+Aa-
    Zalo

    Xưng hô nơi công sở: Nên "anh- tôi" thay vì "chú- cháu"!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhận xét cách xưng hô "chú - cháu", "bác - cháu” khiến nơi công sở giống gia đình hơn là nơi thực thi pháp luật, nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng nên gọi "anh- tôi" là hay nhất.

    (ĐSPL) - Nhận xét cách xưng hô "chú - cháu", "bác - cháu” khiến nơi công sở giống gia đình hơn là nơi thực thi pháp luật, nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng nên gọi "anh- tôi" là hay nhất.

    Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về “văn hóa công sở” để đưa ra nghị định về chuẩn hóa văn hóa công sở để không còn tình trạng xưng hô không phù hợp như "chú - cháu", "bác - cháu”. 

    Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

    Đón nhận thông tin trên, ông có suy nghĩ gì?

    Theo tôi, để văn hóa công sở được chấp hành một cách nghiêm túc, đi vào tổng thể thì nên có một Nghị định quy định rõ về cách xưng hô, ứng xử của viên chức, công chức để đem ra thảo luận rộng rãi trong dư luận.

    Trong điều kiện của nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hội nhập, việc tạo ra cách ứng xử mới của công chức sao cho phù hợp với tình hình phát triển cũng như phục vụ tốt nhân dân là đòi hỏi cần thiết. 

    Những quy định ứng xử trong nội bộ công sở, giữa các công chức với nhau, công chức với dân (thưa gửi, tươi cười, không được quát nạt) vô cùng quan trọng.

     Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng cách xưng hô "chú - cháu", "bác - cháu” khiến nơi công sở giống gia đình hơn là nơi thực thi pháp luật.

    Từ điều nhỏ nhặt nhất trong văn hóa giao tiếp là xưng hô cũng phải tạo ra cách gọi sao cho phù hợp, thể hiện được quan hệ trách nhiệm giữa các công chức với nhau, chứ không thể xưng hô như một gia đình “chú - cháu", "bác - con”.

    Cách gọi như vậy không thể hiện được công chức đang làm tại một cơ quan công vụ - nơi thực thi pháp luật, thực thi quy định của Nhà nước. 

    Vậy theo ông, thay vì xưng hô "chú - cháu", "bác - cháu”… thì cách xưng hô nào thay thế nào là phù hợp?

    Cách xưng hô quy về "anh – tôi" là tốt nhất. Chữ “tôi” rất quan trọng. Đây là đại từ khẳng định rõ chức vụ, vị trí và trách nhiệm của mỗi cá nhân.

    Xưng "cháu" thì không hiểu là cháu nào, có quan hệ nào nơi công quyền mà xưng hô như vậy. 

    Thêm vào đó, khi quan hệ tiếp xúc với dân, phải xưng "tôi", thưa gửi "bác", "ông", "bà" chứ không thể là "cháu"…. Như vậy, mới thể hiện được thái độ tôn trọng, có trách nhiệm với dân. 

    Theo quy định của Bộ luật Lao động, độ tuổi về hưu của nam giới là 60 tuổi, nữ giới là 55 tuổi. Nhưng rất nhiều nơi, những người về hưu vẫn được mời làm cố vấn, chuyên gia tư vấn... Việc một tân cử nhân mới tốt nghiệp từ 22 tuổi làm việc cùng người ở độ tuổi 62 trở lên không phải là hiếm. Khoảng cách 40 tuổi ấy nhiều khi tạo nên rào cản trong cách xưng hô. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

    Theo tôi, những người mặc dù đã đến tuổi về hưu nhưng có năng lực, học vị cao như phó giáo sư, tiến sĩ thì vẫn có thể để họ kéo dài thời gian tư vấn, giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ quan Nhà nước. Việc này không hề tạo ra cản trở trong cách xưng hô. 

    Họ cao tuổi thì sẽ gọi "chú", "cô", "bác", "ông", "bà" sao cho phù hợp nhưng cách xưng hô ở đây vẫn phải là "tôi", chứ không nên xưng "cháu". 

    Có ý kiến cho rằng do đại từ xưng hô trong tiếng Việt phong phú, không như tiếng Anh chỉ có 2 đại từ "I" và "You" nên mới có sự phức tạp trong cách xưng hô trong quan hệ công tác nơi công sở như vậy. Ông có đồng tình với ý kiến trên?

    Mặc dù thế, nhưng với những người cao tuổi hơn, công nhân viên chức vẫn nên xưng "tôi" và gọi họ cho xứng tuổi, chứ không nên xưng "con, cháu".

    Những người trẻ cần phải rèn, cần phải tạo nết trong giao tiếp. Điều quan trọng là trách nhiệm và cách ứng xử sao cho hài hòa, phù hợp, không thể ứng xử như một gia đình được.

     Những công chức trẻ tuổi cần phải tạo cho mình nết ứng xử có văn hóa nơi công sở. Ảnh minh họa.

    Nhiều người cho rằng cách xưng hô “chú - cháu, "bác - cháu” vẫn đảm bảo thái độ lịch sự, tôn trọng với người đối thoại lại hoàn toàn rõ ràng, mạch lạc. Điều quan trọng của công nhân viên chức nơi công sở vẫn chấp là chấp hành nội quy và quy định tại nơi làm việc, chứ không nên cứng nhắc về vấn đề xưng hô trong công sở. Ông đánh giá như thế nào về phản biện trên?

    Quy chế trên để chuẩn mực xưng hô sao cho phù hợp. Sau khi áp dụng sẽ chuẩn hóa thành Nghị định cho hợp với yêu cầu thống nhất trong cách xưng hô của ngành công vụ.

    Quy định mới có thể gây tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên khi viên chức, công chức đã thực thi trong ngành công vụ thì phải chịu ràng buộc bởi các quy định, phải chấp hành các quy định của pháp luật và Nhà nước. Nếu không chấp hành được thì người đó nên ra khỏi hệ thống công vụ.

    Khi Nghị định đi vào thực tiễn, ai sẽ là người quản lý cách xưng hô này? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào là phù hợp, thưa ông?

    Người lãnh đạo, thủ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm. Người lãnh đạo phải kiểm soát, hướng dẫn, kiểm tra, phải tổ chức sinh hoạt hàng tuần để việc xưng hô trở thành quan hệ bình thường tại nơi công sở.

    Tuy nhiên, phải có thời gian áp dụng chứ không thể ngày mai có thể quyết định xử phạt hành chính luôn được. 

    Vì quy định có thể mới, người dân tưởng khó chấp hành nhưng thực ra không có việc gì khó cả. Tôi thấy không hề có vấn đề gì cả. Vấn đề ở đây là làm được hay không làm được mà thôi.

    Hiện thế giới đã làm cả rồi, quy định rõ công chức phải giao tiếp với dân tươi cười như thế nào, cách trả lời, xưng hô ra sao, không được quát nạt, chửi mắng. Họ rất lịch sự: “Thưa bác, thưa ông, thưa bà… tôi đề nghị/ giải thích/cảm ơn…”. Vậy tại sao nước ta lại không thể làm được chứ?

    Vậy phải chăng văn hóa ứng xử nơi công sở của công chức nước ta còn yếu, thưa ông?

    Tôi thấy văn hóa ứng xử nơi công sở của ta quá yếu. Chính cách ứng xử "chú - cháu", "bác - con" có tiền lệ từ lâu nay khiến cơ quan công vụ - nơi thực thi pháp luật của ta giống như một gia đình, trong khi, đây lại phải là nơi phải là nơi tạo ra các chuẩn mực, nề nếp mang tính tác phong, chuẩn mực.

    Công chức tránh coi thường việc xưng hô hàng ngày bởi như vậy là coi thường lẫn nhau, coi thường dân. 

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xung-ho-noi-cong-so-nen-anh--toi-thay-vi-chu--chau-a39098.html
    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Người dân ở xóm Mới, thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đang rất lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng đào đang sử dụng có thể làm cây cỏ héo lá và chết.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Người dân ở xóm Mới, thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đang rất lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng đào đang sử dụng có thể làm cây cỏ héo lá và chết.

    Ô tô “đại náo” như... phim hành động

    Ô tô “đại náo” như... phim hành động

    Đang đi từ phía sau, chiếc ô tô bất ngờ đâm vào đuôi xe máy, đâm vào dải phân cách, phi sang làn đường đối diện, tiếp tục leo lên vỉa hè bên kia đường rồi mới chịu dừng..