+Aa-
    Zalo

    Vụ va chạm máy bay ở Nhật Bản: Ghi âm điện đàm giữa kiểm soát không lưu và máy bay tiết lộ điều gì?

    (ĐS&PL) - Nội dung ghi âm điện đàm giữa kiểm soát không lưu ở sân bay Haneda với máy bay A350 của Japan Airlines và phi cơ tuần thám DHC-8-315 thuộc biên chế Cảnh sát biển Nhật Bản mới đây đã được công bố.

    Theo thông tin trên VnExpress, ngày 3/1/2024, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản công bố nội dung ghi âm điện đàm giữa kiểm soát không lưu ở sân bay Haneda với máy bay A350 của Japan Airlines và phi cơ tuần thám DHC-8-315 thuộc biên chế Cảnh sát biển Nhật Bản.

    Bản ghi âm điện đàm cho thấy, liên lạc bắt đầu vào 17h43 khi chiếc máy bay A350 của hãng hàng không Japan Airlines điểm danh. Thời điểm này, kiểm soát không lưu đã hồi đáp và cho phép máy bay tiếp cận đương băng 34R (đường băng C) tại sân bay Haneda.

    Gần 2 phút sau, kiểm soát không lưu thông báo máy bay A350 của hãng Japan Airlines có thể "hạ cánh mà không gặp vấn đề gì" và phi công đã đọc lại chỉ dẫn để xác nhận.

    vu va cham may bay o nhat ban ghi am dien dam giua kiem soat khong luu va may bay tiet lo dieu gi
    Máy bay Airbus A350 của Japan Airlines bị cháy rụi sau vụ va chạm. Ảnh: Kyodo

    Lúc 17h45 cùng ngày, máy bay tuần thám mã hiệu JA722A của Cảnh sát biển Nhật Bản liên lạc với đài không lưu, nói rằng họ đang trên đường lăn C. Kiểm soát viên không lưu thông báo chiếc DHC-8-315 sẽ được cất cánh đầu tiên, đồng thời yêu cầu phi cơ di chuyển đến điểm dừng chờ sát đường băng tại vị trí C5.

    Cơ trưởng chiếc máy bay này đã xác nhận bằng cách đọc lại chỉ dẫn: "Đang di chuyển tới điểm dừng chờ C5, thứ tự cất cánh số một, cảm ơn".

    Sau thời điểm này, không có liên lạc nào giữa đài không lưu và hai máy bay. Máy bay A350 tiếp đất lúc 17h47 cùng ngày và va chạm với máy bay DHC-8-315 trên đường băng.

    Theo quan chức của Cục hàng không Dân dụng Nhật Bản, bản ghi âm cho thấy phi cơ cảnh sát biển chưa được phép vào đường băng cất cánh trước khi xảy ra tai nạn.

    Một quan chức thuộc Cảnh sát biển Nhật Bản tiết lộ, cơ trưởng Genki Miyamoto đã thông báo với sở chỉ huy rằng máy bay được "cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh" nhưng thừa nhận không có dấu hiệu nào trong bản ghi âm thể hiện điều đó.

    Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Tetsuo Saito thông tin: "Chúng tôi đang nộp tài liệu liên quan và sẽ hợp tác toàn diện với các nhà điều tra để bảo đảm áp dụng mọi biện pháp an toàn để ngăn sự cố này tái diễn".

    Trước đó, Đài truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch nói rằng vụ tai nạn có thể xảy ra do "cơ trưởng cảnh sát biển hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu".

    Flight Safety Foundation (FSF) - tổ chức an toàn hàng không tại Mỹ cho rằng, sai sót liên lạc, điều phối không lưu thường đóng vai trò không nhỏ trong các vụ tai nạn hoặc suýt va chạm trên đường băng. Tình trạng thiếu các hệ thống điện tử để cảnh báo nguy cơ va chạm dưới mặt đất cũng là mối lo ngại.

    may-bay-canh-sat-bien-nhat-chua-duoc-phep-vao-duong-bang-truoc-va-cham---vnexpress.mp4

    Đoạn video ghi cảnh ngọn lửa bao trùm máy bay A350 tại sân bay Haneda hôm 2/1/2024. Nguồn: Reuters

    Liên quan đến vụ tai nạn, báo Dân Trí dẫn thông tin từ Reuters cho biết hành khách trên máy bay A350 đã sơ tán an toàn trước khi phương tiện bị thiêu rụi. Tuy nhiên, 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn của máy bay DHC-8-315 đã thiệt mạng.

    Hiện tại, vụ điều tra đang ở giai đoạn đầu. Nhà chức trách chưa nắm được toàn bộ tình huống dẫn đến tai nạn, bao gồm cả lý do 2 máy bay xuất hiện trên cùng một đường bằng. Theo nhận định của các chuyên gia, tai nạn máy bay thường chỉ xảy ra khi có nhiều biện pháp an toàn đồng thời không hoạt động.

    Ủy ban Vận tải An toàn Nhật Bản (JTSB) đang điều tra vụ tai nạn với sự tham gia của các cơ quan lần lượt ở Pháp, nơi thiết kế chiếc A350, và ở Anh, nơi sản xuất 2 động cơ Rolls-Royce của máy bay.

    XEM THÊM: Thành viên NATO ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa phòng không Patriot

    Theo Cơ quan an toàn JTSB, họ sẽ tham gia điều tra ở Canada, nơi ban đầu chế tạo chiếc DHC-8-315. Được biết, JTSB đã tìm thấy hai hộp đen trên phi cơ cảnh sát biển, VTC News dẫn thông tin từ Reuters cho hay.

    "Chúng tôi đã tìm thấy hai hộp đen trên máy bay Cảnh sát biển Nhật Bản và sẽ chuyển về văn phòng tìm cách truy xuất dữ liệu bên trong", ông Takuya Fujiwara - Điều tra viên tai nạn hàng không JTSB cho biết trong cuộc họp báo hôm 3/1.

    Ông Fujiware chia sẻ thêm thêm rằng, giới chức chưa phát hiện được hộp đen của chiếc máy bay Airbus A350. Cả Airbus A350 và DHC-8-315 đều bị thiêu rụi hoàn toàn sau vụ va chạm.

    Ở một diễn biến khác Sở cảnh sát Tokyo cũng sẽ mở cuộc điều tra song song với JTSB về nghi vấn thiếu trách nhiệm gây thương vong và đã lập đơn vị đặc biệt để phỏng vấn những người liên quan.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-va-cham-may-bay-o-nhat-ban-ghi-am-dien-dam-giua-kiem-soat-khong-luu-va-may-bay-tiet-lo-dieu-gi-a606012.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan