+Aa-
    Zalo

    Từ vụ nam sinh lớp 9 bị bố của bạn học đánh: Quy định mức xử phạt hành vi bạo lực trẻ em dưới 16 tuổi

    (ĐS&PL) - Vụ việc một nam sinh lớp 9 bị bố của bạn học hành hung phải nhập viện điều trị xảy ra tại Quảng Ngãi thời gian qua vẫn đang khiến dư luận bức xúc. Hiện người đàn ông này đã bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra nhưng nhiều người vẫn thắc mắc về quy định của pháp luật đối với hành vi này.

    Chia sẻ trên báo Dân trí, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiến pháp và những văn bản pháp luật hiện hành luôn ưu tiên bảo vệ trẻ em và nghiêm cấm các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

    Theo Điều 1 Công ước quyền trẻ em, trong phạm vi Công ước này trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ các trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định dưới tuổi thành niên sớm hơn. Tuy nhiên theo Luật trẻ em năm 2016 hiện nay lại quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

    Việc làm của Phan Thượng Mỹ (44 tuổi; ngụ thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), người đàn ông trực tiếp đánh em Lâm Gia Kh. (lớp 9, Trường THCS thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa), rõ ràng đã vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi nhẫn tâm đó hết sức nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển tinh thần trong suốt quãng đời còn lại của cháu K.

    tu vu nam sinh lop 9 bi bo cua ban hoc danh quy dinh muc xu phat hanh vi bao luc tre em duoi 16 tuoi
    Hành vi bạo lực trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa.

    Theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 bạo lực trẻ em là hành vi:

    - Hành hạ, ngược đãi, đánh đập;

    - Xâm hại thân thể, sức khỏe;

    - Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    - Cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em.

    Như vậy, bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, trong đó:

    - Bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác như: đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

    - Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

    Tuy nhiên để đưa ra được mức hình phạt cho người đàn ông này, cần phải căn cứ vào tính chất của hành vi và hậu quả mà cháu bé gặp phải.

    Do đối tượng phạm tội trong trường hợp này là trẻ em nên căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người thực hiện hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội cố ý gây thương tích làm tổn hại đến sức khỏe của người khác. Tuy nhiên tùy vào tỷ lệ thương tật của nạn nhân mà hình phạt có thể tăng lên theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) .

    Một tội danh khác mà người thực hiện hành vi này có thể phải gánh chịu khi thực hiện hành vi bạo hành trẻ em đó là tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) .

    Cụ thể, khi đã xâm phạm đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác, căn cứ vào điểm a Khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 thì người thực hiện hành vi có thể phải bị phạt tù từ 1-5 năm tù tùy vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi.

    Trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đối tượng còn có thể bị xử lý về tội danh vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc tội giết người được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

    Bên cạnh đó, hành vi bạo lực trẻ em cũng có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    + Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

    + Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

    + Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

    + Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

    + Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

    Ngoài ra còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    Như đã đưa tin trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tư Nghĩa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Phan Thượng Mỹ về hành vi cố ý gây thương tích. tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, bị can Phan Thượng Mỹ đã khai nhận hành vi đánh học sinh Lâm Gia Kh. bạn học chung lớp với con trai ông ta.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-nam-sinh-lop-9-bi-bo-cua-ban-hoc-danh-quy-dinh-muc-xu-phat-hanh-vi-bao-luc-tre-em-duoi-16-tuoi-a604114.html
    Quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và lương thực cho học sinh trường dân tộc bán trú

    Quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và lương thực cho học sinh trường dân tộc bán trú

    Từ vụ việc "11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm", hình ảnh bữa cơm thiếu thốn của các em học sinh khiến dư luận không khỏi xót xa. Mặc dù trên thực tế, Chính phủ đã có quy định rất rõ về mức hỗ trợ cho các em học sinh thuộc đối tượng như trong vụ việc được phản ánh... Nhưng do đâu mà các em lại không được ăn đủ no?

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và lương thực cho học sinh trường dân tộc bán trú

    Quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và lương thực cho học sinh trường dân tộc bán trú

    Từ vụ việc "11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm", hình ảnh bữa cơm thiếu thốn của các em học sinh khiến dư luận không khỏi xót xa. Mặc dù trên thực tế, Chính phủ đã có quy định rất rõ về mức hỗ trợ cho các em học sinh thuộc đối tượng như trong vụ việc được phản ánh... Nhưng do đâu mà các em lại không được ăn đủ no?

    Vụ nam sinh lớp 9 bị bố của bạn đánh nhập viện: Người đàn ông khai nguồn cơn sự việc

    Vụ nam sinh lớp 9 bị bố của bạn đánh nhập viện: Người đàn ông khai nguồn cơn sự việc

    Tại cơ quan điều tra, ông Phan Thượng Mỹ (44 tuổi; ngụ thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã khai nhận toàn bộ hành vi bạo lực với em Lâm Gia Kh. (lớp 9, bạn cùng lớp với con trai Mỹ). Người đàn ông này khai nguồn cơn dẫn đến việc hành hung em Kh. xuất phát từ sự không kìm chế được cơn giận dữ.