+Aa-
    Zalo

    Trắng đêm ở Bệnh viện Chợ Rẫy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã hơn 3h sáng 1/5 nhưng tiếng còi xe cấp cứu vẫn inh ỏi trước khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP HCM). Các bác sĩ, hộ lý vẫn tất bật trong việc chữa trị, chăm nom người bệnh.

    Đã hơn 3h sáng 1/5 nhưng tiếng còi xe cấp cứu vẫn inh ỏi trước khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Các bác sĩ, hộ lý vẫn tất bật trong việc chữa trị, chăm nom người bệnh.

    Lễ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng, nhất là tại khoa cấp cứu của các bệnh viện, họ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình: Cứu người. Phóng viên đã có một đêm không ngủ cùng nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy trong đêm 30/4 rạng, sáng 1/5.

    1. 20h15, chiếc xe cấp cứu mang biển số Tiền Giang đỗ xịch xuống trước sảnh khoa cấp cứu. Cửa sau bật mở, trên băng ca là một cô gái mặt xanh xao, nằm bất động. Các hộ lý vội vã đẩy bệnh nhân vào để y, bác sĩ tiến hành chữa trị.

    Anh Nguyễn Trần Đường, nhân viên bảo vệ tại khoa, cho biết: "Ai đi chơi lễ đông vui ở đâu chứ như tụi tui, lễ là căng thẳng. Đêm ngày gì cũng tấp nập vào ra. Bệnh nhân cấp cứu đông kinh khủng, làm không kịp thở".

    Thật vậy, theo quan sát của phóng viên, chỉ trong khoảng thời gian 40 phút từ 20h30 đến 21h10, đã có đến hơn 10 ca cấp cứu và hầu hết đều là TNGT.

    Trắng đêm ở BV Chợ Rẫy
    Các y, bác sĩ đang tích cực chữa trị cho những bệnh nhân. Ảnh: M.S

    22h, tình hình có vẻ vẫn chưa dịu đi khi mà tiếng còi xe cấp cứu vẫn inh ỏi. Tại sảnh, hai chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân đang chờ đến lượt đưa bệnh nhân xuống. Những nữ hộ lý, nhân viên bảo vệ cố gắng đỡ bệnh nhân, chuyển vào bên trong. Chưa kịp đưa người bệnh từ xe thứ nhất vào phòng thì lại có thêm một xe taxi cũng chở bệnh nhân đến. Lần này là một người đàn ông, đầu bê bết máu…

    2. Đã 2h sáng, các ca cấp cứu vẫn tấp nập đưa vào. Không khí trong phòng cấp cứu vẫn căng thẳng. Hộ lý, bảo vệ lo chuyển bệnh nhân từ xe cấp cứu vào phòng. Bác sĩ thì túc trực xem bệnh, chẩn đoán hết người này đến người khác.

    Có chị vừa đo xong huyết áp cho một bệnh nhân, nói to kết quả cho người khác ghi lại rồi tiếp tục chạy đi đo cho người khác, liên tục không ngơi nghỉ. Các bác sĩ thì vừa khám cho bệnh nhân này xong, đi vội tới bồn rửa tay, thay cái găng tay mới đã thấy có bệnh nhân khác đẩy vào.

    Trực từ sáng 30/4 đến 21h thì giao ca, BS Ngô Lê Đại cho biết: "Làm cấp cứu ở BV Chợ Rẫy thì khó mà có lúc nào rảnh rỗi được. Tôi cũng nhiều lần trực vào những ngày lễ, tết rồi. Cực hơn ngày thường rất nhiều. Những đợt lễ ngắn ngày còn đỡ chứ với những đợt dài ngày như 30/4, 1/5 năm nay thì phải làm luôn chân luôn tay. Không có thời gian mà lề mề đâu. Tối 1/5 tôi trực phòng cấp cứu, có thể số bệnh nhân sẽ tăng thêm nữa, áp lực công việc cũng sẽ tăng theo".

    Trong khi đó, vừa nhận ca trực vào lúc 21h thì BS Phạm Văn Khiêm, Phó khoa Cấp cứu, đã phải lao vào làm việc, không một phút chần chừ bởi lúc đó là thời điểm những ca cấp cứu liên tục được đưa vào. "Đã làm ở khoa cấp cứu chúng tôi xác định là căng thẳng và áp lực nên… cũng quen rồi. Cái chính là tinh thần phải vững để xác định thời điểm vàng cấp cứu bệnh nhân. Mới ngày đầu mà đã như vầy, tôi nghĩ những ngày sau sẽ còn tăng thêm nữa, nhất là vào Chủ nhật này bởi những người đi về quê chơi sẽ di chuyển lên thành phố, khả năng xảy ra TNGT sẽ cao".

    Đã 4h sáng, bệnh nhân từ khắp các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, An Giang và TP HCM liên tục được đưa đến. Căn phòng gần 200m2 gần như chật kín. Các băng ca được đẩy sát đến trước cửa phòng mổ. Nhiều bệnh nhân phải nằm chung, hai người một giường. Lại một đêm trắng của các y, bác sĩ nơi đây…

    Nằm ngay sát cửa ra vào khu cấp cứu là bệnh nhân Nguyễn Phú Hữu (SN 1994), được chẩn đoán bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. "Con yên chí nghỉ ngơi đi. Dù thế nào ba cũng ráng lo cho con",ông Nguyễn Thanh De, cha của Hữu, vừa cầm một chiếc khăn ướt lau máu cho con vừa nói.

    Người đàn ông vẻ ngoài khắc khổ, đi chân đất cứ luýnh quýnh lúc lau máu, lúc chạy qua bàn điều dưỡng để khai tên tuổi, tình trạng của đứa con trai. "Chú có một mình nó, cả nhà từ An Giang lên Bình Dương làm mướn. Lúc nghe nó bị TNGT, chú muốn đứng tim, không còn tâm trí gì hết, cứ chạy đi lo cho con, cả dép cũng quên mang". ngưng một lúc, ông De nói tiếp: "Cả nhà làm mướn, không khá giả gì. Bây giờ nó bị như thế này thì chú chỉ biết lo được bước nào hay bước nấy thôi". Đang nói chuyện chợt nghe tiếng loa "Mời người nhà của bệnh nhân Nguyễn Phú Hữu đến cổng sau khoa cấp cứu", ông lại lật đật chạy đi.

    Sau khi lo hết thủ tục, giấy tờ, ông De ra hành lang đứng để mẹ của Hữu vào chăm sóc. Ông kể cả gia đình ba người nhà ông ở quê không ruộng đất, làm thuê làm mướn không đủ sống nên dắt díu nhau lên Bình Dương tìm kế sinh nhai. "Thằng Hữu là lao động chính trong nhà giờ nằm đó, sống chết không biết ra sao. Hai thân già chẳng biết làm gì để lo cho nó".

    Nói đoạn, ông lại đi vào phòng cấp cứu, mặc cho bảo vệ nói chỉ một người chăm sóc thôi. Chốc chốc ông lại cúi xuống, kề tai bên miệng con để kiểm tra xem con còn thở hay không.

    Trong ngày 30/4 có 262 bệnh nhân khám tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, không biến động nhiều so với trước nhưng tỉ lệ các ca do TNGT tăng rõ rệt, chiếm 28,2\%. Trong khi trước đó một ngày, tỉ lệ TNGT chỉ ở mức 19,5\%.

    Còn tại BV 115, trong ngày 30/4 bệnh viện đã khám cấp cứu hơn 260 trường hợp. Trong đó TNGT trên 30 ca, bảy ca tai nạn do sinh hoạt và đả thương, một ca ngộ độc thực phẩm. "13 trường hợp TNGT nặng phải phẫu thuật, hai ca tử vong do TNGT. Cấp cứu TNGT 30/4 so với ngày thường không biến động. Tuy nhiên, trường hợp nặng và tử vong do TNGT đáng báo động", TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115, lưu ý.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trang-dem-o-benh-vien-cho-ray-a31379.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan