+Aa-
    Zalo

    Viện trưởng VKSND tối cao: Số vụ án hình sự khởi tố mới tăng 20,4% so với năm 2022

    (ĐS&PL) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp sáng nay (21/11), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trình bày Báo cáo công tác năm 2023.

    Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội cho biết, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, về tình hình tội phạm, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,... 

    Trong bối cảnh đó, toàn ngành KSND đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).

    vien truong vksnd toi cao so vu an hinh su khoi to moi tang 20 4 so voi nam 2022
    Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

    Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn. 

    Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

    Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao cũng báo cáo về công tác kiểm sát các vụ án tham nhũng, theo đó, từ đầu năm đến nay, đơn vị tập trung công tác kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, bảo đảm tiến độ và chất lượng điều tra, truy tố theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

    Cùng với đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).

    Báo Tiền phong đưa tin, từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua, ông Trí cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ. Do đó, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.

    Ngoài ra, Viện trưởng VKSND tối cao cũng kiến nghị nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

    Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. “Điều này cũng nhằm bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục”, ông Trí nói.

    Về công tác chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, ngay đầu năm, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2023 với 04 mục tiêu lớn và 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu VKSND các cấp ban hành kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, tồn tại năm 2022, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

    Ban hành các chỉ thị chuyên đề, kế hoạch và văn bản, thông báo kết luận để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; nghiên cứu xây dựng đề án về hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử. Tích cực tham gia chương trình xây dựng luật; thực hiện nghiêm các vấn đề được Ủy ban Thường Vụ Quốc hội yêu cầu qua Phiên họp Thứ 21. Việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng, thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm của ngành KSND.

    Ngoài ra, VKSND tối cao đã tiếp tục đổi mới nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra. Theo đó, nêu cao tính chủ động, nỗ lực, phấn đấu nhằm khắc phục dứt điểm một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; thường xuyên đánh giá chất lượng công tác; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm, qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vien-truong-vksnd-toi-cao-so-vu-an-hinh-su-khoi-to-moi-tang-20-4-so-voi-nam-2022-a600354.html
    Bộ trưởng Tài chính: Giảm thuế VAT 2%  ngắn hạn vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách

    Bộ trưởng Tài chính: Giảm thuế VAT 2% ngắn hạn vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách

    Chiều 20/11, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế VAT 2% áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2024, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động, xem xét có thể kéo dài việc giảm thuế tới 1 - 2 năm để phát huy tác dụng.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ trưởng Tài chính: Giảm thuế VAT 2%  ngắn hạn vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách

    Bộ trưởng Tài chính: Giảm thuế VAT 2% ngắn hạn vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách

    Chiều 20/11, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế VAT 2% áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2024, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động, xem xét có thể kéo dài việc giảm thuế tới 1 - 2 năm để phát huy tác dụng.