+Aa-
    Zalo

    Vương quốc Anh bí mật xây tàu chiến băng trong Thế chiến thứ II

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong Thế chiến thứ II, Vương quốc Anh đã bí mật đóng tàu chiến băng nhằm chống lại tàu ngầm U-boat nổi tiếng của Đức Quốc xã.

    Trong Thế chiến thứ II, Vương quốc Anh đã bí mật đóng tàu chiến băng nhằm chống lại tàu ngầm U-boat nổi tiếng của Đức Quốc xã.

    Vương quốc Anh muốn xây dựng tàu chiến bằng băng. Ảnh: Dale Crosby

    Tàu ngầm U-boat được đánh giá là một trong những vũ khí lợi hại nhất của Đức trong Thế chiến thứ I và Thế chiến thứ II. Theo lý thuyết, các tàu U-boat có thể được sử dụng hiệu quả chống lại tàu chiến đối phương, nhưng trên thực tế, chúng chủ yếu được sử dụng trong các hành động săn bắt tàu hàng và phong tỏa bờ biển.

    Mục tiêu chính của các chiến dịch sử dụng U-boat trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới là các chuyến tàu vận tải tiếp vận từ Anh và Mỹ tới các đảo thuộc quần đảo Anh.

    Để chống lại những chiếc U-boat chết người của Đức, người Anh đã đưa ra một ý tưởng kỳ lạ: thiết kế tàu sân bay bằng những tảng băng khổng lồ. Mặc dù có vẻ không khả thi nhưng dự án đã được cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill chấp thuận vào thời điểm đó.

    Một nguyên mẫu của tàu chiến băng đã được xây dựng và thử nghiệm tại hồ Patricia, Canada trong vòng 4 tháng. Thời gian đã trôi qua rất lâu, con tàu băng cũng đã tan hết nhưng dự án làm tàu sân bay băng Habbakuk vẫn còn tồn tại.

    Tài liệu chiến lược

    Năm 1942, tại chi nhánh của Phòng Chiến tranh Anh, một nhà khoa học "lập dị" có tên Geoffrey Pyke cố gắng tìm cách bảo vệ tàu chiến của phe Đồng minh tại “hẻm thuyền” - một khu vực ở Đại Tây Dương, nơi tàu ngầm Đức Quốc xã chuyên phục kích và đánh chìm nhiều tàu chiến.

    Tàu chiến được chế tạo từ thép có thời gian sử dụng ngắn, dễ bị nước biển ăn mòn. Vì vậy, ông Pyke nghĩ về việc cắt băng ở Bắc Cực và kéo nó về phía Nam để triển khai máy bay lên đó. Vào thời điểm đó, băng được xem gần như là một loại vật liệu không thể phá hủy, ngay cả với ngư lôi và bom gây cháy. Điều này được củng cố bởi sự cố băng trôi đâm chìm tàu Titanic vào năm 1912.

    Giáo sư Susan Langley tại Cao đẳng St. Mary Maryland (Mỹ) đánh giá: "Ông Pyke nghĩ băng là vật liệu chiến lược mới có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến và ông Churchill đã sẵn sàng phiêu lưu với ý tưởng này".

    Nhà khoa học Pyke sau đó quyết định gọi thiết kế đầy tham vọng của mình là HMS Habbakuk, phỏng theo tên nhà tiên tri Habakkuk. Đây là người đã viết trong kinh Cựu ước rằng “Bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên, vì tôi sẽ làm điều gì đó trong ngày mai mà bạn sẽ không tin, ngay cả khi bạn được nghe”.

    Tàu chiến lớn nhất từ ​​trước tới nay

    Xây dựng một tàu chiến trên băng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Bà Langley nói: “Nếu bạn muốn phóng máy bay khỏi một cái gì đó, nó phải cao hơn 15 m so với mặt nước. Những tảng băng trôi có đến 90% khối lượng ngập trong nước, có nghĩa là gần 152 m dưới mặt nước”.

    Tuy nhiên, một con tàu như vậy thì sẽ gần như không thể di chuyển và khi đỉnh của một tảng băng tan chảy, trọng tâm bị lệch và nó sẽ quay, gây khó khăn cho máy bay hạ cánh trên đó. Bên cạnh đó, một tàu sân bay cần có nhà chứa và nhiều thiết bị khác thay vì chỉ phục vụ cho máy bay hạ cánh và cất cánh.

    Vì vậy họ quyết định xây dựng một con tàu với vỏ làm từ băng, các hệ thống còn lại xây dựng như bình thường. Vỏ băng sẽ được giữ đông thông qua hệ thống làm lạnh. Tàu chiến được đề xuất sẽ là chiến hạm lớn nhất lịch sử với chiều dài hơn 600 m, rộng gần 70 m, lớn gấp 2 lần tàu Titanic, di chuyển trên biển với tốc độ khoảng 12,9 km/h.

    Thủ tướng Anh Churchill đã phê duyệt dự án này vào ngày 4/12/1942 với một bản ghi nhớ được phân loại là "tối mật nhất" và yêu cầu xây dựng một nguyên mẫu.

    Dự án hoang dã, điên rồ

    Hồ Patricia tại Canada. Ảnh: Getty

    Anh cần nhiều băng để xây tàu, vì vậy họ chuyển sang Canada để nhờ giúp đỡ. Việc xây dựng nguyên mẫu tàu chiến băng được giao cho Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, và người phụ trách C.J. MacKenzie đã gọi bản thiết kế là "một trong những kế hoạch hoang dã điên rồ".

    Ông đã chọn hồ Patricia trong Vườn Quốc gia Jasper ở Alberta (Canada) làm địa điểm thử nghiệm do sự sẵn có của một nguồn lao động tự do phi thường gần đó. “Những lao động địa phương được tuyển dụng cho dự án không biết họ đang làm gì. Họ gọi nó là “Noah's Ark” ( con thuyền được nhắc đến trong Kinh Thánh). Họ chỉ biết nó là một nỗ lực cho chiến tranh nhưng không biết chính xác là gì”, bà Langley nói.

    Đầu năm 1943, một chiếc tàu nguyên mẫu dài 18,2 m được xây dựng với tường và sàn gỗ, nhựa đường, ống làm lạnh và một tảng băng lớn từ hồ. "Nó giống như một chiếc hộp giày lớn, với một khối băng khổng lồ ở giữa và đường ống làm lạnh chạy xung quanh, tương tự như một cái lồng xương sườn", ông Langley tiết lộ. Một mái che được lắp phía trên để bảo vệ cấu trúc và ngụy trang nó như một ngôi nhà thuyền.

    Nguyên mẫu tàu băng hoạt động, nhưng không suôn sẻ. Một số đường ống bị hư hỏng, vì vậy không thể vận chuyển nước cho hệ thống làm mát để duy trì cấu trúc của khối băng. Ngoài ra, cũng có những nghi ngờ về sức mạnh của băng và khả năng tồn tại của toàn bộ cấu trúc. Mặc dù loại vật liệu xây dựng tốt hơn gọi là "pykrete" đã được phát triển trong khoảng thời gian này bằng cách thêm bột gỗ vào hỗn hợp đá nhưng phát hiện mới đã không được sử dụng trong nguyên mẫu do thực tế là không thể sản xuất khối lượng lớn.

    Ba yếu tố chính khiến dự án sụp đổ

    Cuộc thử nghiệm cho thấy xây dựng một tàu chiến làm từ băng là có thể nhưng từ giữa năm 1943, dự án bắt đầu chết dần dựa trên sự kết hợp của 3 yếu tố.

    Theo giáo sư Langley, đầu tiên, Iceland có thể sử dụng như một căn cứ lâu dài ở Bắc Đại Tây Dương, do đó nhu cầu về tàu sân bay không quá cấp thiết. Bên cạnh đó, các máy bay mới hơn có khả năng tuần tra lâu hơn đã được giới thiệu. Và cuối cùng, sự phát triển của radar trung tâm đã giúp theo dõi các U-boat chính xác hơn. Cuộc chiến đã bắt đầu có lợi cho các nước Đồng minh.

    Bà Langley khẳng định: "Ba yếu tố đó đã làm cho kế hoạch xây dựng tàu băng trở nên lỗi thời trước khi đạt được thành quả. Dự án này có tính khả thi, nhưng không phải ở quy mô và tốc độ nhanh chóng như Thủ tướng Churchill mong muốn". Vào tháng 6/1943, tất cả các thử nghiệm tại Canada đã bị dừng lại.

    Bí mật con tàu băng chìm sâu xuống đáy hồ

    Một khi dự án bị bỏ rơi, máy móc làm lạnh đã được gỡ bỏ và chỉ còn lại mô hình ở đó, trước khi lặn xuống và tan ra dưới đáy hồ. Mặc dù hầu hết mọi người trong khu vực không rõ cụ thể sự việc, trong nhiều lời đồn đoán đã được đưa ra và một số nhà khám phá đã bắt đầu tìm hiểu.

    Vào năm 1982, nhà khảo cổ học dưới nước Langley đã vô tình nghe được một cuộc trò chuyện về "chiếc máy bay làm bằng băng" vẫn còn ở hồ Patricia. "Tôi nghĩ điều đó là không thể, nhưng tôi muốn tìm hiểu thêm", bà Langley nhớ lại. Hai năm sau đó, bà lặn xuống dưới hồ để xem còn lại gì ở đó. "Điều tốt là tôi không biết mình đang tìm gì, hoặc tôi không biết mình sẽ nghĩ gì, có lẽ một chiếc xà lan đầy ống dẫn nhiệt hay thứ gì đó đã bị chìm. Việc khám phá thật thú vị, vì vậy tôi bắt đầu có lý do để quay trở lại”, nữ giáo sư cho biết thêm.

    Bà đã tóm tắt nghiên cứu của mình trong luận án tiến sĩ, và cũng đang viết một cuốn sách. Sau này, có thêm nhiều thợ lặn đến hồ Patricia và khẳng định dự án là có thật chứ không chỉ tồn tại trên lý thuyết. Phần còn lại của tàu chìm trên đường chéo có độ sâu từ 25-30 m. Những bằng chứng đó cho thấy người Anh đã thực sự bắt tay xây dựng tàu băng trong dự án “điên rồ”.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vuong-quoc-anh-bi-mat-xay-tau-chien-bang-trong-the-chien-thu-ii-a247382.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan