+Aa-
    Zalo

    Vạch trần độc chiêu “tắm hóa chất” hải sản ươn thối thành hàng tươi sống khuynh đảo thị trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với quy trình khép kín từ thu mua, bảo quản, chế biến bằng các hóa chất cấm, dân nhậu đang bị “đầu độc” mà không hay biết.

    Để hấp dẫn thực khách bằng tiêu chí “giá rẻ, đồ ngon”, nhiều chủ quán nhậu, nhà hàng sẵn sàng “lên đời” cho các món nhậu hải sản quá đát bằng hóa chất độc hại. Với quy trình khép kín từ thu mua, bảo quản, chế biến bằng các hóa chất cấm, dân nhậu đang bị “đầu độc” mà không hay biết.

    Càng ngon, tươi... càng độc?

    Các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá, ghẹ... là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người Việt bởi dễ ăn, dễ chế biến, hàm lượng dinh dưỡng cao. Tại TP.HCM, các món nhậu bình dân như tôm, bạch tuộc, mực nướng, mực xào, lẩu cua,... luôn được thực khách ưa thích. Tuy nhiên, các chủ quán ăn, nhậu bình dân cho biết khó kiếm lời được từ các món nói trên. Nguyên nhân trên được chủ quán nhậu L.C.Đ. (đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP. HCM) lý giải: “Giá nguyên liệu tươi sống quá cao. Sau khi chế biến, nếu bán món ăn giá cao thì dễ dẫn đến việc khách không gọi món. Nếu để giá thấp thì mình lỗ vốn”.

    Nhiều chủ quán nhậu, nhà hàng sẵn sàng “lên đời” cho các món nhậu hải sản quá đát bằng hóa chất độc hại. Ảnh: Trí thức trẻ

    Để đảm bảo tiêu chí món ăn tươi ngon nhưng phải rẻ, hợp túi tiền thực khách, không ít chủ quán đã lựa chọn cách thu mua các loại thủy, hải sản giá rẻ, chết, thậm chí thối rữa. Ghi nhận thực tế tại một số quán ăn, quán nhậu bình dân, các loại thủy hải sản giá rẻ sau khi được chủ quán thu mua, đều được chế biến thành những món nhậu tươi ngon, hấp dẫn.

    Theo chân chủ quán nhậu bình dân tên M.C tại quận Thủ Đức, PV được mục kích quá trình thu mua những loại thủy hải sản giá rẻ tại các cơ sở kinh doanh hải sản ở huyện Bình Chánh về làm món nhậu đắt khách. Tại đây, chủ kinh doanh giới thiệu nhiều mặt hàng với các mức giá khác nhau. Tùy theo chất lượng sản phẩm, mức giá có thể chênh lệch cả trăm ngàn đồng. Cụ thể, mực, bạch tuộc, ... tươi sống loại 1 có giá lên đến hơn 100 ngàn đồng/kg, tôm sú cũng từ 200-250 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, tại một số vựa, chủ quán nhậu M.C có thể thu mua mực ống, bạch tuộc, tôm sú với giá từ chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Cụ thể, vựa kinh doanh hải sản N.T.T. tại huyện Bình Chánh, giá mực loại 2, 3 chỉ có giá 20-30 ngàn đồng/kg.

    Ghi nhận thực tế, loại mực này được chủ kinh doanh ướp đá, tẩm u rê trong các thùng xốp, bốc mùi hôi thối. Chủ quán ăn M.C cho biết: “Mua mực này phải biết cách xử lý. Nếu cần mình nhờ chủ vựa làm giúp. Họ sẽ sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám cho mình. Đem về, mình chỉ cần dùng một số hóa chất để rửa lại, mực sẽ trắng, ngon như mực tươi”.

    “Chuyện này hết sức bình thường. Bây giờ ai cũng dùng hóa chất để xử lý. Bản thân các loại thủy, hải sản cũng đã được nuôi bằng hóa chất từ giai đoạn còn là con giống rồi. Ví như tôm, cá ngay từ giai đoạn con giống, chúng đã “ngụp lặn” trong vô số các loại hóa chất từ thức ăn đến thuốc chữa bệnh... Trong quá trình nuôi, chúng tiếp tục được “tẩm bổ” bằng thuốc tăng trọng giúp lớn nhanh, có màu đẹp. Trước khi đem bán, nhiều người còn tiêm bột rau câu, thuốc cho nó tươi, ngon để đánh lừa người mua nữa. Nói chung thời bây giờ cái gì càng tươi, càng ngon thì coi chừng càng độc”, chủ quán nhậu M.C cho biết thêm.

    Phù phép, “lên đời” đồ ươn thối

    Theo chủ quán nhậu M.C, để tồn tại, một số quán nhậu bình dân, ít vốn phải “căng não” với việc biến các loại thực phẩm bẩn thành thực phẩm tươi ngon. Do đó, những công thức để phù phép thịt thối, cá ươn thành tươi sống được các chủ quán này dụng công sưu tầm, học hỏi.

    Chủ quán M.C lấy ví dụ: “Trước đây, để tẩy chất nhờn khi cá ươn, thịt thối người ta hay dùng muối hạt. Bây giờ, họ dùng nước javel để ngâm, oxy già để rửa. Để biến cá ươn thành cá tươi người ta ủ u rê,... Sau đó, các chủ quán tiếp tục tẩm ướp gia vị, hương thơm, cho phụ gia vào để mực, cá không bị rã, nở, mà dai như còn tươi. Các loại hóa chất, phụ gia này đầy ngoài chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), giá lại rẻ và dễ sử dụng”.

    Hải sản ươn thối thành hàng tươi sống nhờ hóa chất. Ảnh: VTC 

    Theo Công an TP.HCM, sau mỗi lần truy quét, triệt phá, các đơn vị này lại phát hiện thêm những công thức lên đời, phù phép thực phẩm bẩn thành thực phẩm tươi sống. Cụ thể, đối với các loại hải sản, đa số các chủ quán nhậu, sau khi mua đều ngâm vào hỗn hợp bảo quản thường là Formaldehyde, một chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm. Hỗn hợp này có tác dụng làm cho tôm cá luôn tươi, thịt không bị rữa, không bốc mùi, để được lâu. Đối với các loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng, bốc mùi, ôi thiu, các chủ quán sẽ xử lý bằng thuốc tẩy công nghiệp, tẩm hóa chất độc hại.

    Bác sỹ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho biết: “Thực trạng người kinh doanh, chủ quán ăn, nhà hàng sử dụng các loại thực phẩm nói chung, thủy hải sản đã biến chất, hư hỏng nói riêng không phải là chuyện mới. Đối với các loại thủy hải sản ôi thiu, người ta thường xử lý bằng thuốc tẩy trắng như oxy già hoặc ngâm trong nước javel. Sau khi “tẩy” xong, các loại thực phẩm này tiếp tục được “tắm” lưu huỳnh để cho có màu vàng óng trông bắt mắt. Để “ngon” nữa thì người ta “tẩm ướp” chất sorbitol tạo độ ngọt, bóng. Đối với các loại sản phẩm khô như mực khô, cá đuối khô,... cũng được người ta dùng hóa chất xử lý”.

    “Vào mùa mưa, người ta thường dùng nước tẩy nền nhà có tên là P3 để tẩy cá khô bị nấm, mốc hoặc một loại nước pha hóa chất nổi bong bóng như nước xà phòng. Thậm chí, thuốc trừ sâu Bifenthrin cũng được sử dụng trong bảo quản các loại cá khô, mực khô... Chưa kể đến thuốc diệt kiến, côn trùng cũng được phun, xịt liên tục (sau khi đã sấy khô thành phẩm) để chống dán, kiến... Những hóa chất nguy hại này đều còn nguyên vẹn cho đến khi các sản phẩm này thành các món nhậu đắt khách trên bàn ăn”, bác sĩ Mai cho biết thêm.

    Đại diện Hiệp hội xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam, cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản cũng chỉ ra rằng, nhiều cơ sở, hộ nuôi trồng thủy hải sản đã nuôi các sản phẩm của mình bằng hóa chất độc hại. Cụ thể, các báo cáo của 2 tổ chức nêu trên đã công khai chỉ mặt, đặt tên các hóa chất độc hại được trộn cùng thức ăn thô để tôm cá phát triển nhanh chóng như: Aminosid, các chất kháng sinh... Thậm chí còn có nhiều loại hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng vì độ độc hại như Triflurain (một loại hóa chất dùng để diệt cỏ), Chloramphenicol, Malachite Green... Các chuyên gia, bác sĩ chỉ ra rằng, việc người chế biến nhẫn tâm tẩm ướp, sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, không được sử dụng trong thực phẩm vào các mặt hàng thủy hải sản có thể gây ra cái chết từ từ cho người sử dụng.

    Hư thận, hại gan, ung thư từ hải sản tẩm ướp hóa chất Thạc sỹ Lê Thanh Hải (chuyên gia thực phẩm trường ĐH Hùng Vương, TP. HCM) nhận định: “Bản chất Clorin (hay Javel) là chất tẩy có tính oxy hoá mạnh, dễ hình thành các gốc tự do, nhờ đó phá huỷ tế bào vi sinh rất nhanh chóng, cũng đồng nghĩa với việc phá huỷ tế bào cơ thể người với dư lượng còn sót, gây rối loạn gene, ung thư... Còn urê tích lũy ở thận dưới dạng tinh thể gây sạn thận, hoặc đi vào chu trình thải đạm amoni của thận, gây độc cho tế bào, viêm cầu thận...”.

    Văn Thi
    Bài đăng trên Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 153
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-tran-doc-chieu-tam-hoa-chat-hai-san-uon-thoi-thanh-hang-tuoi-song-khuynh-dao-thi-truong-a256015.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan