+Aa-
    Zalo

    Vì sao nhiều trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sự thực đau lòng: Tại Đồng Nai, những ngày qua, nhiều bệnh nhân là trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Vì sao vậy?

    (ĐSPL) - Sự thực đau lòng: Tại Đồng Nai, những ngày qua, nhiều bệnh nhân là trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Vì sao vậy?

    Ngày 1/4, trao đổi với PV báo Đời sống pháp luật, thạc sỹ, bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Lê Đa Hà (Giám đốc bệnh viện Nhi đồng, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện bệnh viện vẫn đang tiếp tục điều trị theo dõi cho nhiều bệnh nhi bị bệnh tật bẩm sinh, không có người thân chăm sóc. Hầu hết, các bé đều sinh non tháng, dẫn đến nhiều bệnh tật bẩm sinh như hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da... Sau một thời gian điều trị, bệnh viện đã cố gắng liên lạc với người nhà các bé, để có người hỗ trợ chăm sóc nhưng họ đều từ chối. Và chính sách của bệnh viện là sau khi cứu chữa thành công cho các bé, sẽ kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, hoặc chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội để các bé có cơ hội chăm sóc tốt nhất.

    bo-roi-benh-nhi-1

    Một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai đang được bác sỹ chăm sóc.

    Bé Nguyễn Minh H. (2 tháng tuổi) là con thứ chín của sản phụ Nguyễn Thị Mộng Đ. (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trước đó, vào ngày 18/1, chị Đ. đưa con nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng sơ sinh, vàng da. Bé H. chào đời lúc 26,5 tuần tuổi, tương đương hơn sáu tháng, cân nặng 1,3kg nên đề kháng cơ thể yếu. Các bác sỹ, điều dưỡng hết sức tận tình chăm sóc cho bé. Hiện, bé đã ổn định, có thể bú được nhưng thở vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, bé Bùi Toàn L., bé Nguyễn Thị Thùy D. (cùng hai tháng tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) bị suy hô hấp, sơ sinh cực non, viêm phổi, bị cha mẹ bỏ rơi từ nhiều ngày nay.

    Bác sỹ Trần Thị Bích Phượng (Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng, tỉnh Đồng Nai) khẳng định: “Nhiều thân nhân các bệnh nhi đã cho con nhập viện chữa trị. Họ không nhìn mặt con, nhưng sau một thời gian điều trị, tình trạng bệnh thuyên giảm, chúng tôi báo về địa phương thì được biết, tại địa chỉ thân nhân bệnh nhi ghi trong sổ hồ sơ không có tên người thân bệnh nhi thường trú hay tạm trú ở đó. Điều này làm chúng tôi rất khó xử. Đây là cách mà người nhà bệnh nhi tìm cách “trốn trách nhiệm” nên họ đã khai địa chỉ ảo cho bệnh viện”.

    “Thậm chí, có bệnh nhi nhập viện đã hơn ba tháng, bác sỹ lần theo địa chỉ trong hồ sơ tìm về gặp người nhà vận động đưa bé về chăm sóc, nhưng, người mẹ trẻ đã nhẫn tâm từ chối nhận bé, vì cho rằng khó nuôi. Không biết họ nghĩ sao về việc từ chối đứa con từng là những giọt máu của mình. Chúng tôi tìm mọi cách thuyết phục, động viên người nhà các bệnh nhi đón các em về để  sau này có tương lai tốt hơn. Mọi chi phí bệnh viện đã tự chi trả. Có bệnh nhi nằm mấy tháng trời, lên tới năm tập hồ sơ bệnh án dày cộm, nhưng người nhà vẫn dửng dưng không hay biết tới con mình ra sao”, bác sỹ Phượng chia sẻ.

    Trao đổi với PV, một điều dưỡng cho biết: “Vì còn non tháng, các bé này rất cần sữa mẹ, cần hơi ấm và tình thương của người mẹ. Nhưng chúng tôi không hiểu sao, không chỉ người mẹ bỏ rơi mà cả gia đình người thân các bé đều bỏ rơi con cháu mình. Những lúc khát sữa, các cháu khóc gào lên. Thấy cảnh đó, chúng tôi không thể cầm được nước mắt, chúng chỉ là những đứa trẻ không có tội, nỡ lòng nào bỏ rơi như thế. Và, chúng tôi thay nhau bế các bé đi các phòng có sản phụ mới sinh xin sữa cho bé bú. Nhiều trẻ hồng hào, bụ bẫm lên sau một thời gian, ai cũng thương và cảm thông. Dịp Tết, rất nhiều người trong bệnh viện lì xì cho bé. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng, sẽ có một ngày nào đó, người nhà đến đón các bé về để chăm sóc chu đáo hơn”.

    Được biết,tại bệnh viện Nhi đồng, tỉnh Đồng Nai, hiện tượng người nhà bỏ rơi bệnh nhi bị bệnh tật rất nhiều. Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị và chăm sóc cho bảy bệnh nhi là trẻ sơ sinh bị người nhà bỏ rơi. Đã có năm trường hợp được chữa trị ổn định và thông báo cho người nhà đến nhận. Tuy nhiên, tất cả đều không có người nhà đến nhận, buộc bệnh viện phải làm thủ tục pháp lý chuyển các bé đến các cơ sở chăm sóc từ thiện của nhà nước…

    LUẬT SƯ HOÀNG THÁI LONG (ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM): Chưa có luật xử lý cha mẹ bỏ rơi con!

    bo-roi-benh-nhi-2


    Về mặt pháp luật, đã có điều luật xử lý về việc mẹ giết trẻ sơ sinh, mẹ bạo hành trẻ... nhưng chưa có điều luật nào đưa ra để xử lý tội cha mẹ bỏ rơi trẻ khuyết tật bẩm sinh tại bệnh viện. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ đạo đức, bệnh viện có thể tiến hành một số bước như kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ các bé. Liên quan đến các thủ tục pháp lý, bệnh viện cần liên hệ với chính quyền địa phương sở tại để bàn bạc cách giải quyết thấu tình đạt lý nhất. Ở đây, nếu bệnh nhi đã điều trị nhiều ngày và tình trạng bệnh thuyên giảm thì bệnh viện có thể thông báo cho người nhà bệnh nhi đến nhận bé về gia đình chăm sóc. Nếu trong vòng một tháng không liên hệ được thì bệnh viện có quyền làm thủ tục pháp lý liên quan nhằm chuyển bé tới các trung tâm mồ côi hoặc trung tâm bảo trợ xã hội dành cho trẻ khuyết tật để các bé được tiếp nhận chăm sóc.

    CHUYÊN GIA TÂM LÝ HUỲNH ANH BÌNH (GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HƯỚNG NGHIỆP KỸ NĂNG SỐNG TP.HCM): Trẻ dễ mất niềm tin cuộc sống

    bo-roi-benh-nhi-3


    Tôi cho rằng, nguyên nhân liên quan đến chuyện cha mẹ bỏ rơi trẻ sơ sinh bệnh tật bẩm sinh là do lối sống thiếu trách nhiệm của cha mẹ dẫn đến có con ngoài ý muốn. Và, một khi như thế thì tình thương yêu dành cho con cái của những bậc làm cha mẹ như thế không đủ lớn, nhất là khi con gặp bệnh tật hiểm nghèo. Điều quan trọng nữa, là tâm lý của nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mặc cảm về những đứa con bị bệnh. Khi kinh tế khó khăn, không đủ chi phí chữa trị cho con cũng là một lý do dẫn đến các trẻ bị bỏ rơi. Nếu may mắn, các bé này sẽ được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật.

    Lớn lên, các bé biết về quá khứ mình bị ngay cả cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, chúng sẽ dễ cảm thấy mất niềm tin vào chính những người được cho là yêu thương mình. Từ đó, cũng dễ mất niềm tin, phương hướng trong cuộc sống, những người xung quanh và cao hơn là mất niềm tin vào xã hội. Những hiện tượng tiêu cực khác đều xuất phát từ đây. Và như vậy, cuộc sống của trẻ sẽ trở nên phức tạp hơn những trẻ bình thường khác. Chưa kể, những trẻ này sau khi xây dựng gia đình, cũng có tần suất lặp lại chuyện bỏ rơi con cái mình, cao hơn những người từng được sống trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình.

    BÁC SỸ NGUYỄN LÊ ĐA HÀ: Hãy nhìn thoáng hơn về hiện tượng sống thử

    bo-roi-benh-nhi-4

    Chúng tôi nhận thấy, việc bỏ rơi trẻ sơ sinh, bệnh tật diễn ra nhiều hơn trong thời gian gần đây. Theo tôi, để giảm bớt tình trạng này, xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn về hiện tượng sống thử trước hôn nhân. Nhiều thanh niên sống thử dẫn đến có con, nhưng họ chưa ý thức về trách nhiệm của mình, khi để xảy ra hậu quả là có con ngoài ý muốn. Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên tập trung nhiều  dân nhập cư khắp các tỉnh thành khác đến làm việc, chủ yếu công nhân là thanh niên sinh sống. Xa gia đình, họ thiếu thốn tình cảm, kinh tế và hiện tượng sống thử là không tránh khỏi. Khi có thai không được chăm sóc chu đáo, dẫn đến sinh non, con bệnh tật bẩm sinh nhiều.

    Cần tuyên truyền sâu rộng cho họ biết ý thức về trách nhiệm của mình, khi có con ngoài ý muốn. Không thể vì phút ham vui mà bỏ đi cả sinh linh bé bỏng của mình tại bệnh viện cho bác sỹ. Phải chịu trách nhiệm với đứa trẻ để khi lớn lên trẻ phát triển toàn diện. Nếu trẻ sinh ra bị dị tật có thể nhờ các tổ chức xã hội, từ thiện hoặc kêu gọi mạnh thường quân đóng góp chữa trị cho trẻ chứ không nên bỏ rơi như thế. Bên cạnh nhiều bậc cha mẹ bỏ rơi con, cũng có một số cha mẹ từng bỏ rơi trẻ sơ sinh bị bệnh bẩm sinh, họ cảm thấy cắn rứt lương tâm khi đã bỏ con nên chỉ sau một thời gian điều trị, một số bé may mắn được gia đình đón về. Chúng tôi thấy bên cạnh nhiều cha mẹ vô tâm  bỏ rơi con, vẫn có những bậc cha mẹ vì xót con mà nhận lại đưa về nhà chăm sóc.

    ÁI MINH

    Xem thêm clip: Xét xử vụ tiêm nhầm vắc-xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nhieu-tre-so-sinh-bi-cha-me-bo-roi-a89674.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trẻ sơ sinh biếng ăn phải làm sao?

    Trẻ sơ sinh biếng ăn phải làm sao?

    Chúng ta sẽ đề cập đến trẻ từ 6 tháng trở đi nhé. Vì đây mới là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm và có thể dính dáng tới trường hợp biếng ăn