+Aa-
    Zalo

    Trượt chân làm đổ nồi canh vừa nấu, bé 4 tuổi bị bỏng phải nhập viện

    (ĐS&PL) - Bệnh nhi 4 tuổi ở Đắk Lắk trượt chân làm đổ nồi canh mẹ vừa nấu xong, dẫn đến bỏng vùng ngực và bụng.

    Tờ Tri Thức Trực Tuyến thông tin, bé V.N.Đ. (4 tuổi, trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được điều trị tại khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 

    Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trong lúc đang chơi, bé không cẩn thận nên trượt chân làm nồi canh chị vừa nấu xong đổ xuống, gây bỏng vùng ngực và bụng.

    Cũng đang được điều trị tại khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhiều ngày qua, bé trai 7 tháng tuổi ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vẫn quấy khóc suốt đêm vì đau đớn, sốt cao.

    Mẹ của bé trai kể, trong lúc nấu ăn, chị nhờ các em gái trông con giúp. Tuy nhiên, trong lúc các dì bất cẩn, trẻ đã quơ tay làm đổ bình nước sôi cạnh bên dẫn đến bị bỏng nặng 2 chân.

    Được biết, bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ 3-10 tuổi vì lứa tuổi này rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa nhận thức được sự nguy hiểm mà các hành động của mình có thể gây ra.

    Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Viện Bỏng quốc gia cho thấy, khoảng 2/3 trong số 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện, sử dụng đồ chơi không an toàn. 

    truot chan lam do noi canh vua nau be 4 tuoi bi bong phai nhap vien
    Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ 3-10 tuổi. Ảnh minh họa: Tri Thức Trực Tuyến

    Từ đầu năm đến nay, khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận, điều trị gần 80 trường hợp trẻ bị bỏng do các tác nhân như nước sôi, cồn, bỏng điện…, chiếm 30% số ca tai nạn thương tích hay gặp ở trẻ.

    Vết bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thậm chí tử vong. Bỏng gây đau đớn, làm trẻ hoảng sợ, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc.

    VTV News dẫn lời bác sĩ Phạm Thanh Ái ở khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho hay, nguyên nhân gây bỏng ở trẻ rất đa dạng, khi sự quản lý, trông nom trẻ không đúng cách thì tỷ lệ trẻ bị bỏng rất cao. 

    Bên cạnh đó, trẻ dưới 6 tuổi rất tò mò, hiếu động, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh cho nên rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là tai nạn bỏng. Đa phần trẻ bị bỏng thường để lại di chứng nặng nề do da của trẻ còn mỏng, hơn nữa trẻ không biết tự cứu mình hay biết cách sơ cấp cứu nên khi bị bỏng thường là bỏng rộng, bỏng sâu.

    Khi trẻ bị bỏng, việc sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm diện tích và độ sâu của vết thương, đặc biệt là trong 30 phút sau bỏng. Tuy nhiên, có không ít những sai lầm trong vấn đề này.

    Nhiều trường hợp sau khi trẻ bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng cách là dội nước mắm, dội rượu hay bôi kem đánh răng, nhựa cây, lá cây vào vết thương… Đây là những cách sơ cứu rất nguy hiểm.

    Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng được bố mẹ tự điều trị bằng phương pháp dân gian, không đưa đến viện. Việc điều trị bỏng không đúng cách khiến cho tình trạng tổn thương nặng thêm, vết thương nhiễm trùng nghiêm trọng, đến khi chuyển đến viện thì đã quá muộn.

    Để hạn chế xảy ra những tai nạn đáng tiếc, bố mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên, hạn chế cho trẻ lại gần khu vực bếp. Không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. 

    Đồng thời, chú ý trông chừng trẻ khi ngồi ở bàn ăn có bếp lò dùng cồn để nấu. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cần cho trẻ biết những hiểu biết cơ bản để phòng tránh các tai nạn gây nên bỏng. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn cho trẻ những điều cần làm nếu không may xảy ra tai nạn.

    Các bước sơ cứu khi không may xảy ra tai nạn bỏng

    - Tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng.

    - Làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch trong khoảng 30 phút. Lưu ý, sử dụng nước mát, không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng.

    - Che phủ vết thương bằng khăn, vải sạch, bông gạc… Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. 

    Lưu ý, bệnh nhân và gia đình không chủ động làm vỡ vùng da bị rộp nước; tuyệt đối không bôi dầu, kem đánh răng, rượu hay đắp các loại lá, loại thuốc không đúng, không đảm vệ sinh lên vết thương.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truot-chan-lam-do-noi-canh-vua-nau-be-4-tuoi-bi-bong-phai-nhap-vien-a579314.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Người phụ nữ bị bỏng nặng do nổ bình ga khi đang nấu ăn

    Người phụ nữ bị bỏng nặng do nổ bình ga khi đang nấu ăn

    Người phụ nữ bật bếp để nấu ăn thì ngọn lửa bùng lên và khí ga trong bình mini phát nổ khiến người phụ nữ bỏng vùng thân trên gồm lưng, vai, ngực, hai tay và cổ. Ngay lập tức, người phụ nữ nhảy xuống ao nuôi tôm trước nhà nhằm giảm bớt tình trạng bỏng rát. Sau đó, bệnh nhân được chồng đưa đến bệnh viện cấp cứu.