửa chữa máy bay lớn hoạt động với vũ khí của phương Tây.

    Đây là các nhà máy quân sự hàng không WZL ở Warsaw và Bydgoszcz, cũng như Nhà máy Hàng không Nhà nước PZL ở Mielec, bên cạnh sân bay quân sự Rzeszow”, báo cáo của Military Monitoring. 

    Trước đó, Nga tuyên bố sẽ coi việc chuyển giao tên lửa có tầm bắn xa hơn cho Ukraine so với thời điểm hiện tại là vi phạm "lằn ranh đỏ" được chỉ định, nhưng dường như NATO đã phớt lờ điều này.

    Ngoài ra, Mỹ chính thức thông báo rằng Ukraine đã nhận được 38 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) HIMARS từ nước này. Con số này nhiều gấp rưỡi số lượng vũ khí được công bố chính thức, tính đến 11 hệ thống rocket phóng loạt M270 MLRS được cung cấp từ Anh và Italia, cũng như 5 hệ thống tên lửa MARS II do Đức cung cấp cho Ukraine.

    Báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tính đến ngày 14/10, Ukraine đã nhận được 38 HIMARS MLRS, và đến cuối năm nay, rất có thể sẽ được cung cấp thêm MLRS (dự trữ của Mỹ là khoảng 50 chiếc).

    Trước đó, có thông tin cho rằng, theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu xuất hiện HIMARS MLRS ở Ukraine, ít nhất 13 bệ phóng đã bị bắn trúng.

    Minh Hạnh (T/h) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-ukraine-moi-nhat-ngay-4-11-2022-quan-chuc-kherson-noi-quan-doi-nga-co-kha-nang-rut-khoi-bo-tay-song-dnipro-a556303.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan