+Aa-
    Zalo

    Vụ Alibaba lừa đảo bán dự án "ma": Bị hại muốn đòi bằng được đất

    (ĐS&PL) - Một số bị hại nhất quyết muốn lấy lại đất nông nghiệp tại các dự án mà Nguyễn Thái Luyện "vẽ" ra.

    Sau một ngày tạm nghỉ, sáng 15/12, phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi các bị hại.

    Theo VietnamNet, trong buổi xét hỏi, HĐXX đối chiếu số tiền của các bị hại nộp vào 26 dự án và yêu cầu của bị hại. Có 1.483 người được xác định là bị hại trong 26 dự án này.

    Trước đó, HĐXX cho biết, trong thời gian thụ lý vụ án, HĐXX vẫn liên tục nhận được đơn tố cáo từ các khách hàng của Công ty Alibaba. Tòa sẽ dừng tiếp nhận đơn từ trưa thứ 6 (ngày 16/12).

    Vì vậy, lượng người nộp đơn và hồ sơ khá đông, họ xếp hàng dài ra tận tới mép đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

    Hầu hết các bị cáo đều mong được nhận lại tiền đã đầu tư. Trong khi đó, một số bị hại vẫn khăng khăng đất nông nghiệp tại các dự án mà Nguyễn Thái Luyện "vẽ" ra có thể chuyển đổi quyền sử dụng thành đất thổ cư.

    vu alibaba lua dao ban du an ma bi hai muon doi bang duoc dat
    Hàng trăm bị hại chờ tới lượt nộp đơn tố cáo và yêu cầu bồi thường. (Ảnh: VNN)

    Người lao động tường thuật diễn biến phiên tòa cho hay, bị hại N.L.K dẫn chứng thời điểm ký hợp đồng mua bán, người này biết đất của dự án Alibaba Long Thành Capital là đất nông nghiệp nhưng vẫn ký.

    "Dự án nằm ngay quốc lộ 51, nằm trong quy hoạch đất ở của huyện Long Thành. Tôi có đi xem đất, tôi biết trong thời hạn 1 năm sẽ làm các thủ tục chuyển đổi đất thổ cư được", bị hại N.L.K. nói.

    Đối với yêu cầu của bị hại này, đại diện VKSND TP.HCM giải thích: "Đây là những điều Công ty Alibaba quảng cáo còn cơ quan chức năng xác định không có dự án đó. Đất đó không được chính quyền quy hoạch như thế thì bà có ý kiến gì không? Bây giờ đối tượng trong hợp đồng của bà không có thật thì bà có từ chối quyền của mình không?".

    Bị hại vẫn khăng khăng muốn lấy đất. Người thực hành quyền công tố cho biết trong trường hợp bị hại xác định chỉ nhận đất ở mà HĐXX xác định không có đối tượng đất ở như bị hại đã ký để giao cho bị hại thì bị hại có thể khởi kiện dân sự ở một vụ án khác để đòi như mong muốn của mình.

    Cáo trạng của VKSND TP.HCM xác định, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”.

    Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

    Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

    Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng.

    Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

    Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-alibaba-lua-dao-ban-du-an-ma-bi-hai-muon-doi-bang-duoc-dat-a560533.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan