+Aa-
    Zalo

    Xem xét điều chuyển khối lượng nhà thầu chậm trễ tại các Dự án Cao tốc Bắc - Nam

    (ĐS&PL) - Với các nhà thầu chậm trễ trong việc huy động triển khai các cầu (Công ty VNCN E&C, Công ty 620, Công ty CC1…), Bộ GTVT yêu sầu Ban QLDA Mỹ Thuận cần có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ thay thế nếu không có chuyển biến.

    Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi kiểm tra hiện trường một số dự án trọng điểm do Ban QLDA Mỹ Thuận được giao làm chủ đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự án cầu Rạch Miễu 2.

    Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngoài Dự án đường Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cầu Rạch Miễu 2 vẫn chưa nhận được 100% mặt bằng sạch.

    Cụ thể, Dự án Cầu Rạch Miễu 2 bàn giao được 13,25/17,6km; Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bàn giao được 106,6/110,85km tuyến chính và 23,85/25,85km tuyến nối do công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các gói thầu xây lắp.

    Về tiến độ thi công, phía Bộ GTVT đánh giá một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu như chậm triển khai thi công đường gom, hệ thống an toàn giao thông, đường công vụ… Tuy nhiên, tiến độ chung của một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu.

    xem xet dieu chuyen khoi luong nha thau cham tre tai cac du an cao toc bac nam
    Xem xét điều chuyển khối lượng nhà thầu chậm trễ tại các Dự án Cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh hoạ

    Cụ thể, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Chậm triển khai thi công đường gom, hệ thống an toàn giao thông (ATGT), đường đầu cầu Xẻo Lò, Ba Càng, cầu 26/3, Khoán Tiết, Rạch Múc, nền đường, các nhánh nút giao cuối tuyến; một số đoạn còn thiếu vật liệu thi công.

    Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Chậm triển khai thi công các hạng mục đường công vụ (Bộ GTVT đã chỉ đạo hoàn thành trước 30/6/2023), các cầu trên tuyến (có 118/126 cầu có mặt bằng để triển khai thi công, nhưng mới triển khai 79/118 cầu).

    Để đẩy nhanh tiến độ thi công và đáp ứng kế hoạch giải ngân, Bộ GTGT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, di dời hạ tầng, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong tháng 12/2023; Dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau ưu tiên bàn giao trước 8 vị trí cầu còn lại; Dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ khẩn trương di dời đường điện 110kV để không ảnh hưởng đến việc đưa công trình vào khai thác sử dụng.

    Với Dự án Cầu Rạch Miễu 2, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo sớm bàn giao mặt bằng phạm vi từ đường tỉnh ĐT864 đến bờ sông (phạm vi gói thầu XL02, XL03) để thi công cầu công vụ phục vụ vận chuyển vật liệu; phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, sớm bàn giao mặt bằng của 6 hộ cuối tuyến.

    Về công tác tổ chức thi công, đối với Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận căn cứ nguồn cung cát thực tế, chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết, ưu tiên triển khai hoàn thành đường công vụ trong tháng 12/2023. Nghiên cứu phân đoạn và tập trung thi công dứt điểm đến cao độ chờ gia tải đối với các đoạn đắp cao, đoạn đường đầu cầu; chủ trì điều phối nguồn cung vật liệu từ các mỏ cho các gói thầu.

    Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu, nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị, vật liệu, nguồn lực tài chính để thi công ngay các cầu và đường đầu cầu (phạm vi trụ đất gia cố xi măng), phấn đấu đạt 50% sản lượng công trình cầu trong năm 2023, hoàn thành toàn bộ trước khi dỡ tải các đoạn tuyến.

    Với các nhà thầu chậm trễ trong việc huy động triển khai các cầu (Công ty VNCN E&C, Công ty 620, Công ty CC1…), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ thay thế nếu không có chuyển biến.

    Về Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục thường trực tại hiện trường để chỉ đạo các nhà thầu dồn toàn lực, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tài chính, vật liệu, huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công “3 ca 4 kíp” liên tục, bảo đảm hoàn thành thảm bê tông nhựa, khe co giãn các cầu trước ngày 15/12; hệ thống an toàn giao thông, hàng rào và các hạng mục còn lại trước ngày 25/12/2023.

    XEM THÊM: Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Camera cũ và lạc hậu nên việc xử phạt nguội rất ít

    Đối với Dự án Cầu Rạch Miễu 2, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận căn cứ mặt bằng thực tế được bàn giao, chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch triển khai thi công chi tiết, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng; phấn đấu thông xe trước ngày 31/12/2025 đồng thời làm việc UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đề nghị hỗ trợ vật liệu cát đắp nền đường còn thiếu cho dự án (khoảng 250.000 m3) để hoàn thành đắp gia tải xử lý đất yếu.

    Ngoài ra, Bộ GTVT cũng chỉ đạo, các nhà thầu phải bổ sung đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, huy động nguồn lực tài chính, tổ chức triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của nhà thầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu; triển khai ngay các cầu đã có mặt bằng thi công; trên cơ sở nguồn vật liệu cát được cung ứng lập kế hoạch thi công…

    Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xem-xet-dieu-chuyen-khoi-luong-nha-thau-cham-tre-tai-cac-du-an-cao-toc-bac-nam-a602709.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Tiến độ thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm còn chậm

    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Tiến độ thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm còn chậm

    Báo cáo tại phiên chất vấn sáng 6/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm. Việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn…