+Aa-
    Zalo

    Truyền thống một gia đình 3 thế hệ hát dân ca ví, giặm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cụ Lê Thị Vinh (80 tuổi) truyền được sự đam mê dân ca ví, giặm cho 4 người con và 3 người cháu, tạo nên một dòng chảy dân ca mãi không bao giờ cạn.

    (ĐSPL) - Học hát từ năm 16 tuổi, cụ Lê Thị Vinh ở xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng ngày nào mọi người cũng được nghe cụ hò. Và điều tự hào nhất chính là việc cụ đã truyền được sự đam mê dân ca đó cho 4 người con và 3 người cháu tạo nên một dòng chảy dân ca mãi không bao giờ cạn.
    Nhìn cụ Lê Thị Vinh vừa quét sân, vừa hát bài “Phụ tử tình thâm”, không ai nghĩ năm nay cụ đã hơn 80 tuổi. Đặc biệt, giọng hát cụ vẫn khỏe, mượt mà, dù tuổi đã cao nhưng cụ Vinh là một trong những người không thể thiếu tại Câu lạc bộ (CLB) ví, giặm xã Ngọc Sơn.
    “Tôi bắt đầu học hát từ lúc 16 tuổi, khi ấy cứ theo các phường vải, đoàn thanh niên tập hát dân ca. Phong trào lúc ấy mạnh và sôi nổi lắm nên ai cũng thuộc vài bài ví, giặm. Buổi làm đồng nào mọi người cũng hò vài câu, trong lúc cấy lúa, tát nước nam nữ cũng ghẹo nhau vài câu hát. Đến khi niềm đam mê dân ca ví, giặm ngấm vào người tôi lúc nào không hay”, cụ Vinh chia sẻ.
    Truyền thống một gia đình 3 thế hệ hát dân ca ví, giặm
    Cụ Lê Thị Vinh tuy tuổi đã cao nhưng giọng hát vẫn khỏe và mượt mà
    Những người con của cụ được sinh ra trong làn điệu ru ngọt ngào, lớn lên với những câu hò, điệu ví nên ai cũng có thể hát dân ca rất hay. Mặc dù, không ai đi theo con đường chuyên nghiệp ca hát, chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ, giao lưu vài làn điệu cùng mọi người, nhưng mạch nguồn dân ca đã ngấm trong cơ thể không thể tách rời.
    Năm 2009, người con gái đầu của cụ Vinh xin mở một CLB ví, giặm tại xã Ngọc Sơn và mời cụ tham gia để “truyền dạy” những làn điệu cổ cho mọi người. Lúc đấy, dòng máu đam mê ca hát của cụ Lê Thị Vinh vẫn âm ỉ cháy, nhưng cụ nghĩ mình từng này tuổi sợ tham gia chỉ “vướng chân vướng tay” nên chỉ đồng ý thỉnh thoảng ra chia sẻ kinh nghiệm.
    Cụ Lê Thị Vinh giãy bài: “Đến tuổi này rồi, tham gia chỉ để vui hưởng tuổi già, gặp gỡ những người bạn ngày xưa hay đi hát cùng đoàn văn nghệ, chứ tôi còn mấy thời gian nữa đâu. Nhưng quan trọng hơn là tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc truyền dạy cho thế hệ sau những làn điệu dân ca để không bị mai một”.
    Chị Võ Thị Vân, người con gái đầu của cụ Vinh, cho biết: “Tôi được học hát từ ngày bé, lúc đầu là nghe mẹ hát rồi hát theo, đến khi đi học thì tham gia đội văn nghệ ở trường. Tôi thành lập CLB này cũng chỉ vì mê hát, các thành viên phần lớn là người nông dân, chẳng ai trong chúng tôi là nghệ sĩ hay nghệ nhân cả”.
    Thế nhưng, lúc rảnh rỗi, những người nông dân ấy lại tụ tập hát cho nhau nghe xua tan đi sự mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. Họ cùng nhau xướng lên những điệu ví về tình yêu vợ chồng, về những sinh hoạt trong cuộc sống đậm bản sắc dân gian.
    Nhưng điều đáng mừng là không chỉ có những người cao tuổi mà ngày càng có nhiều người trẻ cũng tham gia, tiếp bước, giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. “Ở trường cháu tham gia vào đội văn nghệ, còn ở nhà nghe hát theo bà. Thấy mẹ và 2 chị gái đi biểu diễn trên sân khấu, được quay lên tivi nên cháu rất thích”, cháu Võ Trọng Việt (SN 2004), cháu ngoại bà Vinh kể.
    Gia đình cụ Vinh là một trong những gia đình điển hình truyền dạy lại được các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cho các thế hệ trẻ. Có những cháu bé chỉ mới 5 tuổi nhưng được các mẹ, các bà đưa đến chơi trong những buổi tập của CLB. Khi đó, một số cháu đã thể hiện tố chất đặc biệt, với giọng hát trong trẻo, mượt mà và khả năng nhớ rất nhiều bài hát dân ca khó.
    Truyền thống một gia đình 3 thế hệ hát dân ca ví, giặm
    Gia đình 3 thế hệ của cụ Lê Thị Vinh tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: TTXVN
    NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH - TT&DL Nghệ An cho biết: “Có nhiều gia đình cả ba thế hệ mẹ con - bà cháu - ông cháu cùng tham gia như CLB Ngọc Sơn (Thanh Chương), CLB Kim Liên (Nam Đàn). Có gia đình có 8 thành viên tham gia gồm cụ bà 80 tuổi, 4 người con và 3 cháu, trong đó con rể viết lời, vợ và con diễn. Điều đó, chứng tỏ sự trao truyền và kế tục một cách sâu sắc những giá trị truyền thống, là minh chứng rõ ràng cho thái độ trân trọng, tình yêu tha thiết, niềm đam mê mãnh liệt của mỗi người dân xứ Nghệ đối với dân ca”.
    Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là di sản, luôn tồn tại trong đời sống cộng đồng và luôn vận động, phát triển bằng hình thức truyền dạy, trao truyền các trò diễn xướng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn trong dòng chảy văn hoá của quê hương, chứng tỏ sức thu hút mạnh mẽ của dân ca xứ Nghệ trong đời sống cộng đồng.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truyen-thong-mot-gia-dinh-3-the-he-hat-dan-ca-vi-giam-a72017.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan