+Aa-
    Zalo

    Bài 3: Cây đổ đè chết người, ai chịu trách nhiệm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo quy định thì chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản cho bên bị thiệt hại một cách nhanh chóng, kịp thời.

    (ĐSPL) - Theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản cho bên bị thiệt hại một cách nhanh chóng, kịp thời.
    Bài 3: Cây đổ đè chết người, ai chịu trách nhiệm?
    Hiện trường vụ cây đổ chết người tối 4/6 tại đường Hùng Vương, Hà Nội.
    "Chủ sở hữu phải bồi thường"
    Đó là quan điểm của luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về những sự cố hi hữu xảy ra khi mỗi mùa mưa bão, cây đổ đè chết người.
    Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
    Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, giáp biển nên khí hậu rất khắc nghiệt, mỗi năm hứng chịu hàng chục cơn bão, hiện tượng giông lốc cũng thường xuyên xảy ra. Các công ty quản lý cây xanh hoàn toàn biết việc này nhưng thường chỉ cho nhân viên đi cắt tỉa cây trước mỗi mùa mưa bão mà không làm thường xuyên trong năm. Do vậy, những trận giông lốc đầu mùa khi chưa kịp cắt tỉa những cây có nguy cơ gãy đổ cao thường gây hậu quả lớn và bất ngờ.
    Việc công ty cây xanh biết trước điều kiện thời tiết khác nghiệt mà không cắt tỉa kịp thời dẫn đến gãy đổ gây thiệt hại thì không thể coi là bất khả kháng.
    Khi một cây xanh đổ gây hậu quả nghiêm trọng, trường hợp này lỗi thuộc về công ty quản lý cây xanh. Về nguyên tắc, đơn vị này có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại về người và tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây đổ gãy gây ra, trừ trường hợp hoàn toàn xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".
    Theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản cho bên bị thiệt hại một cách nhanh chóng, kịp thời.
    Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 605, Bộ luật Dân sự là: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
    Khi thiệt hại xảy ra là sức khoẻ và tính mạng của người bị hại thì phải bồi thường toàn bộ chi phí cứu chữa, điều trị, chi phí lo mai táng và một khoản bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần khi sức khỏe, tính mạng bị xâm hại.
    Nếu nguyên nhân sự cố do bên thứ ba gây ra thì bên thứ 3 phải liên đới bồi thường với chủ sở hữu.
    Trường hợp giữa các bên không thể thỏa thuận, hòa giải thì một trong các bên đều có quyền yêu cầu tòa án xét xử buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
    Công ty quản lý cây xanh là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND cấp tỉnh. Do vậy, xét về góc độ quản lý nhà nước khi để hiện tượng cây xanh gãy đổ hàng loạt như những trận giông lốc vừa qua thì rõ ràng UBND nơi xảy ra thiệt hại đã không làm hết trách nhiệm quản lý, đôn đốc đơn vị dưới quyền.
    Khó đổ lỗi cho công ty cây xanh?
    Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Hà Nội) lại cho rằng, rất khó quy trách nhiệm cho công ty cây xanh.
    Theo luật sư Thơm, xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội là loại hình doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích được Thành phố giao quản lý cây xanh có bóng mát được trồng trên địa bàn của Hà Nội.
    Trong số đó đa phần là những cây lâu năm có bộ rễ chùm tốn đất, tán rộng nhưng rất dễ gãy đổ. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng đô thị hóa, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thoát nước, cầu cống, hạ ngầm đường điện, viễn thông,… đã có những ảnh hưởng nhất định tới sự an toàn của những cây xanh cổ thụ trên các tuyến phố. Do đó dẫn tới một số cây xanh lâu năm bị mất rễ dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho người dân. Nhiều trường cây bị đổ ngã trong thời tiết bình thường chứ không phải là do mưa to gió lớn.
    Số lượng cây xanh có bóng mát trên địa bàn Thủ đô do Công ty Công viên cây xanh quản lý là rất lớn, trên 46.000 cây được trồng trên nhiều tuyến phố 9 quận của Hà Nội. Mỗi năm đơn vị này đã cắt sửa trên 4.000 cây nặng tán, nguy hiểm; chặt hạ trên 1.000 cây chết khô, sâu mục, nghiêng, nguy hiểm. Ngay việc thu dọn hậu quả hàng loạt cây ngã đổ trong cơn dông ngày 4/6/2014 vừa qua cũng còn gặp nhiều khó khăn vì do thiếu phương tiện, nhân lực,…
    Bài 3: Cây đổ đè chết người, ai chịu trách nhiệm?
    Hiện trường vụ cây đổ làm 2 người bị thương tại TP.HCM chiều 28/5.
    Bên cạnh đó, việc chặt hạ một cây xanh phải qua nhiều cơ quan thẩm định. Công ty cây xanh cũng lập phương án đánh giá, thẩm định, báo cáo của chính quyền sở tại những cây xanh có thể mất an toàn để có phương án trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chặt hạ và thay thế trồng cây khác và cũng tránh hiện tượng lợi dụng việc chặt cây vào mục đích cá nhân. Đặc biệt là chặt những cây gỗ quý hoặc loại bỏ những cây chắn trước cửa nhà, cơ quan, doanh nghiệp…
    Vụ việc lái xe taxi vừa qua bị cây cổ thụ đè chết tại tuyến đường vườn hoa Mai Xuân Thưởng vừa qua là sự việc rất đau lòng và đáng tiếc. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý các cây xanh trên địa bàn thủ đô và cần thiết phải có sự vào cuộc nhiều cơ quan, tổ chức, nhà khoa học có chuyên môn để đánh giá sự an toàn của hệ thống cây xanh cổ thụ để có biện pháp chặt hạ, thay thế bằng các cây xanh khác trên các tuyến đường phố tránh các sự việc đáng tiếc như đã xảy ra.
    Chiều ngày 4/6/2014 vừa qua, các cơ quan dự báo thời tiết cũng đã đưa nhiều thông tin về hiện tượng thời tiết xấu qua các phương tiện truyền thông tại Hà Nội. Đối với người dân, trong khi mưa, dông, bão, nếu như không có việc gì thực sự cần thiết thì không nên ra ngoài đường để tránh những điều đáng tiếc xảy tới.
    Từ những căn cứ nêu trên, rất khó để có thể quy trách nhiệm cho Công ty Công viên cây xanh có trách nhiệm trong việc cây đổ đè chết lái xe taxi vừa qua tại tuyến phố bên cạnh vườn hoa Mai Xuân Thưởng trong hoàn cảnh mưa dông, gió lốc. Không chỉ riêng vụ tài xế taxi bị tử vong, thiệt hại về tài sản mà còn rất nhiều người dân bị cây đổ thiệt hại về tài sản.
    Trong những vụ việc đáng tiếc do cây đổ đè chết người thì theo quan điểm của luật sư, chính quyền địa phương phối hợp cùng công ty công viên cây xanh hỗ trợ nhân đạo một phần cho người dân bị thiệt hại về tính mạng, tài sản. Điều này thể hiện trách nhiệm cũng như đạo lý của người Việt Nam.
    Nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu bồi thường theo qui định của pháp luật. Việc xem xét trách nhiệm của các bên sẽ được tòa án xem xét giải quyết theo qui định của pháp luật.
    Xác định trách nhiệm thế nào?
    Phân tích từ góc độ khác, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, theo Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng."
    Có ý kiến cho rằng tình huống cây xà cừ cổ thụ bật gốc đè vào xe taxi làm lái xe tử vong tối ngày 4/6 vừa qua tại khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng thuộc trường hợp bất khả kháng. "Quan điểm của tôi là để xác định có phải trường hợp bất khả kháng hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố", luật sư Thanh nêu ý kiến.
    Theo luật sư, Điều 161 Bộ luật Dân sự quy định về sự kiện bất khả kháng như sau: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."
    Vậy cây xà cừ cổ thụ đổ có phải là không thể lường trước và không thể khắc phục được hay không?
    Giả sử trước khi sự cố xảy ra đã có thông báo của người dân tới cơ quan quản lý cây xanh về nguy cơ gãy đổ của cây này mà cơ quan quản lý không kịp thời khắc phục thì khi cây bật gốc do mưa bão không thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
    Hoặc trường hợp cây xà cừ nói trên đã có hiện tượng mục rỗng, bị bệnh, già cỗi, chết... mà cũng không được chặt hạ, dịch chuyển kịp thời thì cũng không thể coi vụ việc đã xảy ra là sự kiện bất khả kháng.
    Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị quy định như sau: "Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây."
    Như vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra "sức khỏe" cho cây. Khi phát hiện thấy cây đủ điều kiện cắt tỉa, chặt hạ thì phải xử lý ngay. Trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
    Nếu các cơ quan chức năng xác định được cây xà cừ nói trên gãy, đổ có phần trách nhiệm của chủ sở hữu (Ở đây là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên công viên cây xanh Hà Nội) thì Công ty này phải bồi thường cho người bị thiệt hại cả về tính mạng lẫn tài sản.
    Tuy nhiên, quy định pháp luật là như vậy nhưng thực tế để chứng minh được lỗi của chủ sở hữu cây xà cừ nói trên là rất khó. Trên quan điểm cá nhân, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, trong trường hợp này Công ty TNHH Nhà nước một thành viên công viên cây xanh Hà Nội trước mắt nên có sự hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho thân nhân người đã chết để phần nào làm giảm bớt đau thương mất mát cho họ. Điều đó vừa phù hợp đạo lý vừa thể hiện được trách nhiệm của một cơ quan nhà nước đối với người bị hại nói riêng và với nhân dân nói chung.

    Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội)-đơn vị được giao quản lý hệ thống cây xanh hiện nay cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp cây xanh lâu năm bị gãy đổ. Riêng trong trận mưa giông ngày 4/6, đã có gần 160 trường hợp cây xanh bị gãy đổ.

    Lý giải của ông Mạnh, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gẫy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao làm cho rễ cây lâu năm bị nông cạn dẫn đến cây dễ gãy đổ khi mưa bão.

    Đề cập về trách nhiệm trước những trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người dân, lãnh đạo công ty này cho rằng, đến thời điểm này chưa có một quy định cụ thể nào. “Chúng tôi chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố. Việc tai nạn do cây xanh đổ gãy trong mưa bão là những tai nạn đáng tiếc, bất khả kháng”, đại diện Công ty Công viên cây xanh nói.

    Bài 4: Đi xe trong mưa bão, cần chú ý những gì?
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-3-cay-do-de-chet-nguoi-ai-chiu-trach-nhiem-a35815.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Nội: 155 cây xanh gãy đổ trong mưa giông

    Hà Nội: 155 cây xanh gãy đổ trong mưa giông

    (ĐSPL) – Công ty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết, đến sáng nay, 5/6, Công ty ghi nhận 155 trường hợp cây xanh gãy đổ. Trận mưa giông tối qua cũng đã gây mất điện trên diện rộng.