Vì sao sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 có người sốt, có người không?


Thứ 2, 20/09/2021 | 14:20


Cùng sự kiện

Sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những phản ứng thường gặp nhưng lại khiến nhiều người phải lo ngại.

Cơ chế gây sốt sau tiêm vaccine

Theo Sức khỏe & Đời sống, sốt là dấu hiệu y khoa thông thường đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn khoảng dao động bình thường của nhiệt độ cơ thể người là 36.5–37.5 °C. Sốt, đa số là đáp ứng của cơ thể với một bệnh nhiễm trùng, thường kéo dài hơn 2 đến 3 ngày.

Ngoài ra, sốt còn có thể do những bệnh không nhiễm trùng khác, đặc biệt sau khi tiếp xúc với chất lạ . Khi chất lạ này xuất hiện trong cơ thể (sau tiêm) hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết là chất lạ và sẽ ngay lập tức gây ra phản ứng sốt để hình thành kháng thể và gây nên "trí nhớ miễn dịch", có nghĩa là sau này khi tác nhân gây bệnh tương ứng với vaccine (SARS-CoV-2) đã được tiêm, hệ thống miễn dịch của cơ thể đó nhớ ngay và huy động ngay lập tức kháng thể để tiêu diệt kẻ xâm nhập đó.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Vì sao sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 có người sốt, có người không?
Ảnh minh họa.

Quá trình diễn ra sốt bắt đầu từ lúc tác nhân lạ (ví dụ vaccine phòng COVID-19) xâm nhập vào cơ thể và tiết ra các chất gây sốt ngoại sinh. Chất gây sốt ngoại sinh kích thích các đại thực bào và bạch cầu trung tính tiết ra chất gây sốt nội sinh. Chất này tác động lên trung tâm điều nhiệt của cơ thể làm trung tâm này hoạt hóa acid arachidonic, làm sản sinh monoamin gây thay đổi setpoint (điểm đặt nhiệt) ở võ não dẫn tới tăng sản nhiệt và giảm thải nhiệt toàn cơ thể, gây ra sốt.

Một con đường khác bắt đầu khi các lympho T kết hợp với vaccine (kháng nguyên), sẽ tiết ra lymphokin kích hoạt bạch cầu đa nhân và đại thực bào tíết ra chất gây sốt nội sinh. Các diễn tiến tiếp sau đó tương tự như chất sốt nội sinh.

Vì sao có người sốt, có người không?

Nhưng khi hệ miễn dịch nhận diện “kẻ địch” và phản ứng sau tiêm chủng của mỗi người khác nhau. Vaccine sẽ tạo ra số lượng kháng thể nhất định nhưng khoảng thời gian tạo ra đủ theo kế hoạch sản xuất thì mỗi người sẽ khác nhau. Có thể sốt, có thể không, nhưng đích đến cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vaccine.

Cơ thể sốt sau tiêm có nghĩa là hệ miễn dịch đang “nóng nảy” chiến đấu ác liệt với “kẻ địch”. Còn với người không sốt, không có nghĩa là hệ miễn dịch không chiến đấu, mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Vì sao sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 có người sốt, có người không? (Hình 2).
Ảnh minh họa.

Và dù có sốt hay không sốt, thì hệ miễn dịch đã nhận diện và sẽ đưa hình dáng của virus “SARS-CoV-2” này vào danh sách tiêu diệt, để lần tới nếu con virus này xâm nhập cơ thể, thì hệ miễn dịch sẽ tự động tiêu diệt.

Như vậy, sốt hay không sốt cũng mang lại hiệu quả miễn dịch tương đương nhau, hệ miễn dịch sẽ học được cách đánh để triển khai thế trận khi có “địch” xâm nhập cơ thể.

Xử trí sốt sau tiêm vaccine COVID-19

Mức độ nhẹ

Sốt sau tiêm vaccine COVID-19 ở mức độ nhẹ, bạn có thể giảm đau tại vị trí tiêm bằng cách áp khăn sạch, mát và ẩm lên vùng tiêm đồng thời vận động nhẹ nhàng cho hai cánh tay; giảm cảm giác khó chịu do sốt bằng cách uống nhiều nước, mặc trang phục nhẹ, thoáng.

Mức độ nặng hơn

Sốt sau tiêm vaccine COVID-19 trong trường hợp trên 38.5 độ C, đau đầu, nhức mỏi cơ toàn thân hoặc tại chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, cánh tay được tiêm vaccine bị đau nhức thì có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt.

Theo đó, acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen là 2 hoạt chất được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp này. Liều dùng của acetaminophen đường uống 500 - 1000 mg/lần, cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ, tối đa 4g/ngày. Liều dùng ibuprofen để giảm sốt là 200 – 400 mg/lần, cách nhau 4-6h, tối đa 1,2 g/ngày (không sử dụng ibuprofen cho phụ nữ mang thai).

Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, nên uống nhiều nước, các sản phẩm bù điện giải như oresol, cởi bớt quần áo, chườm mát. Nếu cơ thể có phản ứng bất thường, cần thông báo cho bác sĩ và đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.

Linh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-sau-khi-tiem-vaccine-phong-covid-19-co-nguoi-sot-co-nguoi-khong-a513764.html