+Aa-
    Zalo

    Từ vụ bé 9 tuổi tử vong vì bạch hầu, cha mẹ lưu ý dấu hiệu nhận biết bệnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bệnh bạch hầu có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm.

    Bệnh bạch hầu có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. 

    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông xác nhận trên Zing, trên địa bàn có 1 trong 2 người mắc bệnh bạch hầu ở xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long) đã tử vong là S.T.H. (9 tuổi). Bệnh nhi còn lại là M.V.T (9 tuổi), hàng xóm tiếp xúc thường xuyên với H..

    Theo ngành y tế, ngày 19/6, H. được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… H. sau đó chuyển biến nặng và được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và tử vong ngày 20/6 do bạch hầu ác tính biến chứng tim.

    Đối với T., bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị, sức khỏe tương đối ổn định.

    Phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu ở trẻ.

    Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

    Các chuyên gia y tế cho biết bệnh bạch hầu có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, mọi người nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ cần hết sức lưu ý các dấu hiệu nhận biết sớm cũng như cách phòng chống căn bệnh này.

    Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh bạch hầu

    - Sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng, chán ăn.

    - Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi.

    - Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.

    - Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen.

    - Tùy từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau: Bạch hầu mũi, bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản...

    Cách phòng chống bệnh bạch hầu

    - Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

    - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

    - Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

    - Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

    - Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-be-9-tuoi-tu-vong-vi-bach-hau-cha-me-luu-y-dau-hieu-nhan-biet-benh-a328143.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan