+Aa-
    Zalo

    Tướng quân đội đi làm kinh tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những vị lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn kinh tế lớn đầu ngành kinh tế hiện nay như ngân hàng, viễn thông… có không ít những doanh nhân mặc áo lính.

    Những vị lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn kinh tế lớn đầu ngành kinh tế hiện nay như ngân hàng, viễn thông… có không ít những doanh nhân mặc áo lính với Quân hàm cấp Tướng.

    Bộ Quốc phòng quản lý hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó có nhiều Tổng công ty Quân đội (tương đương các Quân đoàn/Binh chủng), các định chế tài chính với đội ngũ lãnh đạo nhiều người được phong hàm cấp Tướng.

    Trực thuộc và chịu sự quản lý của Bộ Quốc Phòng, các DN quân đội tùy theo quân số (số lượng quân nhân, công nhân viên, nhân viên), tính chất và nhiệm vụ sẽ đóng vai trò tương đương một Quân khu/Quân chủng (Tập đoàn Viettel), Quân đoàn/Binh chủng (các Tổng công ty), hoặc Sư đoàn (các công ty).

    Thượng tướng Lê Hữu Đức – Chủ tịch HĐQT MB

    Thượng tướng Lê Hữu Đức (sinh năm 1955) nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng lớn nhất trong khối TMCP, là 1 trong 7 thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Quốc Phòng. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng, ông Đức có một thời gian dài làm việc tại Quân chủng phòng không không quân.

    Hội đồng quản trị của ngân hàng MB.

    Chính thức nhận chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội từ người tiền nhiệm là Trung tướng Trương Quang Khánh vào cuối Tháng 4/2011, Thượng tướng Lê Hữu Đức luôn tâm niệm và nỗ lực hết khả năng để đưa MB trở thành một trong ba ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2015.

    Tốt nghiệp tiến sỹ tại Học viện Quốc phòng, từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Quân chủng phòng không – không quân, Thượng tướng Lê Hữu Đức hiện đang giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – không quân; là Ủy viên BCH Trung ương Đảng; Đại biểu quốc hội và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

    Dưới sự lãnh đạo của các vị Tướng quân đội, MB hiện đã vươn lên thành một trong những ngân hàng có tổng tài sản và lợi nhuận lớn nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần. Tổng tài sản tính đến hết 2013 của MB đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3,13\% thị phần toàn ngành ngân hàng.

    Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng

    Đồng hành và trợ giúp cho Thượng tướng Lê Hữu Đức là hàng loạt những cán bộ cấp cao cũng được phong Quân hàm cấp Tướng như Phó chủ tịch HĐQT Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng hay Tổng giám đốc MB Thiếu tướng Lê Công – người mới được tái bổ nhiệm Tổng Giám đốc MB nhiệm kỳ 2015-2019. Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Mạnh Hùng tốt nghiệp Thạc sỹ Điện tử- viễn thông, Quản trị kinh doanh.

    Đối với MB, ông Hùng là cầu nối gắn kết giữa MB và Viettel trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao. Hiện Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng ngoài vai trò là Phó chủ tịch HĐQT MB, ông còn giữ chức Tổng giám đốc Viettel từ tháng 3/2014 thay cho Trung tướng Hoàng Anh Quân trước đó.

    Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - vị tướng mới của Tập đoàn Viettel.

    Ở Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được ví như một nhà tham mưu, tính toán kỹ lưỡng ở tầm xa trước khi bắt tay làm. Ngược lại, Trung tướng Hoàng Anh Xuân tính nóng như lửa, một khi đã quyết thì nhất định phải làm. Đây là hai vị sếp tính cách đối lập nhau ở Viettel nhưng Trung tướng Xuân lại hiểu rõ và tin tưởng Thiếu tướng Hùng hơn ai hết. Sự tin tưởng đó đã giúp ông Hùng thực hiện thành công vai trò kiến tạo ở Viettel.

    Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng hiện còn là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), thành viên HĐQT Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVFinance), Thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (ViettelGlobal), Chủ tịch HĐQT Liên doanh Viettel – CHT…

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là một trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 – 2009). Ông Hùng cũng được xem là linh hồn của Viettel, người đưa di động và Internet trở thành dịch vụ bình dân.

    Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tổng giám đốc VNH (Binh đoàn 18)

    Thiếu tướng Hà Tiến Dũng từng tốt nghiệp trường Sỹ quan Không quân (lái máy bay), Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Gagarin (Liên Xô cũ).

    Ông đã có hơn 12 năm ở các cương vị quản lý cấp cao tại tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam (nay là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam). VNH là doanh nghiệp hàng không chuyên về bay dịch vụ trực thăng với đội ngũ phi công trên 120 người và đội máy bay 25 chiếc.

    Ngoài chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, ông còn là Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc MB (MBLand).

    Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

    Chuẩn Đô đốc (Thiếu tướng) Nguyễn Đăng Nghiêm tốt nghiệp Cử nhân kinh tế vận tải biển, có hơn 20 năm kinh nghiệm và đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP).

    Hiện tại, ông là Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cảng Cát Lái, Chủ tịch HĐQT công tỷ CP Tân Cảng- Cái Mép… đồng thời là thành viên HĐQT ngân hàng MB.

    SNP hiện là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam với với 85\% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, gần 50\% thị phần cả nước.

    Phó Thủ tướng Hoàng  Trung Hải trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm.

    Là doanh nghiệp quốc phòng - kinh tế trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, trải qua 25 năm xây dựng (15/3/1989 - 15/3/2014), dưới sự lãnh đạo của Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân cảng Sài Gòn - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh, vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng biển, dịch vụ logistics. Thực hiện thành công hai nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế.

    Trong thực hiện nhiệm quốc phòng, Quân cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cảng quân sự, vận tải, xếp dỡ hàng hóa, thiết bị, vũ khí; hoa tiêu, lai dắt tàu quân sự an toàn tuyệt đối; duy trì nghiêm quy chế cảng quân sự, đảm bảo tốt an ninh cảng biển; thi công các công trình quân - dân sự trên các vùng biên giới, hải đảo.

    Là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn luôn tiên phong, đổi mới doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh. Từ một bến cảng cũ bên sông Sài Gòn với 4 cầu tàu có tổng chiều dài 1.2 km và các kho hàng cũ nát khi tiếp nhận năm 1989, sau 25 năm, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang quản lý và khai thác 14 cảng, 2 ICD (cảng nội địa) suốt từ Nam ra Bắc, trên 11 tỉnh thành kinh tế trọng điểm của cả nước với tổng giá trị tài sản ước tính trên 30.000 tỷ đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-quan-doi-di-lam-kinh-te-a78192.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan