+Aa-
    Zalo

    Tình đẹp như mơ của cặp "vận động viên vàng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Anh bị cụt một tay, chị bị liệt mất một chân, nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, họ còn là những vận động viên xuất sắc của nền thể thao VN.

    (ĐSPL) – Không may mắn được lành lặn như người bình thường, anh bị cụt một tay, chị bị liệt mất một chân. Họ đến với nhau và vượt lên nỗi bất hạnh của cuộc đời, đem hạnh phúc đến cho nhau, nâng đỡ nhau đi qua mọi nghịch cảnh. Không những thế, họ còn là những vận động viên xuất sắc của nền thể thao Việt Nam.

    Cặp vợ chồng đặc biệt chúng tôi muốn nói tới là anh Hồ Xuân Phi (SN 1984) và chị Hồ Thị Thị Lành (SN 1987) ở bản Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị).

    Hai “vận động viên vàng” của thể thao nước nhà

    Một ngày đầu tháng 10/2014, chúng tôi tìm đến huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) để gặp vợ chồng anh Hồ Xuân Phi và chị Hồ Thị Lành. Mặc dù đã cuối thu, nhưng cái nóng của huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị vẫn như đổ lửa.

    Ở vùng quê này, mỗi khi nhắc đến vợ chồng anh Phi, từ người già hay trẻ nhỏ đều biết. Dù cả hai vợ chồng không ai lành lặn nhưng lại là những vận động viên thể thao xuất sắc của tỉnh, quốc gia. Đó cũng là tấm gương sáng được bà con trong bản lấy làm niềm tự hào.

    Căn nhà của vợ chồng anh Phi khá tuềnh toàng, ngoài những vật dụng hằng ngày, quý giá nhất là hàng chục tấm huy chương thể thao được treo ở chỗ trân trọng nhất. Nhờ sự bảo quản cẩn thận của hai chủ nhân, những chứng nhận danh giá này dường như không bị bụi thời gian phủ mờ.

    Tình đẹp như mơ của đôi vợ chồng ba chân, ba tay nơi bản nghèo
    Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng anh Hồ Xuân Phi.

    Nói về nguồn cơn của chiếc tay bị cụt, anh Phi kể, dịp hè năm anh 13 tuổi, trên đường đi nhặt phế liệu, Phi phát hiện 1 quả đạn nhỏ. Cậu bé dại dột cầm một cục đá nhỏ gõ lên quả đạn chơi. Vật cứng đen xì ấy bất ngờ phát nổ, khiến Phi ngã té người, không biết trời đất gì nữa. Tỉnh dậy, cậu thấy bàn tay phải của mình đã nát, máu chảy rất nhiều. Nhà nghèo, bố mẹ Phi lại không hiểu biết nhiều, họ đưa cậu đến thầy lang trong bản để... thổi (một cách chữa bệnh thông dụng ở vùng cao - PV) cho mau khỏi bệnh. Hậu quả là sau nhiều ngày đau buốt, cánh tay phải ngày nào của Phi chỉ còn trơ lại một cùi chỏ.

    Còn vợ của Phi, chị Hồ Thị Lành vốn là cô gái Vân Kiều đẹp người, đẹp nết ở bản Giai, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Mới sinh ra, Lành bụ bẫm lắm, nhưng được vài tháng thì bỗng nhiên bị sốt cao, người gầy gò, ốm yếu, suy dinh dưỡng. Hồi đó, gia đình cũng thuộc diện nghèo nhất vùng, bệnh viện lại xa nên bệnh tình cô bé ngày một nặng hơn. Cho đến khi bố mẹ đưa được lên bệnh viện tỉnh Quảng Trị khám, bác sĩ bảo Lành đã bị tàn phế vĩnh viễn.

    Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Lành không oán trách bố mẹ mà chịu khó vận động tập đi bằng nạng gỗ, phụ giúp bố mẹ những việc lặt vặt. Đến tuổi đi học, Lành cũng muốn được giống các bạn cắp sách đến trường. Được bố mẹ đồng ý cho đi tìm “cái chữ”, Lành đã phải nỗ lực rất nhiều. Cha mẹ không có thời gian đưa Lành đến trường, chị phải tự di chuyển bằng cách bò và lết. Thỉnh thoảng Lành cũng được bạn bè dìu đi học. Cực khổ vậy, thế mà chị cũng vượt qua 12 năm học với thứ hạng cao ở trường, được cô thầy, bè bạn ca tụng, cảm phục.

    “Thương mẹ, tôi biết mình không thể ngồi yên vậy để nhìn cuộc sống trôi qua trong sự nghèo khó, tạm bợ. Và hình như ông trời đã nghe thấu lòng mình, tôi tình cờ được giới thiệu tham gia vào đoàn thể thao người khuyết tật của huyện Hướng Hóa năm 2005. Đáp lại những ngày tập luyện vất vả là những tấm huy chương vàng các cấp ở cả ba môn ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Từ thành viên của Đội thể thao người khuyết tật cấp huyện, tôi được nhận vào đội tuyển của tỉnh và tham gia các đại hội thể thao người khuyết tật cấp quốc gia”, chị Lành chia sẻ.

    Hồ Xuân Phi cũng sớm bén duyên với nghiệp thể thao. Anh là người thích thể thao từ thuở bé, đặc biệt với hai môn nhảy cao và nhảy xa. Mặc dù cánh tay phải đã tàn phế nhưng đôi chân của Phi lại khỏe như con thú trong rừng. Năm 20 tuổi, anh quyết định tham gia vào đội tuyển thể thao người khuyết tật của huyện Đakrông. Một năm sau, Phi giành được 3 huy chương trong đại hội Thể thao người khuyết tật huyện Đakrông và đó cũng là món quà tinh thần lớn nhất của cá nhân anh.

    Tình đẹp như mơ của đôi vợ chồng ba chân, ba tay nơi bản nghèo
    Tình đẹp như mơ của đôi vợ chồng ba chân, ba tay nơi bản nghèo

    “Những ngày đầu đến với các môn thể thao quả thật rất khó khăn. Cánh tay phải chỉ còn một khúc, khiến tôi khó lấy được thăng bằng trong các môn nhảy xa và nhảy cao. Mỗi lần tập luyện là tôi lại bị ngã liên tục. Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến gia đình tôi lại đứng lên để tập luyện tiếp. Khi đã lấy được thăng bằng, tôi phấn đấu nâng dần độ cao của xà và phát triển chiều dài trong môn nhảy xa. Mặc dù nhiều khó khăn, gian khổ nhưng tôi luôn tự nhủ bản thân là phải cố gắng, không được bỏ cuộc giữa chừng. Chơi thể thao giỏi cũng là cách để khẳng định bản thân và trở thành người có ích cho cho xã hội. Sau đó tôi đã được mời đi tham gia các phong trào thể thao của tỉnh nhà, quốc gia”, Hồ Xuân Phi cho biết.

    Cuộc tình đẹp của cặp vợ chồng khuyết tật

    Cũng trong cuộc hạnh ngộ với thể thao, Phi đã gặp được một nửa của đời mình, chính là cô gái Hồ Thị Lành, một nữ vận động viên khuyết tật. Nhờ thể thao mà hai trái tim đồng điệu đến được với nhau. Và chính niềm đam mê thể thao trở thành “bà mối mát tay” giúp hai người con Vân Kiều ở cách xa nhau tận 50km nên duyên vợ chồng.

    Chính trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, lại thấy được sự đồng cảm, giúp đỡ nhiệt tình từ bạn gái, anh Phi đã đem lòng mến phục trước sự quan tâm, động viên của Lành dành cho mình. Sự cảm phục của anh càng lớn dần theo thời gian. Từ đó, Phi đã đem lòng thương yêu người con gái cùng cảnh ngộ. Sau 2 năm tìm hiểu, tình yêu của họ đã đi đến cái kết có hậu bằng một đám cưới diễn ra vào năm 2009. Cô gái của bản Giai ngày nào giờ chính thức làm dâu nơi bản Khe Van.

    Đến nay, họ đã có với nhau một cô con gái 4 tuổi và sống rất hạnh phúc. “Tính từ ngày lấy nhau đến nay, hai vợ chồng tôi đã có 18 huy chương cấp quốc gia. Còn cấp tỉnh thì nhiều lắm, tính không hết. Các môn chủ lực mà chúng tôi chơi là nhảy xa, đẩy tạ, ném lao, ném đĩa và xe lăn. Vừa qua, trong Hội thao người khuyết tật toàn quốc năm 2014, vợ tôi đã giành 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng ở các nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Trước đó, năm 2012, cô ấy cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen ghi nhận những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, học tập và trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao”, anh Phi không giấu được niềm hạnh phúc.

    Niềm tự hào của dân bản

    Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Thin, Trưởng bản Khe Van cho biết: “Vợ chồng anh Phi, chị Lành là niềm tự hào của cả bản chúng tôi. Không chỉ cống hiến nhiều thành tích cho tỉnh nhà, gia đình anh Phi còn là gia đình văn hóa, sống rất hòa thuận, chịu khó làm ăn, có nghĩa tình với bà con trong bản. Nhờ tấm gương sáng của vợ chồng anh Phi mà nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Không những thế, nhiều thanh niên, trẻ nhỏ trong bản đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội, ai nấy đều cố gắng làm ăn kinh tế, đóng góp tích cực cho thôn bản".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-dep-nhu-mo-cua-cap-van-dong-vien-vang-a55368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan