+Aa-
    Zalo

    Vụ anh chém 5 người gia đình em trai thương vong: Người tung tin đồn thất thiệt bị xử lý ra sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ anh chém 5 người gia đình em ruột, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận.

    Liên quan đến vụ anh chém 5 người gia đình em ruột thương vong ở Hà Nội, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang trong dư luận. Với những trường hợp này có thể sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Nguyễn Đăng Cường- Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, trong bất cứ xã hội nào thì việc tung tin đồn thất thiệt cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến cộng đồng và với tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì những thông tin trên mạng xã hội càng được lan truyền nhanh chóng.

    Bởi vậy việc một số đối tượng xấu tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội sẽ tác động rất lớn đối với xã hội, có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, có cá nhân, làm hoang mang bất an trong dư luận xã hội.

    Hình ảnh người đàn ông cầm dao chém gia đình em trai. Ảnh cắt từ clip

    Hiện nay, pháp luật Việt Nam có nhiều các quy định về thông tin trên mạng xã hội, mạng bên không phải mạng internet như: Luật an ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí, Luật xử lý vi phạm hành chính, bộ luật hình sự năm 2015

    Luật an ninh mạng đã có hiệu lực pháp luật, trong đó quy định hành vi nào là được phép thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hành vi nào là nghiêm cấm.

    Cụ thể, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi như Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này; Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;...

    Như vậy theo quy định của Điều 8, Luật an ninh mạng thì hành vi “đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”... thì đây là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.

    Người nào thực hiện hành vi này gây ra hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm ạ, khoản 1, điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hình phạt có thể đến 3 năm tù.

    Công an khám nghiệm hiện trường vụ án.

    Trong trường hợp, hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa tác động xấu đến xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân... thì hành vi này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện mức hình phạt mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.

    Tiếp tục luận bàn về việc nhiều cư dân mạng tung tin đồn thất thiệt, gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận, luật sư Nguyễn Đăng Cường cho hay: "Thời gian gần đây không ít những người dân vì muốn câu Like mà đã đăng tải những thông tin xuyên tạc, vu khống, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, mạng internet. Không ít người đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trên mạng xã hội vẫn xảy ra rất nhiều, rất nhiều người có hành vi vi phạm mà không biết hoặc đơn giản cho rằng không ai phát hiện được hoặc không xử lý được mình..! Đó là những hành vi và suy nghĩ hết sức sai lầm, những hành vi đó vô tình hoặc cố ý hằng ngày tác động xấu đến xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    Chính vì vậy, mỗi người cần hiểu biết giới hạn hành vi của mình đến đâu trên mạng xã hội và thực hiện hành vi của mình trên mạng xã hội một cách có văn hóa, có trách nhiệm để tránh những rủi ro có thể xảy ra với mình và người khác", luật sư Cường nói.

    Bên cạnh đó, nạn nhân trong vụ việc bị tung tin đồn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để xem xét xử lý đối tượng tung tin đồn về tội vu khống.

    Nếu người bị hại có đơn gửi đến cơ quan công an và kết quả điều tra, xác minh cho thấy có người biết rõ hành đưa thông tin là không đúng sự thật nhưng vẫn cố tình loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của nạn nhân .. thì người tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý về tội vu khống theo quy định tại điều 156 bộ luật hình sự năm 2015. Bộ luật hình sự năm 2015 Quy định về tội vu khống. Bộ luật hình sự năm 2015 Quy định về tội vu khống như sau:

    "Thứ nhất, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

    Thứ hai, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 02 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

    Thứ ba, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

    Cuối cùng, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

    Người nhà nạn nhân đau khổ trước cơn biến cố ập đến gia đình. 

    Trong trường hợp, người bị tung tin đồn (nạn nhân) không tố cáo hoặc cơ quan điều tra không đủ căn cứ để chứng minh rằng người tung tin biết rõ là thông tin không đúng sự thật mà vẫn loan chuyền, bịa chuyện hoặc không chứng minh được mục đích nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác... Tuy nhiên hậu quả việc của việc đưa tin sai sự thật gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì vẫn có thể xem xét xử lý hình sự người đưa tin đồn về một trong các tội danh quy định tại Mục 2 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông như tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng thông tin, mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288.

    Như đã thông tin, vào tối 1/9, sau khi xảy ra vụ án anh chém 5 người gia đình em ruột thương vong tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều tin đồn được cho là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.

    Trước sự việc này, ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch xã Hồng Hà khẳng định, không có chuyện ông Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú cụm 2, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phương, Hà Nội) bị gia đình em ruột là Nguyễn Văn Hải (SN 1969, ngụ cùng địa điểm trên) cướp trắng đất đai, nhà cửa hay làm giấy tờ giả.

    "Tôi rất buồn và bức xúc về những thông tin trên mạng xã hội lan truyền ngày hôm qua. Sổ đỏ đã được cụ ông (Bố của anh em ông Đông) làm từ thời trước, rồi phân chia rõ ràng. Không có chuyện làm giấy tờ giả ở đây".

    Bên cạnh đó, ông Đà cũng cho hay, hiện nạn nhân thứ 5 là chị Đỗ Thị Nhung (con dâu ông Hải) vẫn đang điều trị tại bệnh viện chứ không hề qua đời như một trang tin hay Facebook đăng tải.

    Sáng 1/9, tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Đông vác dao sang truy sát cả gia đình người em ruột là Nguyễn Văn Hải.

    Hậu quả, ông Nguyễn Văn Hải và con gái ông Hải là chị Nguyễn Thị Bắc (SN 1988) tử vong tại chỗ.

    Bà Doãn Thị Việt (SN 1970, vợ ông Hải) và cháu Nguyễn Huyền M. (SN 2018, cháu nội ông Hải) tử vong tại bệnh viện.

    Một nạn nhân bị trọng thương đang được cấp cứu là con dâu ông Hải, chị Đỗ Thị Nhung (SN 1995).

    Liên quan tới vụ việc anh chém 5 người gia đình em ruột thương vong, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng (Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội) đã trực tiếp xuống huyện Đan Phượng chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra vào cuộc điều tra nguyên nhân và làm rõ vụ án.

    Chiều 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối tượng Nguyễn Văn Đông về tội giết người.

    Nguyễn Phượng 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-anh-chem-5-nguoi-gia-dinh-em-trai-thuong-vong-nguoi-tung-tin-don-that-thiet-bi-xu-ly-ra-sao-a291229.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan