+Aa-
    Zalo

    Vụ án Mỹ - Nga và “quyền im lặng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 22/6) bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã có hành động thực hành quyền im lặng khi được xét hỏi. Đây được giới nghề luật đánh giá là việc khá

    Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 22/6) bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã có hành động thực hành quyền im lặng khi được xét hỏi. Đây được giới nghề luật đánh giá là việc khá hiếm trong tố tụng, bị cáo thực hành quyền im lặng một cách khá thành thục.

    Từ ngày 22/6, TAND TP.HCM đã mở lại phiên xử sơ thẩm vụ án Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, ngụ Hà Nội, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1987, ngụ TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc vụ án có nhiều nội dung mâu thuẫn, phức tạp và ly kỳ với các nghi vấn lừa đảo xen lẫn nghi vấn về “hợp đồng tình ái” giữa nghi phạm và bị hại, thì về khía cạnh tố tụng hình sự, tại phiên tòa xét xử công khai, bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã có hành động thực hành quyền im lặng khi được xét hỏi. Đây được giới nghề luật đánh giá là việc khá hiếm trong tố tụng, bị cáo thực hành quyền im lặng một cách khá thành thục.

    Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) để bàn thêm về vấn đề tố tụng này.

    Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

    PV: Theo ông, tại sao cho đến khi vụ án hoa hậu Phương Nga được xử và bị cáo đã không thực hiện việc trình bày lời khai tại Tòa cũng như trong quá trình điều tra thì câu chuyện quyền im lặng mới được chú ý, phải chăng luật pháp đã thay đổi nên bị can, bị cáo mới có quyền này?

    Luật sư Lê Cao: Về nguyên tắc từ trước khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực, thì pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng không bắt buộc các nghi can phải nhận mình có tội, khai lời khai theo hướng tự buộc tội mình. Việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Không được dùng lời khai như là chứng cứ duy nhất để buộc tội nghi can. Trong những trường hợp các nghi can không khai thì bản chất hành động đó đã gọi là thực thi quyền im lặng mà lâu nay chúng ta không để ý.

    Trong trường hợp vụ án hoa hậu Phương Nga cũng vậy, cô ấy không khai khi bị điều tra, hay tại phiên tòa đó là điều cụ thể nhất của việc thực thi quyền im lặng. Trên thực tế thì Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bị lùi thời điểm có hiệu lực nên đến nay vẫn chưa được áp dụng. Tại luật này khi được ban hành đã chính thức luật hóa một cách cụ thể quy định về quyền im lặng khi quy định các chủ thể bị tình nghi (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo) “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Khi luật được ban hành và cụ thể hóa nguyên tắc chứng minh tội phạm không thuộc về nghi can như trên, giới luật bàn luận sôi nổi về quyền im lặng nhiều hơn, và giờ khi có vụ án nổi tiếng bởi hiệu ứng truyền thông, việc bị cáo thực hành quyền im lặng đã làm cho câu chuyện này được quan tâm hơn ở khía cạnh tố tụng. Chúng tôi cho rằng, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ là làm rõ hơn quyền im lặng, còn với các quy định trước đây, mà cụ thể là theo quy định và trình tự tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đang được áp dụng để xét xử vụ án này, bị cáo Phương Nga vẫn có quyền thực hành quyền im lặng của mình.

    PV: Vậy việc thực hiện quyền im lặng có ý nghĩa gì trong tố tụng hình sự, điều này có cản trở hoạt động điều tra, xét xử và cản trở việc phòng chống tội phạm hay không thưa luật sư?

    Luật sư Lê Cao: Rõ ràng, nguyên tắc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không thể chỉ dựa vào lời khai của nghi can để kết tội họ, ví như chúng ta không thể ngồi đợi có người chạy đến tự thú đã giết người rồi xét xử họ. Im lặng hay không vì thế chỉ là một phần của các nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm ở khía cạnh lời khai. Khi thực hiện quyền im lặng, có nghĩa chúng ta đang thực hiện quyền con người ở khía cạnh tố tụng hình sự một cách cụ thể ở một lĩnh vực cụ thể, điều đó đảm bảo việc chống lại các hình thức bức cung, nhục hình bằng mọi cách để có thể lấy bằng được lời khai, vốn là cách thức chứng minh tội phạm gây ra nhiều oan sai. Khi pháp luật chúng ta cụ thể hóa quyền im lặng bằng các quy phạm rõ ràng thì đó là một sự tiến bộ rất đáng trân trọng.

    Còn về chuyện, nếu nghi can im lặng có gây cản trở cho công cuộc phòng chống tội phạm hay không? Điều này cần được hiểu ở việc, chúng ta xem công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có phụ thuộc vào các lời khai để làm chứng cứ buộc tội hay không. Nếu tội phạm chỉ được chứng minh bằng hầu hết chứng cứ là lời khai thì chúng ta đang bị tội phạm dẫn dắt theo những hướng mà các nghi can muốn. Có nhiều trường hợp vì quá tin lời nhận tội, cơ quan điều tra đã chỉ bỏ tù được các con tốt thí thân cho các ông trùm tội phạm thực sự vì có lính tráng nhận tội thay, cũng có nhiều trường hợp cơ quan điều tra bị dẫn dắt bởi những lời khai dẫn đến phương án tác nghiệp điều tra trệch hướng, kết quả thu về dựa trên kịch bản của giới tội phạm. Do vậy, lời khai chỉ là một phần, đấu tranh phòng chống tội phạm phải thực sự chủ động, đó là đòi hỏi về nghiệp vụ, sự tài giỏi của nghề điều tra và chính đòi hỏi đó sẽ nâng chất lượng nghiệp vụ điều tra lên, tránh gây oan sai và góp phần chính xác bảo vệ được công lý, trừng trị được đúng đối tượng đã gây ra tội ác thực sự.

    PV: Nhưng có nhiều người lo lắng nếu xu hướng im lặng này được mở rộng, công cuộc điều tra phòng chống tội phạm ở Việt Nam sẽ thực sự gặp những trở ngại?

    Luật sư Lê Cao: Chúng ta cần hiểu rằng nếu luật pháp ghi nhận quyền cơ bản nào đó của con người không phải là vì nhà nước ban phát quyền đó cho họ, thực ra quyền im lặng phải được hiểu như là quyền con người cơ bản mà một con người thực sự được hưởng. Nói hay im là việc tự thân quyền cơ bản rất con người. Do đó, trong hoạt động tố tụng hình sự cũng vậy. Nếu chúng ta nghĩ rằng đó là một quyền hầu như tự nhiên từ trước nay, chúng ta thực sự mới cụ thể hóa trong luật chứ không phải đây là quyền mà con người ở Việt Nam mới được trao. Từ cách hiểu đó, câu chuyện điều tra tội phạm cần được hiểu không đến từ sự tự nhận của các nghi can, việc tìm ra tội phạm luôn là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Luật pháp không cho phép chỉ dựa vào lời khai để kết tội, do đó đừng nên lo lắng câu chuyện nhiều nghi can sẽ sử dụng quyền này và gây khó cho chuyện điều tra. Ngoài ra, không phải khi nào im lặng cũng tốt, không phải khi nào im lặng cũng là điều các nghi can muốn. Có nhiều trường hợp, nghi can phải cất tiếng kịp thời mới làm rõ được tình tiết của vụ án, mới cung cấp được chứng cứ chứng minh mình vô tội. Do vậy, lo lắng về tác dụng ngược của quyền im lặng theo chúng tôi nên là động lực để cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao hơn nữa năng lực nghiệp vụ của họ, đó cũng là điều rất cần để phòng chống tội phạm thực sự.

    PV: Quay lại vụ án Nga - Mỹ đang rất được quan tâm, từ diễn biến của vụ án, theo luật sư việc sử dụng quyền im lặng của bị cáo có nên hay không, vì sao bị cáo phải sử dụng quyền im lặng thưa luật sư?

    Luật sư Lê Cao: Chúng ta không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, không nắm được chi tiết diễn biến vụ việc và do đó không thể đánh giá về việc sử dụng quyền im lặng của bị cáo Phương Nga là sẽ có lợi hay không đối với bị cáo. Tôi cho rằng, không phải ngẫu nhiên hay chỉ ý chí chủ động của Phương Nga trong câu chuyện sử dụng quyền im lặng. Có thể các luật sư bằng sự tư vấn của mình đã giúp bị cáo hiểu và thực hành quyền im lặng của mình, và trong một vụ án tương đối phức tạp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế này của các luật sư, việc Phương Nga sử dụng quyền im lặng không có nghĩa là bỏ mặc cho mọi lời khai buộc tội mà thụ động im lặng. Chính bị cáo thấu hiểu rõ và trả lời tại phiên tòa rằng sự im lặng của bị cáo chỉ là sự im lặng, đó không phải là im lặng của sự nhận tội.

    Với nhiều trường hợp, nếu không đủ tỉnh táo, không đủ hiểu biết để trình bày lời khai, nghi can có thể rơi vào tình trạng bị các hình thức dụ cung, mớm cung và lời khai của mình sẽ phản lại chính mình. Cũng có các trường hợp bị bức cung, nhục hình để lấy bằng được lời khai, nếu vậy sẽ vô cùng nguy hiểm cho quyền của nghi can. Do đó, sự im lặng của nghi can trong các trường hợp đó là điều có lợi để bảo vệ chính họ. Khi họ im lặng và sự im lặng đó là một quyền theo luật định, không ai có thể bắt họ, và vì thế sự bất lợi hay sai sót vì việc khai sẽ bị loại trừ. Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, nếu xét thấy các chứng cứ chứng minh cho mình đã được các luật sư thu thập, chuẩn bị đầy đủ, bị cáo cũng có thể im lặng để các luật sư trình bày các ý kiến và lập luận bảo vệ cho mình một cách rõ ràng chính xác hơn.

    Xin cảm ơn luật sư!

    Phạm Đức Cảnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-my---nga-va-quyen-im-lang-a194200.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan