+Aa-
    Zalo

    Xử lý nghiêm tình trạng cố "nhồi nhét hậu duệ" không thực tài

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc một số cán bộ chưa thực sự tài năng nhưng lên chức trong thời gian ngắn đã gây ra bức xúc trong xã hội.

    Việc một số cán bộ chưa thực sự tài năng nhưng lên chức trong thời gian ngắn đã gây ra bức xúc trong xã hội. Không ít trong số đó thuộc diện “con ông cháu cha” khiến những nghi ngại về sự nể nang, sắp xếp, tham nhũng quyền lực... tăng lên. Bàn về câu chuyện này, ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có những ý kiến xác đáng.

    PV: Thưa ông, một số cán bộ khi được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm thường nhận những xì xào, dò xét kiểu “đấy là con ai”. Ông có suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

    ĐBQH Trương Minh Hoàng: Một cán bộ trẻ khi được bổ nhiệm là “con cháu của ai đó” đều bị dư luận soi xét, những ai có suy nghĩ như vậy là không chuẩn. Được cất nhắc, xem xét là cả quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng của một cán bộ. Đương nhiên, có dư luận “con vua thì lại làm vua”, nhưng không phải là phổ biến.

    Chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều có quy trình, quy chuẩn rõ ràng. Muốn đề bạt, bổ nhiệm một cán bộ phải trải qua rất nhiều bước, đánh giá từ cơ sở, chi bộ, nơi cư trú, lý lịch, quá trình rèn luyện qua các vị trí công việc...

    Quy trình này rất chặt chẽ, còn ai làm sai phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

    Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ảnh: Tiền Phong

    PV: Nếu cán bộ không thăng tiến theo kiểu “thần tốc” thì cụm từ “đúng quy trình” sẽ được nhìn nhận tích cực chứ không phải là cái tặc lưỡi như một số dư luận hiện nay?

    ĐBQH Trương Minh Hoàng: Chưa hẳn như vậy, vì có lúc chỉ cần một sự việc là ai đó có thể được phong anh hùng. Đừng nghĩ phát triển nhanh là do tiêu cực. Không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả việc cứu hộ, cứu nạn ở đời sống hiện tại, nếu cán bộ xuất sắc, cứu được nhiều người, ngăn chặn thảm họa xảy ra thì được cất nhắc, ghi danh là chuyện hết sức bình thường.

    Sự xuất sắc của mỗi cá nhân cần được nhìn nhận một cách tích cực hơn. Còn chuyện ai thăng tiến “thần tốc” tiêu cực, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý đến nơi đến chốn. Tôi lấy ví dụ như vụ việc về Trịnh Xuân Thanh, cán bộ ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa qua, tiến nhanh nhưng không đàng hoàng thì phải xử lý là đúng.

    PV: Một số ý kiến cho rằng, có hiện tượng ưu ái trong luân chuyển để cán bộ dễ bề thăng tiến. Ông nghĩ sao về điều này?

    ĐBQH Trương Minh Hoàng: Cần nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ. Luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng trong công tác cán bộ, đây cũng là cơ hội để mỗi cán bộ rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Ai lợi dụng chủ trương, có sự ưu ái thì phải xử lý đúng người, đúng việc. Xử lý nghiêm, công khai như ủy ban Kiểm tra Trung ương có những kết luận rõ ràng thời gian qua, tôi rất hoan nghênh. Đã hẹn công khai thời điểm nào, hứa với dân công khai chi tiết việc gì là làm đúng trình tự như thế. Điều này tạo lòng tin và sự ủng hộ rất lớn trong quần chúng nhân dân.

    Còn nếu có sự cố gắng để “nhồi nhét” cán bộ thuộc diện “con ông cháu cha” không đủ thực lực, phải xử lý cả người “nhồi nhét” và người chấp nhận sự “nhồi nhét”, sau đó mới đến người không đủ chuẩn được “nhồi nhét”.

    Để ngăn chặn tình trạng này và chọn đúng người tài, việc sát hạch, thi tuyển cán bộ là rất quan trọng. Tất nhiên, một cán bộ thuộc diện “con ông cháu cha” mà có tài, có đức là điểm cộng rất lớn và không ngại bất cứ chuyện gì qua các bước tuyển chọn công khai, minh bạch, khắt khe.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

    Dương Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-nghiem-tinh-trang-co-nhoi-nhet-hau-due-khong-thuc-tai-a202778.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan