+Aa-
    Zalo

    Trà Ngọc Hằng diện áo dài, khoe tài hát xẩm cùng con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những người yêu xẩm cũng khá xúc động và bất ngờ khi con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu xuất hiện trong đêm "Xâm và đời" và tái hiện lại hình ảnh của cụ ngày nào.

    (ĐSPL) - Những người yêu xẩm cũng khá xúc động và bất ngờ khi con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu, chị Nguyễn Thị Mận đã tái hiện khá sâu sắc dáng dấp nghệ nhân Hà Thị Cầu ngày nào với bài xẩm nổi tiếng “Ơn Đảng trọn đời” và cùng những nghệ nhân Xẩm khác mang tới những phút giây sâu lắng cho khán giả.

    Tối qua (20/1), đêm diễn “Xẩm và đời” vinh danh nghệ thuật Xẩm tại Nhà hát lớn đã diễn ra thành công, rất nhiều bất ngờ khi vé của chương trình hết sạch từ trước đó và khán giả đã tới đầy chật khán phòng, ở lại cùng chương trình đến phút cuối cùng.

    Bên ngoài Nhà hát lớn, từ buổi chiều đã có rất nhiều khán giả đứng ngóng trông có thể mua được một tấm vé để vào xem xẩm, họ đợi đến tận khi cánh cửa Nhà hát lớn khép lại để bắt đầu buổi diễn mà không thể mua được vé xem mới chịu ra về… Những tấm lòng như thế đã khiến các nghệ sĩ vô cùng xúc động. Điều này chính những người làm “phe vé” cũng bất ngờ, họ không tưởng tượng được có nhiều khán giả đam mê xẩm đến vậy. Tình cảm, những tràng pháo tay của khán giả đã là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với các nghệ sĩ âm thầm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm.

    Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng có mặt trong đêm "Xẩm và đời".

    Tới tham dự cổ vũ cho chương trình đặc biệt có Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Vương Duy Biên, GS- Anh hùng lao động Vũ Khiêu, Thiếu tướng- nhà văn Hữu Ước, GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh, GS TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học VN… cùng nhiều học giả, doanh nhân khác.

    Cũng rất bất ngờ khi đêm diễn có một vị khán giả đặc biệt là Giám đốc khu vực châu Á của CLB Manchester City, ông Stephan Cieplik. Khi tới Việt Nam công tác, được biết có đêm diễn, ông Stephan Cieplik đã nhất định dành thời gian tới tham dự. Chia sẻ sau đêm diễn, ông bày tỏ sự thú vị đặc biệt với hát xẩm và nói mặc dù không hiểu ngôn ngữ nhưng âm nhạc đã lôi cuốn ông từ đầu đến cuối chương trình.

    Giám đốc khu vực châu Á của CLB Manchester City, ông Stephan Cieplik và Trà Ngọc Hằng.

    Trong lần “khoác áo gấm” vào Nhà hát lớn lần này, Xẩm đã tái hiện trên sân khấu hình ảnh một Hà Nội thâm trầm, tĩnh lặng và cổ kính vào những năm 50-60, khi hát xẩm là một trong những nét đẹp của văn hoá Hà Thành. Toàn bộ sân khấu như một con phố cổ Hà Nội khiến khán giả thích thú và có cảm giác như đang được ngồi trên con phố nào đó và nghe các “gia đình xẩm” hát.

    Trong vai trò người dẫn chuyện, nhà thơ Vũ Quần Phương và người đẹp Trà Ngọc Hằng ngồi bên hiên quán cà phê đặc trưng thời những năm 60 của Hà Nội rất trữ tình và cùng trò chuyện về xẩm, về cuộc đời, đời và xẩm. Trong vai người con gái trẻ Sài Thành tới Hà Nội và được nghe về xẩm, Trà Ngọc Hằng gây ấn tượng với hình ảnh cô “chân dài” xinh đẹp, diện thiết kế áo dài trắng thêu hoa sen khá nền nã của NTK Liên Hương trên sân khấu đậm sắc màu dân gian của Xẩm.

    Người đẹp Trà Ngọc Hằng và nhà thơ Vũ Quần Phương làm MC cho đêm nhạc Xẩm.

    “Chân dài” đặc biệt này đã khiến GS Hoàng Chương cũng đặc biệt khen ngợi khi đã dành cho xẩm một tình cảm sâu sắc, khi “bay ra Hà Nội, ở khách sạn 5 sao” tham gia chương trình ủng hộ xẩm. Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Vũ Quần Phương và Trà Ngọc Hằng đã cho thấy phần nào sự chảy trôi của lịch sử hát xẩm, sự tồn tại và phát triển của xẩm trong đời sống từ quá khứ đến thời hiện đại hôm nay.

    Đặc biệt, Trà Ngọc Hằng cũng bất ngờ trổ tài hát một câu xẩm trong bài “Lỡ bước sang ngang”. Cô bày tỏ, càng gắn bó với xẩm cô càng thấy yêu xẩm bởi các bài xẩm rất sâu sắc và giai điệu tuy khó hát nhưng vô cùng dễ đi vào lòng người. Phần thử hát xẩm của Trà Ngọc Hằng theo kiểu miền Nam được khán giả rất tán thưởng.

    Video tham khảo:

    Hoài Lâm giả cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

    Một dòng chảy thực sự của xẩm âm thầm trong cuộc sống từ quá khứ tới hiện tại, đã phần nào được tái hiện khá rõ nét trên sân khấu “Xẩm và đời”, đêm diễn được bắt đầu từ những bài xẩm cổ như Lỡ bước sang ngang, Cô hàng nước, quyết chí tu thân, anh Xẩm… rồi bắt sang các bài xẩm lời mới về nhiều vấn đề thời sự, tâm tư của con người trong cuộc sống hôm nay như Xẩm rau má, Tiễu trừ cướp biển… và đặc biệt là phần xẩm kết hợp với các loại hình nghệ thuật hiện đại như Beatbox, nhạc trẻ… để làm mới xẩm và dễ dàng “chung sống” với âm nhạc ngày hôm nay cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình.

    Nhiều thế hệ của Xẩm cùng quy tụ.

    “Dòng chảy” của xẩm còn ở sự tham gia của nhiều thế hệ người hát xẩm trên sân khấu, thế hệ “lão làng” thì có NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thuý Ngần, các nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa, Quang Long, rồi đến thế hệ các bạn trẻ đang miệt mài học tập, đóng góp công sức vào giữ gìn xẩm như Ngọc Trinh, Ngọc Tú, Xuân Tú, Tiến Đô…. Và đặc biệt là các cô bé mới chỉ 10, 11 tuổi cũng đắm đuối với xẩm như bé Ngọc Anh và Hồng Nga.

    Bé Ngọc Anh là cháu của NSƯT Thanh Ngoan, đắm đuối với xẩm từ tấm bé, cô bé và NSND Xuân Hoạch, NSUT Thanh Ngoan đã tái hiện một gia đình xẩm gợi nhớ đến những gia đình xẩm xưa khiến khán giả thích thú.

    Cô bé Hồng Nga khá đặc biệt, là cháu ngoại của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cô bé mê hát xẩm vô cùng, từng bị bố mẹ cấm theo học hát xẩm nhưng cô bé không chịu, và phải cầu cứu sự can thiệp của ông ngoại để có thể được đi hát.

    Bé Hồng Nga, cháu ngoại của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

    Mới học hát chưa lâu, Hồng Nga thể hiện bài “Thập ân 10 điều” là bài khá khó của Xẩm, lần đầu lên sân khấu, vẫn còn hơi “non” nhưng Hồng Nga nhận được những tràng vỗ tay lớn khích lệ của khán giả. Những người trẻ yêu xẩm đến như các em nhỏ là điều tuyệt vời để Xẩm sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy ở tương lai.

    Nhạc sĩ Quang Long chia sẻ: “Xẩm là một nghệ thuật vô cùng độc đáo, có đủ các sắc thái âm nhạc khác nhau, có thể truyền tải được những thông điệp khác nhau, nên chúng tôi muốn thông qua chương trình để chứng minh xẩm vẫn còn sức sống trong đời sống đương đại”. Các nghệ sĩ đã vô cùng hạnh phúc khi hát “Tiễu trừ cướp biển”, một ca khúc lời mới được viết trong giai đoạn đất nước đang sôi sục đấu tranh phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở biển Đông, nhiều khán giả đã đứng dậy vỗ tay để cổ vũ.

    Phần xẩm đương đại, kết hợp với các loại hình nghệ thuật trẻ là một thể nghiệm, mặc dù đã tính toán rất kỹ nhưng ekip thực hiện vẫn luôn lo lắng cho sự tiếp nhận của khán giả, đặc biệt là lại đưa vào một chương trình đậm chất dân gian như thế này. Nhưng, không ngờ sự hưởng ứng của khán giả với những tràng pháo tay giòn giã đã là một phần thưởng khích lệ lớn.

    Ca sĩ Hà Linh với “Anh Khoá hồi sinh” và Beatbox Minh Kiên cùng các nghệ sĩ xẩm với “Dứa dại không gai” là một hơi thở mới cho xẩm, khẳng định sự “chung sống” hài hoà của Xẩm với các nghệ thuật khác, và chất liệu xẩm đem đến nhiều cảm hứng cho các sáng tác hiện đại.

    Ngoài Xẩm, chương trình còn có các tiết mục múa đương đại và beat box.

    Những người yêu xẩm cũng khá xúc động và bất ngờ khi con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu, chị Nguyễn Thị Mận đã tái hiện khá sâu sắc dáng dấp nghệ nhân Hà Thị Cầu ngày nào với bài xẩm nổi tiếng của nghệ nhân Hà Thị Cầu: “Ơn Đảng trọn đời”.

    “Báu vật” của Xẩm tuy không còn nữa, nhưng những thế hệ tiếp theo như chị Mận, như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, học trò cưng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, các nghệ sĩ xẩm… vẫn theo gương bà đắm đuối với xẩm và hết lòng để gìn giữ “báu vật dân gian” là hát xẩm.

    Con gái cố nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu.

    Rất vui khi “vợ chồng anh xẩm” Khương Cường- Giáng Ly thể hiện hình ảnh vợ chồng xẩm nghèo đi hát khi vãn chợ, không có tiền, nhà thơ Vũ Quần Phương đã thương cảm bỏ tiền vào bị xẩm và lập tức khán giả cũng lên bỏ tiền vào bị xẩm. Nghệ sĩ Quang Long không ngần ngại “xui” bé Hồng Nga sau khi hát xong vào cánh gà phải nhớ nhận… cát xê, vì đi hát xẩm là nghề để kiếm tiền…

    Sự đa dạng, nhiều màu của Xẩm trên sân khấu “Xẩm và Đời” làm khán giả hài lòng. Và đây là việc làm ý nghĩa để vinh danh xẩm, để Xẩm hiện hữu rõ rệt hơn trong đời sống nghệ thuật hôm nay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tra-ngoc-hang-dien-ao-dai-khoe-tai-hat-xam-cung-con-gai-nghe-nhan-ha-thi-cau-a80253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan