+Aa -
    Zalo

    Từ chối nhận việc nhưng vẫn “được lòng” nhà tuyển dụng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ chối nhận việc vốn là điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi ở ứng viên sự khéo léo, tế nhị và thông minh để không làm phật lòng nhà tuyển dụng

    Từ chối nhận việc vốn là điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi ở ứng viên sự khéo léo, tế nhị và thông minh để không làm phật lòng nhà tuyển dụng. Vậy ứng viên phải từ chối như thế nào để trong tương lai nếu có cơ hội vẫn có thể tiếp tục ứng tuyển? Những lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho bạn.

    Báo sớm với nhà tuyển dụng

    Nhiều ứng viên có lối ứng xử thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng khi từ chối nhận việc, chẳng hạn như không phản hồi, đến ngày đi làm “lặn mất tăm”, đợi đến khi gọi điện mới từ chối. Thậm chí ứng viên còn chặn số hoặc cố tình không nghe máy của nhà tuyển dụng. Đấy là những cách thức phản hồi tiêu cực, vừa ảnh hưởng đến uy tín cá nhân vừa mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng.

    Bạn cần biết rằng để tổ chức tuyển dụng nhân sự, nhà tuyển dụng phải tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí và nhân lực. Khi bạn được chọn nghĩa là bạn xứng đáng. Để đáp lại những hi vọng, niềm tin mà nhà tuyển dụng gửi gắm nơi mình, bạn cũng phải biết cách cư xử tử tế và tôn trọng họ. Đành rằng bạn cần thời gian suy nghĩ, cân đong đo đếm có nên nhận việc hay không. Tuy nhiên, bạn không nên tỏ ra dây dưa, thiếu quyết đoán mà phải nhanh chóng đưa ra quyết định dù là tìm việc làm trực tuyến hay tại văn phòng. Tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận thư đề nghị, bạn phải phản hồi lại với nhà tuyển dụng về quyết định của mình cả khi từ chối lẫn khi chấp nhận.

    Giải thích một cách lịch sự

    Một số ứng viên nêu lý do từ chối lời mời nhận việc một cách “ngây ngô” như: “Bên anh báo chậm quá, em nhận bên công ty B mất rồi”. Hay “Lúc phỏng vấn có anh A, cô B nói thế này, thế kia khiến em không thích, vì vậy em không nhận việc”. Những cách giải thích như vậy thật không khéo léo chút nào.

    Đừng đổ lỗi cho công ty tuyển dụng hay nhận xét khiếm nhã về họ. Thay vào đó, bạn nên trình bày lịch sự, chân thật về lí do mình từ chối lời mời nhận việc. Chẳng hạn, bạn cảm thấy bản thân không phù hợp với văn hóa công ty. Tính chất công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên đi công tác nhưng bạn đang có con nhỏ, cần quán xuyến gia đình. Bạn muốn ứng tuyển vào vị trí nhân viên Marketing nhưng lời mời nhận việc ở vị trí Sale chưa phù hợp với mong đợi của bạn… Dù là lí do nào chăng nữa, bạn cũng cần trình bày nhẹ nhàng, trực tiếp, tránh lối nói dài dòng, vòng vo gây mất thời gian của cả hai bên.

    Lựa chọn hình thức phản hồi phù hợp

    Có nhiều hình thức phản hồi lời mời nhận việc khác nhau, bạn cần lựa chọn hình thức phù hợp để từ chối nhận việc mà vẫn “được lòng” nhà tuyển dụng. Dưới đây là những hình thức phổ biến bạn có thể áp dụng:

    -          Gửi email từ chối lời mời nhận việc

    Gửi thư (email) từ chối lời mời nhận việc là hình thức phổ biến nhất. Khi bạn cảm thấy nếu nói trực tiếp sẽ bối rối, ngại ngùng, không rành mạch thì tốt nhất nên gửi mail. Trong nội dung thư cần đề cập ngắn gọn đến lý do từ chối với lời lẽ lịch sự, nhẹ nhàng. Đừng quên cảm ơn chân thành đến nhà tuyển dụng trong thư vì họ đã trao cơ hội cho bạn nhé.

    -          Gọi điện thoại cho nhà tuyển dụng

    Một số người cảm thấy gửi email không đủ diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ của họ, hay lo ngại nhà tuyển dụng không kịp kiểm tra mail, lúc này họ sẽ gọi điện trực tiếp cho nhà tuyển dụng.

    Cũng như khi viết email, bạn cần nói rõ về quyết định của mình và nêu lý do ngắn gọn. Tránh lối nói chuyện vòng vo, lan man và hờ hững khiến nhà tuyển dụng không hiểu cuối cùng bạn có nhận việc hay không.

    Giới thiệu ứng viên thay thế phù hợp

    Để xóa bỏ cảm giác “áy náy” khi từ chối nhận việc, bạn có thể giới thiệu nhân sự thay thế phù hợp cho nhà tuyển dụng. Điều này vừa xoa dịu nhà tuyển dụng vừa như một lời xin lỗi chân thành. Tuy vậy, bạn cần cân nhắc giới thiệu ứng viên thay thế sao cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.

    Trên thực tế thái độ và cách ứng xử là yếu tố quan trọng hơn cả năng lực chuyên môn, giúp tạo nên hình ảnh tốt đẹp và duy trì nhiều mối quan hệ có ích trong tương lai. Vì thế, ngay cả khi từ chối nhận việc, bạn cũng nên chọn cách từ chối khéo léo sao cho “được lòng” nhà tuyển dụng. Hi vọng với những chia sẻ của bài viết này, bạn đã tìm được những gợi ý hữu ích.

    Pha Lê

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-choi-nhan-viec-nhung-van-duoc-long-nha-tuyen-dung-a348887.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.